Ô tô gia đình bạn đã trang bị đủ thiết bị an toàn cho trẻ em chưa?
VOV.VN - Các thiết bị an toàn trên ô tô sẽ giúp giảm thương vong và tử vong cho trẻ em trên xe khi xảy ra va chạm một cách rất hiệu quả.
Theo quy định mới trong Luật TT ATGT đường bộ được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và có chiều cao dưới 1,35m trên xe ô tô, không được cho trẻ em ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ trường hợp xe ô tô chỉ có 1 hàng ghế.
Xung quanh vấn đề này, PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Phạm Việt Cường - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phòng, chống chấn thương, Đại học Y tế Công cộng.
PV: Luật Trật tự, An toàn giao thông (TT ATGT) đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, theo đó khi chở trẻ em trên xe ô tô, bắt buộc phải sử dụng thiết bị an toàn. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
PGS. TS Phạm Việt Cường: Trong những năm gần đây, tỷ lệ sở hữu xe ô tô ở Việt Nam đã tăng lên rất nhiều. Chúng ta cũng đã phát triển các hệ thống đường cao tốc, cũng như sự tham gia giao thông có chở trẻ em trên xe hơi, xe gia đình cũng bắt đầu gia tăng.
Tuy nhiên, đối với người lớn trên xe, chúng ta đã có rất nhiều biện pháp như giảm tốc độ hay thắt dây an toàn cho người lái và hành khách, đã có những quy định rõ ràng.
Tuy nhiên, đối với trẻ em, hiện nay chúng ta chưa có quy định cụ thể nào. Lý do tại sao cần đưa ra các quy định này, theo tôi, là các cơ quan chức năng đã xem xét việc cơ thể của trẻ em không phù hợp với dây an toàn, vì dây an toàn chỉ được thiết kế cho người lớn.
Khi cơ thể đạt một chiều cao nhất định, chúng ta mới có thể sử dụng các thiết bị đó. Do vậy, việc đưa quy định này vào luật là một điều văn minh và rất tốt, hướng tới bảo vệ trẻ em.
PV: Hiện nay những thiết bị bảo vệ an toàn trẻ em như ghế ngồi trên xe ô tô có phải theo những quy định, quy chuẩn nào không để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái?
PGS. TS Phạm Việt Cường: Việt Nam mới bắt đầu đưa các quy định này vào, nhưng những thiết bị an toàn trên xe đã tồn tại từ rất lâu ở các nước trên thế giới. Chúng bao gồm nhiều loại thiết bị, không chỉ là ghế cho bé hay nôi cho trẻ nhỏ, mà còn có các đệm nâng cho những em bé lớn hơn.
Ngoài những thiết bị đó, trên xe ô tô, chúng ta ít để ý rằng các xe đời mới đều có chốt để gắn những thiết bị này. Tất cả các thiết bị này đều tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế, đã được phát triển từ lâu.
Ở Việt Nam, ngoài các quy định về việc sử dụng sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2026, các cơ quan chức năng của Bộ GTVT và Bộ Khoa học - Công nghệ cũng đang phát triển các quy định về tiêu chuẩn chất lượng cho các thiết bị này. Tôi nghĩ rằng sắp tới sẽ ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn luật, cũng như các tiêu chuẩn an toàn.
Hy vọng chúng ta sẽ có những sản phẩm chất lượng để sử dụng
PV: Với những quy định trong điều luật này, người dân chúng ta hầu như vẫn chưa nắm bắt được. Vậy, cơ quan chức năng cần có những chiến lược tuyên truyền như thế nào?
PGS. TS Phạm Việt Cường: Đây là một vấn đề mới và nhiều người chưa rõ điểm này. Do đó, trong lộ trình áp dụng luật, luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, nhưng riêng điều khoản về thiết bị an toàn sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2026. Vì vậy, chúng ta sẽ có thời gian để thực hiện các hoạt động tuyên truyền cũng như chuẩn bị các thiết bị cần thiết.
Trong thời gian này, các cơ quan như Bộ Công an - đơn vị chủ trì, và các bên liên quan đã tham gia và chắc chắn sẽ có những chiến lược để giúp người dân hiểu và áp dụng quy định này. Việc áp dụng các thiết bị an toàn sẽ giúp giảm thương vong và tử vong cho trẻ em trên xe khi xảy ra va chạm một cách rất hiệu quả.
Ảnh minh hoạ: Internet
PV: Quan niệm của ông như thế nào về việc hiện nay chúng ta vẫn thường để trẻ em ngồi ở ghế phụ phía trước, cùng hàng ghế với người lái xe?
PGS. TS Phạm Việt Cường: Vị trí ghế phụ phía trước đôi khi không an toàn đối với trẻ em, và có một vài nguyên nhân. Thứ nhất, ở ghế phụ phía trước thường có túi khí, khi va chạm xảy ra, túi khí sẽ nổ với lực rất mạnh. Nếu chỉ sử dụng dây an toàn hoặc thậm chí ghế an toàn, sức chịu đựng của trẻ và gia tốc khi va chạm có thể gây chấn thương.
Trên thế giới, nhiều trường hợp đã được tổng kết cho thấy trẻ em ngồi ở ghế phụ là một vị trí rất nguy hiểm. Nếu để ý, ở bất kỳ xe ô tô nào, khi lật tấm chắn nắng ghế trước, nhà sản xuất đều ghi rõ rằng trẻ em dưới 12 tuổi không nên ngồi ở vị trí này vì va chạm có thể khiến trẻ đập vào táp-lô phía trước, và khi túi khí bung ra sẽ tạo ra lực phản lại, có thể gây thương tích cho trẻ.
Trong quy định của luật mới cũng nêu rõ rằng trẻ em không nên ngồi ở ghế phía trước, trừ khi xe chỉ có một hàng ghế, vì khi đó chúng ta không có lựa chọn nào khác.
Tuy nhiên, nếu có hàng ghế sau, vị trí này sẽ an toàn hơn rất nhiều.
PV: Xin cảm ơn ông!