Bằng lái bị trừ hết 12 điểm, phải làm gì để phục hồi?

VOV.VN - Theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định, mỗi năm, mỗi giấy phép lái xe sẽ có 12 điểm. Nếu bị trừ hết 12 điểm sẽ phải kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Mới đây, Nghị định 168/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (GPLX) có hiệu lực từ 1/1/2025 đã thay thế cho Nghị định 100/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/NĐ-CP).

Theo Nghị định số 168/2024 lần đầu tiên áp dụng việc trừ điểm giấy phép lái xe (GPLX) đối với người vi phạm giao thông. Nghị định quy định 189 hành vi, nhóm hành vi bị trừ từ 2 - 12 điểm giấy phép lái xe; trong đó, có 28 hành vi, nhóm hành vi bị trừ 12 điểm.

Rất nhiều người thắc mắc không biết nếu bị trừ hết 12 điểm thì có được lái xe tiếp hay không và làm thế nào để phục hồi…

Theo đại diện Cục Cảnh sát giao thông, GPLX chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng từ ngày bị trừ điểm gần nhất thì được phục hồi đủ 12 điểm. GPLX bị trừ hết điểm thì tài xế không được điều khiển xe theo giấy phép đó.

Sau thời hạn ít nhất 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có bằng lái xe được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự ATGT đường bộ, do CSGT tổ chức, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.

Từng trả lời trên Báo Điện tử VOV, Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông cho biết: "Việc trừ điểm giấy phép lái xe không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính; hành vi vi phạm đã bị trừ điểm giấy phép lái xe thì không áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép lái xe. Việc này, vừa có tính chất răn đe nhưng lại vừa động viên, giáo dục người tham gia giao thông chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Người lái xe chỉ vi phạm những lỗi nghiêm trọng, có tính chất cố tình và gây nguy hiểm thì mới bị trừ một lần hết 12 điểm. Khi đã bị trừ hết điểm thì phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về an toàn giao thông mới được phục hồi điểm, đây là biện pháp để người vi phạm có nhận thức đầy đủ về hành vi vi phạm của mình. Mỗi lần bị trừ điểm như là "tiếng chuông" cảnh báo giúp người lái xe chấp hành pháp luật tốt hơn nhưng đảm bảo nhân văn.

Tôi lấy ví dụ như vi phạm nồng độ cồn ở ngưỡng tối thiểu, trước đây, tài xế sẽ bị tước bằng từ 11 - 12 tháng thì nay sẽ bị trừ 2 điểm. Sau khi bị trừ điểm, tài xế sẽ tự ý thức được hành vi vi phạm của mình nhưng vẫn được quyền điều khiển xe, không ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông, hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân, qua đó bảo đảm tính nhân văn, nhân đạo của pháp luật Việt Nam và quyền của công dân được quy định trong Hiến pháp".

Đại tá Nguyễn Quang Nhật lấy ví dụ: Trường hợp anh A vi phạm, bị trừ 2 điểm vào ngày 1/1/2024; đến ngày 31/12/2024 người này tiếp tục bị trừ 2 điểm thì phải đến ngày 31/12/2025 anh A mới được phục hồi điểm giấy phép lái xe về 12 điểm. Dữ liệu về điểm, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe được lưu trữ trong hệ thống cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và trừ điểm giấy phép lái xe; việc trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe được tự động thực hiện trên hệ thống cơ sở dữ liệu.

"Quy định này đáp ứng yêu cầu thực tiễn, ứng dụng chuyển đổi số trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình hiện nay, tiếp thu kinh nghiệm quản lý an toàn giao thông của các nước tiên tiến trên thế giới. Thông qua đó, có thể quản lý tài xế trong suốt quá trình từ khi đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, cho đến quá trình chấp hành pháp luật, việc tái phạm lỗi. Và trừ điểm giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý nhà nước, nó có tính chất răn đe, nhưng nó lại vừa có tính chất giáo dục, động viên người tham gia giao thông chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Người lái xe vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông ở mức độ nghiêm trọng như tôi đã nói trên thì mới bị trừ tuyệt đối, hoặc là bị trừ cộng dồn lại, nếu muốn có quyền điều khiển phương tiện thì phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Giấy phép lái xe mà chưa bị trừ hết điểm thì người lái xe tiếp tục được điều khiển phương tiện tham gia giao thông và nó cũng không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đến đời sống và bảo đảm được tính nhân văn, nhân đạo của pháp luật và quyền của công dân quy định trong Hiến pháp", Đại tá Nguyễn Quang Nhật chia sẻ.

Các bước phục hồi 12 điểm trên bằng lái xe khi bị trừ hết điểm

Điều 58 quy định là giấy phép lái xe chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày bị chỉ điểm gần nhất thì được phục hồi đủ 12 điểm. Nghĩa là, 12 tháng ở đây không phải cứ 1 năm là đến mùng 1/1 năm mới, mà phải tính kể từ ngày bị trừ điểm gần nhất.

Nếu bị trừ hết điểm, để được phục hồi điểm trên giấy phép lái xe, tài xế sẽ thực hiện theo các quy định tại Thông tư số 65/2024 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) quy định kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự ATGT.

Theo khoản 3 Điều 58 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, người có giấy phép lái xe bị trừ hết điểm không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo giấy phép lái xe đó.

Sau thời hạn ít nhất là 06 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có giấy phép lái xe được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ do lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức.

Khi kiểm tra lý thuyết, người dự kiểm tra thực hiện bài trắc nghiệm trên máy tính theo phần mềm. Đối với kiểm tra kiến thức theo mô phỏng, thí sinh xử lý các tình huống giao thông theo mô phỏng trên máy tính.

Về thời gian, kết cấu bài kiểm tra và kết quả đạt yêu cầu, Thông tư số 65/2024 phân chia theo các hạng giấy phép lái xe. Ví dụ như, người dự kiểm tra có GPLX hạng A, A1 và B1 làm bài trong 19 phút. Kết cấu bài kiểm tra gồm 25 câu hỏi trắc nghiệm, mỗi câu hỏi được tính 1 điểm, trong đó có 1 câu hỏi được tính là điểm liệt.

Người có giấy phép lái xe hạng B làm bài kiểm tra trong 20 phút, gồm 30 câu hỏi trắc nghiệm, mỗi câu hỏi được tính 1 điểm, trong đó có 1 câu được tính là điểm liệt.

Đối với phần thi mô phỏng tình huống, Thông tư 65 quy định, thời gian kiểm tra không quá 10 phút, gồm 10 câu hỏi mô phỏng các tình huống giao thông tương ứng với 10 điểm. Mỗi câu hỏi có số điểm tối đa là 5 điểm và tối thiểu 0 điểm.

Số điểm đạt được của người dự kiểm tra tương ứng với thời điểm nhận biết và xác định tình huống tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông thông qua việc tương tác với máy tính có cài đặt phần mềm mô phỏng. Người dự kiểm tra đạt từ 35/50 điểm trở lên là đạt yêu cầu.

Ngoài ra, người có kết quả kiểm tra lý thuyết kiến thức pháp luật không đạt yêu cầu thì không được kiểm tra kiến thức pháp luật theo mô phỏng. Còn người có kết quả kiểm tra lý thuyết đạt yêu cầu nhưng có kết quả kiểm tra mô phỏng không đạt thì được bảo lưu kết quả kiểm tra lý thuyết trong thời gian 1 năm kể từ ngày kiểm tra.

Đáng chú ý, người dự kiểm tra có kết quả kiểm tra không đạt yêu cầu thì có thể đăng ký kiểm tra lại sau 7 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kiểm tra trước đó.

Quy định trừ điểm trên bằng lái được áp dụng như thế nào?

VOV.VN - Theo quy định mới, bằng lái xe sẽ có 12 điểm, mỗi lỗi vi phạm an toàn giao thông sẽ bị trừ từ 2 - 10 điểm tùy vào tính chất nguy hiểm của vi phạm. Trong trường hợp bằng lái xe bị trừ hết điểm, tài xế sẽ không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo hạng bằng lái đó.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Từ 1/1/2025, các hạng bằng lái xe được chuyển đổi như thế nào?
Từ 1/1/2025, các hạng bằng lái xe được chuyển đổi như thế nào?

VOV.VN - Theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2025, từ năm 2025 giấy phép lái xe sẽ tăng lên 15 hạng là A1, A, B1, B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE, còn hiện nay theo Luật Giao thông đường bộ 2008 chỉ có 13 hạng gồm A1, A2, A3, A4, B1, B2, C, D, E, FB2, FD, FC và FE.

Từ 1/1/2025, các hạng bằng lái xe được chuyển đổi như thế nào?

Từ 1/1/2025, các hạng bằng lái xe được chuyển đổi như thế nào?

VOV.VN - Theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2025, từ năm 2025 giấy phép lái xe sẽ tăng lên 15 hạng là A1, A, B1, B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE, còn hiện nay theo Luật Giao thông đường bộ 2008 chỉ có 13 hạng gồm A1, A2, A3, A4, B1, B2, C, D, E, FB2, FD, FC và FE.

Những mẫu xe điện đáng chú ý ra mắt tại Việt Nam năm 2024
Những mẫu xe điện đáng chú ý ra mắt tại Việt Nam năm 2024

VOV.VN - VinFast VF 3, VinFast VF7, BYD Atto 3, Rolls-Royce Spectre,... đều là những mẫu xe điện nổi bật đã có màn ra mắt ấn tượng tại thị trường Việt Nam trong năm 2024. Sự xuất hiện của các mẫu xe này đã góp phần đem đến cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn "xanh hóa" hơn.

Những mẫu xe điện đáng chú ý ra mắt tại Việt Nam năm 2024

Những mẫu xe điện đáng chú ý ra mắt tại Việt Nam năm 2024

VOV.VN - VinFast VF 3, VinFast VF7, BYD Atto 3, Rolls-Royce Spectre,... đều là những mẫu xe điện nổi bật đã có màn ra mắt ấn tượng tại thị trường Việt Nam trong năm 2024. Sự xuất hiện của các mẫu xe này đã góp phần đem đến cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn "xanh hóa" hơn.