5 lý do khiến nhiều người không ưa chuộng Tesla
VOV.VN - Một số chủ sở hữu ô tô bất bình với Tesla, từ tính năng của ô tô đến thái độ từ phía công ty.
Kể từ khi thành lập vào năm 2003, Tesla đã thực sự trở thành bộ mặt của thị trường xe điện (EV), thiết lập các tiêu chuẩn để đánh giá những phát triển EV từ các nhà sản xuất ô tô lớn khác. Tesla đã cho ra mắt rất nhiều phương tiện, dần dần phát triển hơn nữa công nghệ EV và các tính năng đi kèm, cũng như mở rộng tầm ảnh hưởng của mình bằng việc lắp đặt các bộ sạc ô tô độc quyền. Nhờ đó, Tesla dần trở thành một nhà sản xuất nổi tiếng. Tuy nhiên, đây không hẳn là một công ty được ưa chuộng trên toàn cầu.
1. Giá thành xe Tesla
So với khi xe Tesla lần đầu tiên được bán ra, chúng hiện tại có giá cả phải chăng hơn. Trong khi chiếc Tesla Roadster nguyên bản có giá gần 100.000 USD (khoảng 3 tỷ đồng), thì ngày nay bạn có thể mua được một chiếc Model 3 hoặc Model Y với giá chỉ bằng một nửa.
Mặc dù những chiếc xe không còn đắt tiền như trước đây, nhưng cái giá 50.000 USD (khoảng 1,5 tỷ đồng) vẫn là quá cao. Có nhiều lựa chọn thay thế hợp lý hơn trong với động cơ đốt trong truyền thống, đặc biệt nếu bạn mua xe đã qua sử dụng, điều này khiến xe Tesla có vẻ ít được ưa chuộng hơn khi so sánh.
Ngoài ra, mua một chiếc Tesla cũng cần xem xét đến sự tiện lợi của việc sạc điện. Nếu bạn mua một chiếc Tesla nhưng không tìm thấy bất kỳ bộ sạc nào ở gần, thì bạn đã đầu tư vào một chiếc “hộp kim loại” rất đắt tiền.
2. Tiềm tàng nguy cơ bị xâm phạm quyền riêng tư
Hầu hết các xe Tesla đều có camera hành trình tích hợp được thiết kế để ghi lại hình ảnh của người lái và hành khách trong trường hợp xảy ra tai nạn. Bản thân điều đó không phải là vấn đề lớn, nhưng thực tế là bạn không thể quyết định xem camera có được cài đặt hay không và thời điểm bật camera liên quan đến quyền riêng tư cá nhân. Ngoài ra còn có vấn đề về "Chế độ Sentry" của xe Tesla. Chế độ này kích hoạt camera khi xe không được sử dụng để theo dõi hành vi trộm cắp tiềm ẩn.
Bên cạnh những lợi ích mà việc lắp đặt camera mang lại, cũng có những lo ngại rằng kẻ xấu có thể truy cập từ xa vào camera của Tesla để đánh cắp cảnh quay riêng tư của các tài xế và chính Tesla có thể sử dụng cảnh quay để theo dõi hoặc nghiên cứu thị trường một cách trái phép. Dù bằng cách nào, đối với những người coi trọng quyền riêng tư của họ, đây chắc chắn là một mối quan tâm lớn.
3. Lỗi công nghệ lái tự động
Một trong những mục tiêu chính của dòng xe hiện đại của Tesla là trải nghiệm lái tự động thực sự liền mạch đầu tiên. Tuy nhiên, trong quá trình theo đuổi mục tiêu này, các phương tiện của Tesla lại có xu hướng hỏng hóc hoặc trục trặc cao, đồng thời gây ra tranh cãi và điều tra về "bản beta" tự lái của nhà sản xuất ô tô này.
Theo một báo cáo của The Washington Post phát hành vào tháng 6 năm nay, hệ thống lái tự động của Tesla đã tham gia hoặc trực tiếp gây ra khoảng 736 vụ tai nạn ô tô kể từ năm 2019. Đã có ít nhất 17 trường hợp người lái xe, hành khách hoặc người đi bộ tử vong được xác nhận do những va chạm này gây ra. Hơn 360.000 xe Tesla đã bị triệu hồi vì phần mềm beta tự lái lái xe không an toàn trong một số tình huống giao thông cao.
Theo NHTSA, việc triệu hồi là do bản Beta hoàn toàn tự lái được cài đặt (hoặc đang chờ cài đặt) đã khiến một số phương tiện Tesla "vượt quá giới hạn tốc độ hoặc đi qua các giao lộ một cách bất hợp pháp hoặc không thể đoán trước", điều này có thể dẫn đến tai nạn nghiêm trọng.
Nhìn chung, trên thực tế, công nghệ xe tự lái của Tesla chưa hoàn toàn sẵn sàng để chạy trên đường và việc công ty khăng khăng muốn đưa nó vào đã khiến các tài xế lo sợ cho sự an toàn của chính họ và những người xung quanh.
4. Hỗ trợ nâng cấp kém và vấn đề triệu hồi xe
Mặc dù xe Tesla là ô tô theo nghĩa đen, nhưng chúng hoạt động giống như những chiếc máy tính khổng lồ có bánh xe hơn là ô tô chạy xăng truyền thống. Giống như máy tính cá nhân của bạn, các phương tiện của Tesla nhận được các bản nâng cấp chương trình cơ sở đều đặn, theo lý thuyết, có khả năng giải quyết các vấn đề mà không cần phải triệu hồi các phương tiện bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đã có trường hợp các bản nâng cấp của Tesla lại gây ra các sự cố mới hoặc làm trầm trọng thêm các sự cố hiện có.
Một ví dụ nổi bật về điều này xảy ra vào tháng 11/2022, khi Tesla buộc phải triệu hồi hơn 40.000 xe Model S và Model X sau khi một bản nâng cấp bị hỏng khiến tính năng lái trợ lực điện tử của xe đột ngột hỏng khi xử lý địa hình gồ ghề. Một ví dụ khác vào tháng 11/2022 là đợt triệu hồi được ban hành đối với mô-đun kiểm soát dây đai an toàn, mô-đun này có khả năng khiến túi khí hành khách của xe Tesla bung ra không chính xác trong một số trường hợp va chạm ở tốc độ thấp, theo NHTSA.
Mặc dù hầu hết các vụ triệu hồi Tesla đã được giải quyết bằng các bản nâng cấp trực tuyến, nhưng việc xử lý các sự cố đột ngột vì một bản nâng cấp có khả năng khiến bạn gặp nguy hiểm trên đường vẫn rất đáng sợ.
5. Giám đốc điều hành của Tesla, Elon Musk
Mặc dù là người thẳng thắn ủng hộ phát triển công nghệ, nhưng người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Tesla, Elon Musk cũng đã nhiều lần đưa ra những tuyên bố khiến nhiều người cảm thấy khó chịu hoặc thậm chí bị xúc phạm, tiêu biểu trong những năm gần đây với đại dịch COVID-19 và việc ông mua lại Twitter rồi đổi tên thành "X".
Musk cũng tác động đến định hướng của nền kinh tế phương Tây, không chỉ trong cách ông tiến hành kinh doanh mà còn bằng những tuyên bố đơn giản trên mạng xã hội. Trước khi mua lại Twitter, Musk thường xuyên đưa ra những tuyên bố gây kích động trên hồ sơ Twitter cá nhân của mình về các doanh nghiệp hoặc khoản đầu tư nổi bật, từ đó gây ra các đợt tăng giá hoặc bán tháo.
Nhìn chung, những tai tiếng và tranh cãi xoay quanh Musk vô tình kéo theo một lượng lớn người không ủng hộ ông chủ Tesla cũng như những sản phẩm xe hơi của ông ấy.