Thay, lắp mới đèn chiếu sáng thế nào không gọi là cải tạo xe?
VOV.VN - Cụm đèn chiếu sáng phía trước thay thế cần phải phù hợp với phương tiện, tức là việc lắp đặt thay thế cụm đèn không cần phải độ chế, sửa chữa, gia công làm thay đổi kết cấu của xe. Trường hợp phải gia công, tức là cải tạo thi cần phải có thiết kế được thẩm định…
Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa tổ chức phổ biến văn bản quy phạm pháp luật triển khai thực hiện thông tư số 43/2023 quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam đã trả lời thắc mắc về trường hợp thay thế cụm đèn chiếu sáng phía trước bằng cụm đèn đã được chứng nhận hoặc công bố hợp quy theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đặc tính quang học đèn chiếu sáng phía trước của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (QCVN 35:2017/BGTVT) mà không cần phải gia công thay đổi kết cấu của xe để đảm bảo việc lắp đặt không được coi là cải tạo xe cơ giới.
Ông Trần Hoàng Phong, Quyền Trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới cho biết, tại Thông tư 12/2022 quy định danh mục sản phẩm, hàng hoá có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ GTVT nêu rõ: Đèn chiếu sáng phía trước của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nhập khẩu phục vụ thay thế, bảo hành có số lượng dưới 100 sản phẩm, hàng hóa cùng kiểu loại trong một lô hàng thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu được công bố hợp quy trên cơ sở kết quả tự đánh giá sự phù hợp hoặc được chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định nếu tổ chức, cá nhân có nhu cầu.
“Cụm đèn chiếu sáng phía trước thay thế phải được chứng nhận hoặc công bố hợp quy theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đặc tính quang học đèn chiếu sáng phía trước của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ”, ông Phong ncho biết.
Đối với đèn được sản xuất, lắp ráp trong nước phải được chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định trước khi đưa ra thị trường.
Do đó, các loại đèn chiếu sáng phía trước đủ tiêu chuẩn đều sẽ được công bố hợp quy hoặc được chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trước khi đưa ra thị trường.
Tuy nhiên, hiện trên thị trường rất nhiều đèn không có nguồn gốc bán tràn lan để người dân, chủ xe thay lắp, độ chế không đảm bảo an toàn kỹ thuật.
Ông Phong lưu ý, tại các cửa hàng, cơ sở bán đèn, tem hợp quy sẽ được dán trực tiếp trên đèn hoặc có giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường do Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp.
“Do đó, khi mua đèn, người dân cần yêu cầu chủ cửa hàng cung cấp để sử dụng khi đưa xe đi đăng kiểm. Trường hợp cửa hàng không xuất trình được, người mua cần cảnh giác vì đó có thể là đèn không rõ nguồn gốc, nếu lắp đặt sẽ không được kiểm định xe”, ông Phong phân tích.
Đối với trường hợp xe lắp đặt thêm đèn sương mù dạng rời không được coi là cải tạo, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, Thông tư không quy định đèn sương mù thay thế phải được công bố hợp quy hay có giấy chứng nhận an toàn thiết kế và bảo vệ môi trường, song loại đèn lắp thêm phải đảm bảo quy định tại Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia TCVN 6978:2001 về phương tiện giao thông đường bộ - lắp đặt đèn chiếu sáng và đèn tín hiệu trên phương tiện cơ giới và moóc.
Trong đó, quy định rõ yêu cầu của đèn sương mù trước, các trung tâm đăng kiểm cần lưu ý để kiểm tra xe khi thực hiện kiểm định.
Đăng kiểm hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp
Ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm cho biết, nhằm tạo thuận lợi cho công tác đăng kiểm, vừa qua Bộ GTVT ban hành thông tư 43/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư 85/2014 quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15/2.
Theo đó, thông tư này có nhiều điểm mới như quy định rõ xe cơ giới có sự thay đổi nhưng không làm thay đổi đặc điểm, kiểu loại phương tiện thì không được coi là cải tạo. Chẳng hạn như lắp đặt thêm mui gió trên nóc ca bin ô tô tải, bậc bước chân lên xuống, trang trí ống xả, đai trang trí bảo hiểm đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu mà không làm thay đổi kích thước bao ngoài của xe…
“Cụm đèn chiếu sáng phía trước thay thế còn cần phải phù hợp với phương tiện, tức việc lắp đặt thay thế cụm đèn không cần phải độ chế, sửa chữa, gia công làm thay đổi kết cấu của xe. Trường hợp phải gia công, tức là cải tạo và phải có thiết kế được thẩm định”, ông An nói.
Thông tư cũng bổ sung các trường hợp được miễn lập hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo để đơn giản hóa thủ tục cải tạo. Ví dụ như thay đổi bố trí chỗ ngồi hành khách hoặc cửa xếp dỡ hàng hóa của thùng hàng hoặc vật liệu bọc, lót thùng hàng….
“Cục Đăng kiểm cũng chỉ thực hiện thẩm định thiết kế đối với một số trường hợp nội dung cải tạo xe cơ giới phức tạp, đòi hòi cần có chuyên môn sâu như: Cải tạo các loại xe khác thành xe chuyên dùng, ô tô đầu kéo; cải tạo đối với xe cơ giới tay lái nghịch; cải tạo đối với hệ thống phanh, treo, lái theo đề nghị của của nhà sản xuất xe…”, ông An cho hay.
Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, hiện cả nước có 274/292 Trung tâm đăng kiểm với 447/542 dây chuyền đang hoạt động. Các trung tâm đang dừng hoạt động chủ yếu do phục vụ công tác điều tra, không đủ điều kiện hoặc tự đóng cửa.
Đồng thời còn 18 Trung tâm đang dừng hoạt động do phục vụ công tác điều tra, do không đủ điều kiện hoặc tự đóng cửa. Từ cuối tháng 6/2023 hệ thống kiểm định trên toàn quốc cơ bản đã hoạt động bình thường trở lại, đáp ứng tốt nhu cầu kiểm định xe.
Về công tác bổ sung đăng kiểm viên ở các trung tâm đăng kiểm, ngành tổ chức 31 đợt đánh giá đăng kiểm viên, công nhận mới cho 295 đăng kiểm viên xe cơ giới và 279 đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao; thực hiện đánh giá, cấp lại chứng chỉ đăng kiểm viên cho 217 đăng kiểm viên xe cơ giới và 236 đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao.
Như vậy, hiện cả nước có 1.747 đăng kiểm viên đang thực hiện công tác kiểm định tại các đơn vị đăng kiểm, trong đó có 1.002 đăng kiểm viên bậc cao và 745 đăng kiểm viên xe cơ giới.