Tại sao chưa có nhiều garage sửa ô tô điện ngoài xưởng dịch vụ chính hãng?
VOV.VN - Một báo cáo mới cho thấy, chủ sở hữu xe điện có thể sớm phải đối mặt với sự gia tăng đáng kể về chi phí và thời gian sửa chữa phương tiện không khí thải của mình so với những chiếc xe chạy xăng trước đó.
Một trong những vấn đề chính mà xã hội với nhiều xe điện hơn phải đối mặt là thiếu các gara của bên thứ ba sẵn sàng đảm nhận việc sửa chữa ô tô chạy bằng pin. Các tiệm sửa xe độc lập có thể giải quyết những trục trặc của xe điện rõ ràng là cần thiết để giảm mức phí cũng như gia tăng tính tiện lợi khi xe bị hỏng so với việc đưa chúng đến các cửa hàng nhượng quyền.
Các gara ô tô e dè khi đầu tư vào lĩnh vực sửa chữa xe điện
Mặc dù chi phí dịch vụ nói chung của xe điện có thể thấp hơn nhiều nhưng sự thật là vì số lượng bộ phận chuyển động ít hơn so với xe động cơ đốt trong nên sẽ có những chi phí khác cần được tính đến. Khi có sự cố xảy ra, việc khắc phục lỗi trên những chiếc xe không khí thải vốn phức tạp hơn nhiều xe chạy xăng.
Các gara ô tô muốn đáp ứng nhu cầu sửa chữa từ làn sóng xe điện ngày càng phổ biến sẽ cần đầu tư một khoản nhất định thời gian đầu để làm chủ công nghệ mới. Nhiều ô tô hiện đại ngày nay sở hữu hệ thống pin 400 và 800 volt có thể dễ dàng gây chết người khi bị xử lý không đúng cách bởi những kỹ thuật viên chưa qua đào tạo.
Ngoài nguy cơ giật điện, công việc khắc phục sự cố xe không khí thải còn đi kèm nguy cơ hỏa hoạn và một khi vụ nổ do pin lithium bị thoát nhiệt xảy ra thì việc dập tắt ngọn lửa kịp thời cũng sẽ rất khó khăn nếu không có đủ thiết bị và kỹ năng.
Chính vì vậy, các chủ cửa hàng sửa xe không nhượng quyền hiện tại đang phải đối mặt với một câu hỏi hóc búa về tính tiềm năng của việc cung cấp dịch vụ bảo dưỡng và khắc phục sự cố xe điện, đặc biệt là ở các quốc gia có tỷ lệ sử dụng xe điện chưa cao và cơ sở hạ tầng sạc kém.
Chẳng hạn như tại Ý, Roberto Petrilli - chủ một gara ô tô độc lập chia sẻ rằng, ông không muốn bỏ ra khoản chi phí 30.000 Euro (khoảng 772 triệu đồng) để đầu tư cho các thiết bị cần thiết cũng để bảo dưỡng và sửa chữa xe điện trong bối cảnh doanh số xe điện tại nước này còn thấp và mạng lưới sạc thưa thớt.
Thiếu thợ sửa ô tô điện trầm trọng
Bên cạnh số lượng xưởng sửa chữa khiêm tốn, tương lai xe điện còn phải đối mặt với một vấn đề khác nữa. Theo trang Reuters, thế giới đang thiếu hụt nghiêm trọng thợ điện ô tô. Bên cạnh đó, cục Thống kê Lao động Mỹ dự báo rằng Hoa Kỳ sẽ cần 80.000 thợ điện cho đến năm 2031, trong đó bao gồm cả kỹ thuật viên xe điện.
Tương tự, Phòng Thương mại Ô tô Victoria của Úc dự kiến cần 9.000 kỹ thuật viên xe điện vào năm 2030 và tại Vương quốc Anh, Viện Công nghiệp Ô tô (IMI) cho biết, mặc dù 20% kỹ thuật viên ô tô đã được đào tạo về xe điện ở một số hình thức nhất định, nhưng chỉ 1 phần trăm trong số đó có thể xử lý thêm một vài vấn đề nhỏ bên cạnh việc bảo dưỡng định kỳ.
Sự thiếu hụt cả gara độc lập với giá cả phải chăng và lao động lành nghề đồng nghĩa với việc các xưởng nhượng quyền khi gặp khó khăn sẽ đẩy chi phí sửa chữa và thời gian chờ đợi đối với xe điện tăng cao. Điều này cuối cùng sẽ dẫn đến tăng giá bảo hiểm.
Warrantywise, một nhà cung cấp dịch vụ bảo hành ô tô đã qua sử dụng của Vương quốc Anh từng chia sẻ rằng khách hàng muốn bảo hành một năm đối với Tesla Model 3 sẽ phải trả khoản chi phí cao hơn gấp ba lần so với một chiếc ô tô chạy bằng động cơ đốt trong có giá tương tự. Lý do cho thực trạng này được cho là vì ngoài những đại lý nhượng quyền đắt đỏ, chủ sở hữu ô tô điện đang không có nhiều sự lựa chọn khi muốn bảo dưỡng ô tô.
Chi phí bảo hiểm và bảo hành cao hơn sẽ khiến việc mua xe điện trở nên đắt đỏ hơn đối với những ai đang cân nhắc chuyển sang sử dụng xe không khí thải. Ngoài ra, việc thiếu kỹ thuật viên sẵn sàng sửa chữa các điểm sạc xe điện sẽ làm tăng thời gian chờ đợi cũng như gây thất vọng cho những người đã chuyển từ xe xăng sang xe điện.
Hy vọng cải thiện thực trạng
Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng điểm sáng là các công ty trên toàn cầu hiện đang đầu tư hàng triệu đô la vào đào tạo nhân lực có liên quan đến ngành công nghiệp xe điện để tạo nhiều động lực hơn hơn cho người tiêu dùng.
Tesla đã tổ chức các khóa học trên khắp nước Mỹ nhằm đào tạo những người tham gia về sửa chữa xe điện và công ty cũng cung cấp đào tạo cho các cửa hàng nằm ngoài danh sách đại lý nhượng quyền. Siemens đang đầu tư 30 triệu USD vào chương trình đào tạo kỹ thuật viên Hoa Kỳ về bảo trì và lắp đặt bộ sạc EV. Trong khi đó, IMI của Vương quốc Anh muốn chính phủ phân bổ 15 triệu bảng Anh để giúp các gara ô tô trên khắp đất nước bắt kịp quá trình đào tạo xe điện của họ.
Tuy nhiên, ít nhất là trong ngắn hạn và trung hạn, các chuyên gia nhất trí cho rằng so việc sửa chữa xe điện vẫn đang tốn nhiều thời gian lẫn tiền bạc hơn so với những chiếc ô tô chạy xăng quen thuộc.