Phát hiện mỏ “vàng trắng” khổng lồ có thể thay đổi cục diện sản xuất ô tô điện
VOV.VN - Lithium là nguyên tố đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất pin cung cấp năng lượng cho mọi thứ: Từ điện thoại thông minh, máy tính xách tay cho đến những chiếc ô tô điện.
Lithium là một trong những mặt hàng được tìm kiếm nhiều nhất trên Trái đất, tạo nên cuộc đua giành lithium đầy căng thẳng giữa các quốc gia có trữ lượng tài nguyên thiên nhiên. Tính đến năm 2023, phần lớn hoạt động khai thác lithium trên thế giới tập trung ở Trung Quốc, Úc và Chile. Tuy nhiên, một khám phá địa chất mới rất có thể thay đổi cuộc chơi.
Cụ thể, cơ quan Khảo sát Địa chất Ấn Độ đã công bố phát hiện "5,9 triệu tấn tài nguyên lithium" ở vùng Salal-Haimana thuộc lãnh thổ liên minh phía bắc của Ấn Độ Jammu & Kashmir. Chile hiện có trữ lượng lithium lớn nhất thế giới với khoảng 9,2 triệu tấn, tiếp theo là Australia, Argentina và Trung Quốc. Phát hiện gần đây đã đẩy Ấn Độ lên thẳng vị trí thứ hai về trữ lượng lithium trên toàn cầu. Được biết, Ấn Độ hiện đang nhập khẩu phần lớn lithium từ Trung Quốc và cũng là một trong những điểm nóng xử lý lithium lớn nhất trên thế giới nhờ ngành công nghiệp sản xuất điện tử khổng lồ và thị trường EV khốc liệt.
Lithium (hay còn gọi là vàng trắng bởi nhu cầu cao) các chuyên gia cho biết việc phát hiện ra trữ lượng lithium khổng lồ như vậy ở nước này sẽ giúp Ấn Độ tăng cường tham vọng EV (xe điện) của chính mình và đạt được mục tiêu điện khí hóa 30% phương tiện vào cuối thập kỷ này.
Trong khi đó, Trung Quốc đang nỗ lực chạy đua với phương tây về những tiến bộ của xe điện, thậm chí còn hướng tới Bolivia với khoản đầu tư 1 tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng khai thác lithium của quốc gia Mỹ Latinh này nhằm đáp ứng nhu cầu cao về pin để cung cấp năng lượng cho ngành công nghiệp xe điện trong nước. Đáng chú ý, Bolivia là một trong 3 nước (cùng với Chile và Argentina) tạo thành "tam giác lithium" chứa gần 3/4 trữ lượng kim loại kiềm của toàn thế giới.
Đất nước đông dân thứ nhì châu Á đã sẵn sàng để thay đổi cơ chế sản xuất và xử lý lithium với nguồn dự trữ tự nhiên dồi dào của mình, song vẫn cần một khoảng thời gian nhất định để tạo nên một cú hích chính trị.
Trước mắt, Ấn Độ vẫn cần thêm hai vòng khảo sát địa chất nghiêm ngặt để thu hẹp các điểm nóng khai thác tiềm năng. Khi điều đó được thực hiện, việc phát triển cơ sở hạ tầng khai thác cũng như dây chuyền sản xuất pin phù hợp có thể mất nhiều năm.
Ngoài ra, khi nuôi dưỡng giấc mơ khai thác lithium, chính phủ cũng cần phải định hướng thúc đẩy kinh tế xã hội phù hợp với những người định cư trong khu vực, nơi được đánh giá là một trong những khu vực nhạy cảm về chính trị xã hội nhất trên thế giới. Không những thế, khai thác lithium còn làm ô nhiễm nghiêm trọng các hồ chứa nước gần đó, gây rủi ro ô nhiễm môi trường cực lớn./.