“Cán bộ cao cấp mà chỉ lo cho riêng mình thì thật sai trái”
VOV.VN -TS Nguyễn Viết Chức cho rằng, cán bộ cao cấp mà chỉ cho riêng mình, lo cái riêng trái với pháp luật, lạm dụng quyền lực thì thật sai trái.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành quy định của Bộ Chính trị về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý.
Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị có những quy định về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá đối với cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước - Đó phải là những cán bộ tuyệt đối không tham vọng quyền lực, có nhiệt huyết và trách nhiệm cao với công việc, gương mẫu về mọi mặt, không tham nhũng, cơ hội, vụ lợi...
Phóng viên VOV phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh Thiếu niên nhi đồng của Quốc hội về vấn đề này.
Ông Nguyễn Viết Chức.
Ông Nguyễn Viết Chức: Suy cho cùng, mọi việc đều do con người, do bộ máy quyết định. Bộ máy muốn tốt thì phải có tiêu chuẩn, tiêu chí. Trên thực tế cũng đã xuất hiện nhiều nơi, nhiều chỗ mặc dù đã có quy định, quy trình bổ nhiệm cán bộ nhưng họ vẫn cố tình “lách” để làm những điều sai trái.
Muốn quản lý một cách chặt chẽ, muốn xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh thì vấn đề con người, vấn đề cán bộ là then chốt nhất, quyết định nhất. Đúng dịp này, Bộ Chính trị ban hành quy định này là chính xác vì không thể không ngăn chặn hiện tượng lạm dụng quyền lực.
PV: Trong quy định tiêu chuẩn, Bộ Chính trị quy định cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải là những cán bộ tuyệt đối không tham vọng quyền lực. Biểu hiện của tham vọng quyền lực ở đây ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Viết Chức: Lạm quyền gần như là một căn bệnh của con người nên không thể chủ quan với căn bệnh này được. Trước đây, chúng ta thiên về việc tự giác, một thời kỳ mà tất cả đều hướng về phía trước, hướng đến mục đích giải phóng dân tộc, hòa bình, thống nhất đất nước, nên dù là cán bộ hay dân thường đều tập trung vào hướng đó.
Khi đi vào cuộc sống xây dựng kinh tế, xây dựng đời sống cá nhân thì lạm dụng quyền lực có biểu hiện rất rõ. Biểu hiện như: quyền chỉ có 1 nhưng "lạm" đến 10; bổ nhiệm trái quy định; không có quyền nhưng vẫn ký quyết định để tham nhũng, tham ô….
Vì vậy, xu thế chống lạm dụng quyền lực là hoàn toàn chính xác, phù hợp với xu thế xây dựng một xã hội hiện đại.
“Bộ Chính trị thêm một lần khẳng định quyết tâm làm trong sạch cán bộ“
PV: Theo ông, với những quy định của Bộ Chính trị về tiêu chí cán bộ, liệu có kiểm soát được quyền lực của cán bộ, đảng viên hay không?
Ông Nguyễn Viết Chức: Trong lịch sử phát triển của xã hội loài người, người ta đã nghĩ đến việc phải kiềm chế, kiểm soát quyền lực. Những tổ chức, cơ quan nhà nước như cơ quan hành pháp, cơ quan lập pháp… là những cơ quan kiểm soát quyền lực để chống lạm quyền.
Hiện tượng xấu của con người phải do chính con người và tổ chức thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, chứ cũng không thể kỳ vọng có quy định thì mọi cái xấu biến mất. Nhưng cũng phải có quy định thì mới có căn cứ để soi xét thế nào là xấu, tốt, đúng, sai.
Đặc biệt, cán bộ ở cấp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Trung ương quản lý thì những cán bộ đó phải tu dưỡng mình, làm sao để xứng đáng là cán bộ ở cấp như vậy.
Cán bộ cao cấp mà chỉ lo cái riêng của mình, lo cái riêng trái với pháp luật, lạm dụng quyền lực thì thật sai trái. Vì Đảng ta không có lợi ích nào khác là lợi ích của nhân dân, phụng sự nhân dân chứ không thể nào lại sống trên dân, trên mức sống bình thường một cách không kiểm soát, tham ô, tham nhũng, gây khó cho công việc, thậm chí có những chỗ “tức dân” thì hoàn toàn không thể chấp nhận được.
Quy định này có thể nói là một trong những quy định cần thiết, kịp thời để chấn chỉnh những hiện tượng, cá nhân còn sai sót.
“Quy định của Bộ Chính trị kịp thời chấn chỉnh cán bộ cao cấp sai phạm“
PV: Quy định của Bộ chính trị cũng yêu cầu cán bộ phải là người tuyệt đối không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi. Thưa ông, từ quy định của Bộ Chính trị phải chăng phản ánh rõ thực tế tình trạng “người nhà hơn người tài”, tình trạng “ lợi ich nhóm” đang tồn tại như thách thức dư luận?
Ông Nguyễn Viết Chức: Ngay trong luật Hồng Đức từ thời nhà Lê cũng đã quy định rất rõ, như: không bổ nhiệm quan chức ở tại địa phương, người thân, người nhà. Hiện nay có nhiều hiện tượng, thậm chí mang tính phổ biến mà xã hội đã nói như chuyện người thân, người nhà, quan hệ, tiền tệ, hậu duệ… Tất cả những việc đó phải có quy định.
Bây giờ có tiêu chuẩn, tiêu chí rồi thì phải căn cứ vào đó. Người nào đã có tiêu chí, tiêu chuẩn mà vẫn cố tình đưa người thân, người nhà, lợi ích nhóm vào cuộc thì dứt khoát phải xử lý kỷ luật kịp thời.
Người xưa nói “Dụng nhân như dụng mộc”, việc nào cũng phải có tiêu chí của việc đó. Rõ ràng, việc đưa ra tiêu chí rất đúng. Đưa ra tiêu chí để chọn cán bộ chứ không phải chọn một cách chung chung.
PV: Theo ông, sau quy định của Bộ Chính trị, có nên có một cuộc kiểm tra ở các bộ ngành địa phương về vấn đề cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ hay không?
Ông Nguyễn Viết Chức: Nên tổng kiểm tra tất cả và phải tự kiểm tra. Vì Đảng ta là một tổ chức chính trị tự nguyện, là tổ chức chính trị tiên phong nhất, cao nhất, thì phải tự nguyện kiểm tra.
Trong quy định, quy chế phải nói rõ, nơi nào để xảy ra tình trạng đó thì trên một cấp sẽ phải kỷ luật.
PV: Trong không khí như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chia sẻ là “lò đã nóng” hiện nay, dư luận mong rằng quy định tiêu chí đánh giá cán bộ sẽ nâng cao trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên. Tuy vậy, dư luận vẫn băn khoăn và đề xuất cần những tiêu chí cụ thể hơn để tránh sự hình thức trong tiêu chí đánh giá cán bộ. Ông có chia sẻ thế nào về vấn đề này?
Ông Nguyễn Viết Chức: Căn cứ vào quy chế một cách tổng thể như vậy thì các cơ quan, tổ chức các cấp, Đảng ủy các cấp phải quy định cụ thể cho từng cấp mình, từng công việc cũng như bộ ngành mình với tinh thần đúng người đúng việc.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Cán bộ cấp cao phải tuyệt đối không tham vọng quyền lực