Thỏa thuận khí đốt Mỹ - EU có thể gây ra thảm họa khí hậu
VOV.VN - Theo các nhà hoạt động môi trường, một thỏa thuận giữa Mỹ và EU được công bố hôm 25/3, dự kiến cung cấp thêm khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ vào thị trường châu Âu, có thể “gây ra thảm họa cho khí hậu”.
Thỏa thuận này nhằm giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga bằng cách thay thế một phần bằng nhiên liệu hóa thạch của Mỹ.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động môi trường đang quan tâm đến ý tưởng chuyển đổi nguồn nhiên liệu hóa thạch bằng một nguồn khác thay vì “chuyển đổi sang năng lượng sạch với giá cả phải chăng”.
Kelly Sheehan, Giám đốc cấp cao của các chiến dịch năng lượng tại Câu lạc bộ Sierra – một tổ chức môi trường của Mỹ, cho biết, việc cho phép mở rộng các cơ sở xuất khẩu khí đốt mới sẽ dẫn đến tình trạng hàng thập kỷ phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch dễ bay hơi và gây ra thảm họa đối với khí hậu của chúng ta và các cộng đồng vùng duyên hải Vịnh Mexico vốn đã quá tải.
Đồng tình với những cảnh báo trên, Kassie Siegel, Giám đốc Viện Luật Khí hậu của Trung tâm Đa dạng Sinh học, cho rằng việc “thúc đẩy các cơ sở xuất khẩu khí độc hại mới và có thêm nhiều thập kỷ phát thải khí metan sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho những nơi ở tình trạng khẩn cấp về khí hậu”.
Bà Siegel nói thêm rằng nguồn LNG của Mỹ “dù sao cũng không giải quyết được cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại ở châu Âu”.
“Việc phê duyệt thêm các trạm xuất khẩu, đường ống dẫn và sản xuất nhiên liệu hóa thạch chỉ ‘thêm dầu vào lửa’ của thế giới đang bùng cháy của chúng ta”, bà Siegel nói.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), để giữ cho nhiệt độ toàn cầu không vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, con người nên ngừng xây dựng cơ sở hạ tầng nhiên liệu hóa thạch mới ngay từ bây giờ. Các nhà khoa học cho rằng nếu nhiệt độ toàn cầu vượt quá ngưỡng nói trên, hành tinh sẽ trải qua sự gia tăng đáng kể các đợt nắng nóng nguy hiểm, lũ lụt, hạn hán và cháy rừng có khả năng khiến con người phải di tản.
Phát biểu tại Brussels hôm 25/3, Tổng thống Joe Biden tuyên bố thỏa thuận cung cấp LNG sẽ đảm bảo “các gia đình ở châu Âu có thể vượt qua mùa đông này”, đồng thời gây sụt giảm doanh thu khí đốt của Nga. Ông Biden cho biết, kế hoạch này sẽ không làm suy yếu các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng của chính quyền Mỹ, đồng thời nói rằng cuộc xung đột ở Ukraine sẽ là “chất xúc tác” cho việc áp dụng năng lượng tái tạo rộng rãi hơn.
Theo thỏa thuận, Mỹ sẽ làm việc với các đối tác quốc tế và cố gắng đảm bảo ít nhất 15 tỷ mét khối LNG cho thị trường EU vào năm 2022, dự kiến tiếp tục tăng trong tương lai./.