Ford xây dựng nhà máy pin Michigan trị giá 3,5 tỷ USD với công nghệ Trung Quốc
VOV.VN - Ford vừa công bố một thỏa thuận với chính quyền Michigan để xây dựng một nhà máy sản xuất pin EV (xe điện) trị giá 3,5 tỷ USD tại thành phố Marshall.
Thỏa thuận này sẽ mang lại ước tính khoảng 2.500 việc làm, đồng thời tận dụng công nghệ từ nhà sản xuất pin CATL của Trung Quốc. Sau khi hoàn thành, nhà máy này sẽ giúp Ford đủ điều kiện đáp ứng các yêu cầu của Đạo luật Giảm lạm phát để được giảm thuế đầy đủ đối với xe điện. Cơ sở hoàn thành sẽ có tên là BlueOval Battery Park Michigan.
Bill Ford - Chủ tịch điều hành của Ford cho biết: "Chúng tôi cam kết dẫn đầu cuộc cách mạng xe điện ở Mỹ và điều đó có nghĩa là đầu tư vào công nghệ và việc làm sẽ giúp Ford luôn đi đầu trong quá trình chuyển đổi toàn cầu này trong ngành công nghiệp xe hơi. Tôi cũng tự hào rằng chúng tôi đã chọn bang Michigan, quê hương của mình, làm trung tâm sản xuất pin quan trọng này".
Sau khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ sản xuất pin lithium iron phosphate (LFP) với yếu tố kỹ thuật và dịch vụ do Công ty TNHH Công nghệ Amperex Đương đại (CATL) cung cấp. Công ty có trụ sở tại Trung Quốc đó nổi tiếng thế giới về chuyên môn trong lĩnh vực này.
Phó Giám đốc Công nghiệp hóa của Ford cho Model e, Lisa Drake cho biết: “Việc hiểu Ford kiểm soát nhà máy là thực sự quan trọng".
Điều đó rất quan trọng bởi vì Thống đốc bang Virginia đã gọi nhà máy này là “con ngựa thành Troy” đối với đảng cộng sản khi Ford đang cố gắng tìm vị trí đặt nhà máy này. Ford nói rằng họ không chỉ sở hữu hoàn toàn nhà máy mà còn đơn giản là cấp phép công nghệ từ CATL. Điều đáng chú ý là cả BMW và Tesla đều sử dụng công nghệ pin từ CATL.
Sử dụng công nghệ pin LFP cũng sẽ cho phép Ford sản xuất nhiều xe điện hơn với chi phí tổng thể thấp hơn. Ford cho biết, pin LFP có thể “chịu được việc sạc thường xuyên và nhanh hơn trong khi sử dụng ít vật liệu có nhu cầu cao và chi phí đắt đỏ”.
Thị trưởng Marshall - Jim Schwartz cho biết trong một thông cáo báo chí rằng: “Khoản đầu tư này vào cộng đồng địa phương sẽ dẫn đến một loạt công việc mới cho người dân Marshall và sự phát triển kinh tế trên toàn khu vực…”.
Ford cho hay dự án tại Michigan có tên là Marshall này, nằm cách Detroit khoảng 100 dặm về phía tây, sẽ giúp đa dạng hóa sản phẩm pin của hãng khỏi việc sử dụng niken coban mangan (NCM) độc quyền hiện nay, vốn có chi phí sản xuất tốn kém do khan hiếm nguyên liệu thô.
Thương hiệu dự kiến sẽ thuê khoảng 2.500 người tại nhà máy nhưng con số đó có thể tăng lên 2.700 theo một số ước tính. Ford biết rằng cuối cùng thì thành công trong tương lai của hãng phần lớn gắn liền với việc sản xuất pin trong nước .
Giám đốc điều hành của Ford, Jim Farley cho biết: "Toàn bộ mục đích của dự án này là giảm chi phí cho xe điện. LFP là công nghệ pin hợp lý nhất". Trên hết, việc chế tạo pin ở Mỹ sẽ giúp thương hiệu Blue Oval đủ điều kiện nhận tín dụng thuế đầy đủ đối với các mẫu xe điện theo các quy định được đặt ra trong Đạo luật Giảm lạm phát./.