Từ bốn biển trở về đất mẹ
Một trang mới về tinh thần Việt đã được mở ra trong năm 2009 với sự kiện Hội nghị Việt kiều toàn thế giới lần đầu tiên được tổ chức thành công. Cây cầu nối mỗi trái tim người Việt với quê hương đã có thêm những nhịp cầu mới, nhịp cầu của niềm tin, tình đồng bào và tự hào dân tộc
Năm 2009, lần đầu tiên cộng đồng người Việt toàn thế giới có dịp ngồi lại bên nhau để cùng suy ngẫm và tự hào về dòng máu Lạc Hồng. “Vì một cộng đồng đoàn kết vững mạnh” là tiêu chí được đặt ra trong diễn đàn Hội nghị Việt kiều toàn thế giới lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội. Có thể cần rất nhiều thời gian để đạt được mục tiêu này, nhưng điều quan trọng là ngay từ lúc này, chúng ta đã có nhiều cơ sở để lạc quan khi nghĩ đến hai chữ Người Việt.
“Hội nghị Diên Hồng”
Hơn 1.400 đại biểu, trong đó có 900 Việt kiều là trí thức, doanh nhân, văn nghệ sĩ... từ 52 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tham dự hội nghị. Trong số 900 đại biểu, người cao tuổi nhất là 90 tuổi và trẻ nhất là 24 tuổi. Đoàn nhiều đại biểu nhất là Mỹ (100 người), Thái Lan (90 người), Pháp (85 người), Đức (70 người).
![]() |
Với chủ đề “Vì một cộng đồng đoàn kết vững mạnh, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng đất nước”, Hội nghị đã trở thành một diễn đàn mở, rộng rãi để trao đổi, thu thập ý kiến, huy động mọi nguồn lực của cộng đồng kiều bào vào sự nghiệp chung của dân tộc, phát huy trí tuệ của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) đóng góp vào công tác chuẩn bị cho Đại hội XI của Đảng... Bốn vấn đề chính được Hội nghị tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến xây dựng bao gồm: Xây dựng cộng đồng NVNONN đoàn kết vững mạnh, thành đạt và hướng về đất nước; Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc trong cộng đồng NVNONN; Chuyên gia, trí thức kiều bào góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước; Doanh nhân kiều bào góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước.
Hội nghị đã thảo luận rất sôi nổi, cởi mở trong bầu không khí dân chủ và xây dựng. Đã có gần 150 tham luận và ý kiến phát biểu với nội dung rất phong phú, thẳng thắn và tâm huyết, cho thấy bức tranh toàn cảnh và sinh động về cộng đồng hiện nay. Từ hội nghị này, một bức tranh toàn cảnh về đời sống, tâm tư của người Việt đã được định hình với nhiều hướng đi mới được gợi mở, nhiều vấn đề bất cập cũng được nhìn nhận rõ ràng hơn.
Mong muốn và kiến nghị
Mong muốn “nơi nào có người Việt, nơi đó có tổ chức” là vấn đề được bà con Việt kiều quan tâm nhiều nhất. Hiện tại, các hình thức tập hợp và các hoạt động nhằm kết nối người Việt ở các cộng đồng bản địa còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa mạnh và toàn diện. Do đó, nhiều đại biểu bày tỏ mong muốn Nhà nước đẩy mạnh công tác hỗ trợ tăng cường hoạt động kết nối các tổ chức, hội của người Việt ở từng địa bàn và tại tất cả các nước có cộng đồng người Việt.
![]() |
Người Việt có câu “an cư lạc nghiệp”, các đại biểu kiều bào, đặc biệt là các doanh nhân đang muốn ổn định nơi ăn ở để về nước làm ăn, đầu tư rất quan tâm đến các chính sách về sở hữu nhà trong nước. Các đại biểu cũng tập trung trao đổi về vấn đề thủ tục xuất nhập cảnh, đăng ký công dân, đăng ký thường trú cho người hồi hương… Nhiều ý kiến thẳng thắn bày tỏ, tuy đã có tiến bộ về mặt hành chính song các thủ tục vẫn còn rườm rà, nhiêu khê, chưa tạo điều kiện tối đa cho bà con kiều bào.
Hiện có khoảng 4 triệu người Việt Nam đang sinh sống, lao động và học tập tại 101 nước và vùng lãnh thổ, trong đó khoảng 400.000 người có trình độ đại học trở lên. Hằng năm có khoảng 500.000 lượt kiều bào về thăm quê hương, đóng góp chuyên môn, đầu tư, kinh doanh, giao lưu văn hóa, nghệ thuật, từ thiện, nhân đạo… trong đó có 200-300 lượt trí thức, chuyên gia trí thức kiều bào về nước tham gia nghiên cứu giảng dạy, hợp tác nghiên cứu. Hiện có khoảng 3.000 dự án của kiều bào đầu tư về nước với tổng vốn gần 2 tỉ USD, trong đó có trên 60% dự án hoạt động có hiệu quả. Kiều hối những năm gần đây do bà con gửi về tăng trung bình 10-15%, năm 2008 đạt 7,4 tỉ USD…/.
Các đại biểu là chuyên gia, trí thức kiều bào kiến nghị cần có một tổ chức đầu mối với các hình thức linh hoạt để tập hợp thông tin và hỗ trợ lực lượng này về nước đóng góp. Cần sớm thành lập nhóm chuyên gia trí thức đầu ngành ở từng lĩnh vực quan trọng nhằm tăng cường trao đổi thông tin giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước, đóng vai trò hỗ trợ tư vấn chính sách về định hướng chiến lược, các dự án lớn của Nhà nước như điện hạt nhân, đường sắt cao tốc Bắc-Nam, công nghệ cao. Bên cạnh đó, cũng cần sớm xây dựng cơ sở dữ liệu về chuyên gia, trí thức kiều bào về từng lĩnh vực. Hiện tại, các trí thức kiều bào cũng đã và đang chủ động đóng góp dưới nhiều hình thức như hỗ trợ du học sinh trong nước đang học tập tại nước ngoài; cung cấp tài liệu, thông tin của các lĩnh vực chuyên ngành trong nước có nhu cầu; về nước tham gia hỗ trợ về chuyên môn cho các dự án, công trình nghiên cứu khoa học…
Một kiến nghị quan trọng khác cũng được kiều bào đưa ra là tăng cường chủ động bảo hộ công dân và pháp nhân cho NVNONN. Theo các đại biểu, Nhà nước cần đẩy mạnh việc đàm phán, ký kết các hiệp định và thỏa thuận song phương, đa phương và tác động ở cấp cao trong quan hệ với các nước có đông người Việt, nhằm hỗ trợ bà con có vị trí pháp lý ổn định để bảo đảm cuộc sống lâu dài ở nơi cư trú. Về vấn đề xây dựng cơ chế, chính sách, kiều bào kiến nghị cần rút ngắn thời gian thể chế hóa, cụ thể hóa và đề ra những biện pháp hữu hiệu để nhanh chóng thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các đường lối, chủ trương và chính sách đúng đắn, rộng mở của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào ta ở nước ngoài. Cần đặc biệt chú ý loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, thực hiện cơ chế “một cửa” trong việc giải quyết các thủ tục hành chính đối với kiều bào. Ngoài ra, cần tạo hành lang pháp lý thông thoáng và thuận lợi hơn cho các dự án đầu tư của kiều bào.
Cây cầu nối trái tim người Việt
Hội nghị Việt kiều toàn thế giới lần đầu tiên đã ghi nhận rất nhiều tâm huyết và quyết tâm vì một dân tộc an bình và thịnh vượng của các đại biểu kiều bào. Ông Phú, kiều bào Pháp bày tỏ mong muốn được đóng góp những năm tháng còn khoẻ mạnh của mình cho sự nghiệp phát triển ngành xây dựng của nước nhà. Ông Phú cho rằng, lực lượng kiều bào là tri thức đến tuổi nghỉ hưu vẫn còn có thể cống hiến nhiều năm, họ có lợi thế về kinh nghiệm nên có thể tham gia vào việc xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở và việc quy hoạch vĩ mô.
Trăn trở về vấn đề người Việt tị nạn ở nước ngoài, ông Thọ, Việt kiều Đức cho rằng, vì miếng cơm manh áo nên bà con ta phải tị nạn tại nước ngoài vì vậy không nên phân biệt đối xử giữa họ với kiều bào, tất cả đều cần được cấp visa và tạo điều kiện như nhau.
Bà Hường, kiều bào tại Brazil lại trăn trở về việc quảng bá văn hóa, đời sống phong phú của người Việt ra với bạn bè quốc tế. Bà cho rằng, khi văn hóa được sử dụng như cây cầu gắn kết các quốc gia sẽ tạo nên nền móng lâu bền cho một sự hợp tác toàn diện dựa trên sự hiểu biết văn hóa, truyền thống của nhau. Trong tham luận của mình, bà Hường đã kể những câu chuyện khiến các đại biểu khâm phục vì tình yêu quê hương, tự hào dân tộc của bà đã ngấm vào tâm trí không ít người dân nơi xứ sở của vũ điệu Samba.
Tự hào về cộng đồng người Việt ở Brazil, ông Vũ cho biết: “Cộng đồng người Việt ở Brazil chỉ có 130 người song nhờ có tinh thần đùm bọc hỗ trợ lẫn nhau nên hiện tại tất cả đều làm chủ, không ai phải làm thuê”. Ông Vũ cũng chia sẻ, tuy là một người vượt biên song những cản trở về ý thức hệ không hề ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành động của ông. Ông Vũ tự tin khẳng định sẽ làm tất cả những việc thiết thực nhất để hỗ trợ cộng đồng người Việt ở nước sở tại và hướng về quê hương thân yêu. Ông Vũ, ông Thọ hay bà Hường..., họ đã đại diện cho cộng đồng của mình ở xa quê cất lên những tiếng nói từ trái tim để bày tỏ niềm mong muốn được đóng góp phần công sức nhỏ bé của mình vào sự nghiệp chung của dân tộc.
Một trang mới về tinh thần Việt đã được mở ra trong năm 2009 với sự kiện Hội nghị Việt kiều toàn thế giới lần đầu tiên được tổ chức thành công. Cây cầu nối mỗi trái tim người Việt với quê hương đã có thêm những nhịp cầu mới, nhịp cầu của niềm tin, tình đồng bào và tự hào dân tộc./.