Việt Nam luôn trong trái tim tôi

Đây là tâm sự của bà Đinh Thị Minh Tơ, quê gốc ở Bùi Chu, Việt kiều Pháp

Tôi gặp bà Đinh Thị Minh Tơ, trong căn nhà nhỏ nhưng ấm cúng của thành phố Cachan, ngoại ô Paris. Một bà lão hiền hành, tốt bụng, nhưng vẫn toát lên vẻ năng động của bà chủ, bôn ba trên đất khách để khẳng định mình.

Bà Đinh Thị Minh Tơ, quê gốc ở Bùi Chu, sinh năm 1937. Lên bảy tuổi, bà lên Hà Nội sinh sống. Bà sang Pháp năm 1962. Ban đầu bà dự định theo nghề làm đầu và chăm sóc da mặt nhưng ở Pháp thời ấy, không cho người ngoại quốc mở tiệm riêng ngay mà phải đi làm vài năm, sau đó phải đi thi lấy chứng chỉ mở tiệm. Vốn không muốn làm thuê, lại có một bà dì có nhà hàng bán các đồ thực phẩm và các món ăn của Việt Nam, trước đây, sau những buổi đi học, tối bà vẫn phụ giúp dì trong quán ấy.

Bà nhớ lại: “Ngày đó, giờ nghĩ lại, thấy cực khổ quá cháu ạ”. Bà tự mình mở nhà hàng. Những địa chỉ và cái tên nhà hàng cũng gây nhiều trắc trở cho việc kinh doanh của bà, ví như hồi đó cửa hiệu của bà nằm tại số 17 và có cái tên Au Việt Nam, thì một số kẻ lại nói chắc bà cố tình tuyên truyền “Vĩ tuyến 17 ở Việt Nam”. Bà Tơ có nhiều kỷ niệm với Hồ Chủ tịch, nhưng sâu đậm nhất là hồi còn ở Bùi Chu, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm hội thiếu nhi và bắt nhịp cho các cháu hát. Bà kể, khi đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bắt đầu để chòm râu rất đẹp. Bà nói hình ảnh Hồ Chủ tịch luôn ngự trị trong tim mình, chính vì vậy, khi đến Pháp, bà cùng chồng luôn xung phong tình nguyện, tham gia vào hầu hết và phong trào của Kiều bào yêu nước ở Paris. Chồng bà, ông Đặng Sự là người đã từng được đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946, khi Người sang Pháp đàm phán về hòa bình ở Đông Dương (PV). Bà kể, có nhiều những kỷ vật về Người, nhưng cách đây hai năm, có cán bộ của Bảo tàng Hồ Chí Minh, từ Hà Nội sang tìm kiếm những di vật về Hồ Chủ tịch, nên vợ chồng bà đã tặng hết cho họ. “Việt Nam luôn ngự trị trong trái tim chúng tôi, chính vì vậy nên chúng tôi nhất định không nhập Quốc tịch Pháp. Mãi sau này, sau những năm chín mươi, chúng tôi mới nhập quốc tịch”.

Khi được hỏi về gia đình, bà Tơ bùi ngùi: “Điều đáng tiếc nhất trong đời tôi là các con tôi không nói thông viết thạo tiếng Việt. Vì hồi đó, do công việc tìm kế sinh nhai, nhà hàng đã lấy của tôi rất nhiều thời gian. Cộng với việc tham gia các phong trào hướng về Tổ quốc thân yêu, nên tôi đã sao nhãng việc dạy các cháu học tiếng Việt”. Bà cũng nói rằng, hai vợ chồng bà là thành viên của Hội Thương gia, trực thuộc Hội Người Việt Nam tại Pháp. Hai người không bỏ bất kỳ một buổi tụ họp nào của Hội quán. “Đến đó, chúng tôi như được sống lại những tình cảm đầm ấm của dân tộc mình, được nói tiếng Việt, chia sẻ những kỷ niệm vui buồn”.

Thiết nghĩ, con Rồng, cháu Tiên, dù sống ở bất cứ đâu trên quả địa cầu thì trái tim vẫn luôn hướng về Đất Việt. Tôi thật cảm động trước tâm tình của hai vợ chồng già tha hương, nhưng vẫn luôn đau đáu nhớ về cố quốc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên