Hợp nhất 3 Văn phòng: Trưởng xuống làm Phó thì chính sách thế nào?
VOV.VN - Việc hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND yêu cầu sắp xếp nhân sự, trong đó có vị trí cấp trưởng và cấp phó.
Tờ trình về việc xây dựng Đề án thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh vừa trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều 18/9 đề xuất thí điểm hợp nhất ở 10 tỉnh, thành và khuyến khích các địa phương khác đủ điều kiện tiến hành hợp nhất. Vấn đề sắp xếp nhân sự và quy định cấp phòng là những nội dung nhận được nhiều ý kiến thảo luận.
Có chính sách để đảm bảo công bằng
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, những địa phương nào đủ điều kiện sẵn sàng thì thí điểm, còn tỉnh nào chưa đủ điều kiện thì không nên ép buộc vì như thế sẽ sinh ra phức tạp cho lãnh đạo toàn diện ở địa phương.
Về nhân sự, khi hợp nhất thì từ 3 Chánh Văn phòng sẽ chỉ còn 1 Chánh văn phòng, thậm chí người giữ vị trí này có thể chuyển từ nơi khác về, dẫn đến những người này xuống làm phó. Do đó, ông Nguyễn Văn Giàu đề nghị cân nhắc thận trọng phương hướng xử lý để đảm bảo công bằng, trong đó có thể xem xét giữ chế độ lương, phụ cấp.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu phát biểu tại phiên thảo luận (Ảnh: Quochoi.vn) |
Liên quan đến số lượng cấp phòng, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại cho rằng cứ căn cứ xác định vị trí việc làm mà quy định, không tư duy nên tối đa hay tối thiểu bao nhiêu, vì như thế sẽ đi ngược lại đổi mới về quản lý biên chế hiện nay.
Liên quan nhân sự Chánh Văn phòng, Uỷ ban Pháp luật – cơ quan thẩm tra, cho biết, theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì Chánh Văn phòng HĐND tỉnh là thành viên Thường trực HĐND tỉnh; theo Nghị định số 24/2014/NĐ-CP thì Văn phòng UBND tỉnh là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và Chánh Văn phòng UBND là Ủy viên UBND theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương vì là người đứng đầu cơ quan chuyên môn của UBND.
“Khi hợp nhất 3 Văn phòng thì người đứng đầu Văn phòng chung không thể vừa là thành viên Thường trực HĐND vừa là thành viên UBND cấp tỉnh” – Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật nhấn mạnh. Vì vậy, cơ quan thẩm tra cho rằng việc Đề án xác định Chánh Văn phòng không phải là thành viên HĐND và cũng không phải là thành viên UBND là hợp lý, tạo được sự độc lập cho Chánh Văn phòng khi thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo Văn phòng chung tham mưu, phục vụ cho cả Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND cấp tỉnh.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thanh Hải – Trưởng Ban Dân nguyện, với quy định này thì cơ hội để Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH được lựa chọn làm Chánh văn phòng sau khi hợp nhất là cao nhất, vì thường khi chọn cấp trưởng thì thường chọn trong nhân sự hiện có (ngoài ra có thể điều người từ nơi khác về). Vấn đề này cũng cần được đánh giá vì nhân sự bao giờ cũng là vấn đề người ta quan tâm.
Nhất trí việc hợp nhất góp phần thu gọn bộ máy, tinh giản biên chế, tiết kiệm chi phí, nhưng Chủ nhiệm Uỷ ban TC-NS Nguyễn Đức Hải băn khoăn về hiệu quả hoạt động khi hợp nhất.
Về sắp xếp nhân sự, theo ông Nguyễn Đức Hải cần giải quyết vấn đề tư tưởng vì “ tách ra ai cũng phấn khởi vì có chức, có cơ hội làm việc, nhưng nhập lại sẽ có tâm tư”.
Địa phương sáng tạo thì có thể có mô hình hay
Ở góc độ khác, ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm UBVH-GD-TN-TN-NĐ cũng đồng tình việc thí điểm hợp nhất có thể tinh giản biên chế, gọn bộ máy, tiết kiệm chi phí, song, vấn đề hoàn thiện hệ thống chính trị cũng phải tính toán kỹ lưỡng.
“Chúng ta có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực lẫn nhau thì cơ chế này có đảm bảo kiểm soát quyền lực? HĐND thực hiện chức năng giám sát tốt chưa và phải chăng nhập lại thì làm tốt hơn? Có đồng chí lãnh đạo tỉnh nói ông ở huyện không dám chất vấn ông giám đốc sở đâu!” – ông Phan Thanh Bình đặt vấn đề.
Chủ nhiệm UBVH-GD-TN-TN-NĐ Phan Thanh Bình phát biểu tại phiên thảo luận (Ảnh: Quochoi.vn) |
Phát biểu tại phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho rằng biết, trong dự thảo nghị quyết mà Bộ này trình Chính phủ cũng đề cập nhiều vấn đề liên quan đến hợp nhất, như về số lượng cấp phó giám đốc sở và số lượng phòng thuộc sở theo hướng khoán tổng số, để địa phương quyết định cụ thể Sở nào có nhiều phó giám đốc hay sở nào có nhiều phòng. Phương án này cũng được đa số địa phương lựa chọn. Do đó, ông Nguyễn Duy Thăng đề nghị cân nhắc khi quy định trong nghị quyết về thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng.
Còn ông Trần Tiến Dũng – Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị đã thí điểm thì nên mạnh dạn hơn để tạo điều kiện cho địa phương thực hiện, nên chăng chỉ quy định số lượng cấp phòng tối đa, còn tuỳ địa phương tự quyết. Việc tạo dư địa cho địa phương sáng tạo thì khi tổng kết sẽ thấy được mô hình hay.
Giải trình thêm một số vấn đề các đại biểu quan tâm, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cũng thừa nhận phương thức và mối quan hệ công tác khi về chung một văn phòng là vấn đề khó.
“Anh em cũng nói chuyện, ba con một cha thì dễ chứ ba cha một con thì khó lắm. Trong phương án có quy định về mối quan hệ sau này khi đi vào hoạt động rồi mới có quy chế” – ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Khi hợp nhất thì có thể chọn 1 trong 3 người làm Chánh Văn phòng, hoặc có thể không chọn những người này tuỳ thuộc vào quyết định của địa phương. Theo ông Phúc, việc chọn không dễ nhưng phải có người điều hành. Còn số lượng cấp Phó Chánh Văn phòng dự thảo cơ bản thực hiện theo Kết luận 34 của Bộ Chính trị và có lộ trình giảm theo quy định.
Trong phần kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, cơ bản các ý kiến tán thành việc trình UBTVQH ban hành Nghị quyết về việc thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng nhằm tạo cơ sở pháp lý để việc thí điểm sớm được triển khai theo thời gian như tờ trình của Văn phòng Quốc hội (từ 1/1/2019-31/12/2019).
Về những nội dung còn có ý kiến khác nhau, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục xin ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trước khi trình UBTVQH xem xét, ban hành./.
Thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng ở 10 tỉnh, thành phố