Lạng Sơn: Sắp xếp bộ máy đi đôi với công tác tư tưởng
VOV.VN -Sau khi thực hiện sắp xếp, tổ chức bộ máy ở Lạng Sơn gọn nhẹ hơn, tinh gọn, hiệu quả hiệu lực hơn, nhiều đầu mối giảm.
Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 18 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tỉnh Lạng Sơn đã quán triệt và xác định nhiệm vụ trọng tâm, cần thực hiện quyết liệt với lộ trình, bước đi vững chắc, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài, phù hợp với thực tiễn của địa phương, bước đầu đạt được những kết quả đáng tích cực.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên VOV có cuộc trao đổi với ông Triệu Văn Quân, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lạng Sơn.
PV: Sau một thời gian thực hiện Nghị quyết số 18 của Trung ương cũng như Nghị quyết số 19 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đến thời điểm hiện nay tỉnh Lạng Sơn đã đạt kết quả nổi bật như thế nào?
Một góc Lạng Sơn. |
Ông Triệu Văn Quân: Kết quả nổi bật trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đạt được rất tích cực. Thứ nhất, về tổ chức bộ máy gọn nhẹ hơn, tinh gọn, hiệu quả hiệu lực hơn, nhiều đầu mối giảm, đặc biệt là những cơ quan, đơn vị, vị trí người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có vị trí tương đồng về chức năng, nhiệm vụ đã được được tổ chức sắp xếp lại gọn hơn, hiệu quả hơn.
Thứ hai là số biên chế trong các năm trên địa bàn tỉnh đã giảm rất rõ rệt, việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp khối trường học y tế, các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh cũng cũng giảm rất nhiều.
Đặc biệt trong khối y tế, giáo dục, các đơn vị dịch vụ công của các sở, ngành theo hướng gọn lại; một việc nữa là việc sắp xếp, sáp nhập lại các xã, phường, thị trấn.
PV: Trong quá trình triển khai thực hiện việc đổi mới sắp xếp, kiện toàn lại bộ máy, tổ chức các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng thu gọn đầu mối giảm tối đa cấp trung gian và địa phương, tỉnh có gặp khó khăn, thách thức như thế nào?
Ông Triệu Văn Quân: Trong quá trình thực hiện, tỉnh cũng gặp một số khó khăn.
Việc sắp xếp các cơ quan hành chính cấp xã, phường, thị trấn, khối phố, thôn bản thì khó khăn về trình độ, về năng lực, khả năng đáp ứng yêu cầu của cán bộ cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn vì là tỉnh miền núi, biên giới. Do điều kiện dân trí, điều kiện địa bàn như vậy nên tỉnh phải có lộ trình cụ thể để sắp xếp theo định hướng của Trung ương.
Việc sắp xếp mạng lưới trường học các trường học phổ thông, cấp 1, cấp 2 sáp nhập lại để giảm đầu mối thì trong quá trình tổ chức gặp khó khăn vì địa hình chia cắt, đường sá đi lại không thuận lợi cho giáo viên, học sinh, đặc biệt là những xã vùng sâu, vùng xa.
Việc sắp xếp, chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập như giáo dục, y tế chuyển sang tự chủ về kinh tế, về chi phí cũng gặp những khó khăn nhất định. Bởi lý do điều kiện kinh tế xã hội của tỉnh Lạng Sơn thấp hơn so với các tỉnh vùng trung du Bắc Bộ, hay do việc chi trả của người dân cho các dịch vụ này còn thấp. Cho nên, khi thực hiện chuyển đổi, sắp xếp lại theo hướng tự chủ thì sẽ có khó khăn nhất định do những điều kiện kinh tế xã hội của địa phương.
PV: Thời gian tới tỉnh sẽ triển khai các giải pháp gì để nâng cao hiệu lực hiệu quả bộ máy, tổ chức đội ngũ cán bộ công chức thiết thực đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống thưa ông?
Ông Triệu Văn Quân: Thời gian tới, tỉnh xác định tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương để thực hiện nghiêm túc có hiệu quả các nội dung của Nghị quyết 18 kết hợp đôn đốc, kiểm tra. Tiếp tục tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức chủ chốt cấp xã, Bí thư chi bộ các thôn, bản, khu phố. Tăng cường sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ công chức gắn với triển khai được việc sắp xếp phải thực hiện đúng quy trình.
Thí điểm nhất thể hóa chức danh một số người đứng đầu cơ quan, đơn vị tương đồng. Tỉnh cũng tiếp tục xây dựng kế hoạch để tổ chức triển khai khi có những chỉ đạo của Trung ương./.
PV: Xin cảm ơn ông./.