Toyota nỗ lực vì sự phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam
VOV.VN - Trao tặng học bổng cho sinh viên xuất sắc chuyên ngành kỹ thuật, đưa các mẫu xe “ăn khách” vào lắp ráp trong nước, triển khai dự án hỗ trợ các doanh nghiệp phụ trợ thuần Việt đã cho thấy nỗ lực trên nhiều phương diện của Toyota trong việc đóng góp cho ngành công nghiệp Việt Nam.
Chất lượng nguồn nhân lực - tương lai ngành công nghiệp
Ngành công nghiệp Việt Nam nói chung, cơ khí nói riêng đang trên đà phát triển, ở đó, nguồn nhân lực chất lượng được xem là tiêu chí chủ chốt. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, năm 2023, cả nước có khoảng 30.000 doanh nghiệp cơ khí, nhu cầu nhân lực liên quan đến ngành này có thể chiếm tới 28% tổng nhu cầu lao động của cả nước. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn nhân lực, đặc biệt là người lao động có trình độ chuyên môn cao và được đào tạo bài bản. Việc gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp, tạo cơ chế tốt, có sức hút với nguồn nhân lực là giải pháp tích cực trong việc thu hút sinh viên, nâng cao chất lượng nhân lực tương lai của ngành kỹ thuật. Học bổng kỹ thuật Toyota được triển khai thường niên từ năm 1997 đã có những đóng góp tích cực trong việc phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp Việt Nam.
Tháng 12/2024, hãng xe Nhật Bản tiếp tục trao tặng 115 suất học bổng với tổng giá trị 690 triệu đồng cho sinh viên xuất sắc chuyên ngành cơ khí, kỹ thuật và môi trường của 18 trường đại học trên cả nước. Sau gần 3 thập kỷ, hơn 3.000 suất học bổng đã được Toyota trao tặng sinh viên qua nhiều thế hệ, với giá trị ước tính lên đến hàng tỷ đồng, đã trở thành nguồn động lực to lớn giúp sinh viên nỗ lực vươn lên trong học tập, tôi luyện kiến thức và kỹ năng, mở ra cánh cửa tương lai và trở thành nguồn nhân lực chất lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam. Nhiều sinh viên trong số đó đã có cơ hội thực tập, làm việc tại Toyota Việt Nam và hệ thống đại lý.
Chưa dừng lại ở đó, năm nay, Toyota đã trao tặng 3 động cơ, 1 trục lái và 1 máy nén Vios; 2 động cơ và 1 hộp số Avanza Premio; 2 trợ lực lái Corolla Altis và 1 hộp số Yaris Cross cho 7 trường Cao đẳng đào tạo ngành Công nghệ Kỹ thuật ô tô. Đến nay, hơn 200 thiết bị như ô tô, động cơ, hộp số,... của Toyota đã được trao đến các trường học, mở ra cơ hội thực hành và nâng cao trải nghiệm thực tế cho cả giáo viên và sinh viên.
Ông Nguyễn Lương Kiên - Trưởng phòng công tác sinh viên, Trường Đại học sư phạm kỹ thuật Nam Định cho biết: “Học bổng có ý nghĩa rất lớn với nhà trường, giúp chúng tôi truyền thông đến người học tốt hơn, tạo động lực thúc đẩy hoạt động dạy và học của thầy và trò, gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp”. Cơ hội tham quan dây chuyền sản xuất của nhà máy Toyota tại Vĩnh Phúc cũng góp phần mang đến cho giáo viên, sinh viên cơ hội trải nghiệm thực tế, mở rộng tầm nhìn và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
Gia tăng sản phẩm nội địa hóa, hỗ trợ doanh nghiệp phụ trợ
Tính đến nay, nhà máy Toyota Việt Nam đang sản xuất và lắp ráp 5 mẫu xe: Vios, Veloz Cross, Avanza Premio, Innova và Fortuner. Trong đó, Vios và Veloz Cross là những mẫu xe trụ cột doanh số của hãng. Việc gia tăng số sản phẩm nội địa hóa cũng góp phần mở đường cho các doanh nghiệp thuần Việt có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng của thương hiệu ô tô hàng đầu thế giới.
Bên cạnh đó, Dự án Hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ giữa Toyota Việt Nam và Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương được triển khai thường niên trong suốt nhiều năm qua đã góp phần nâng cao năng lực, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp hỗ trợ trong nước với các nhà lắp ráp ô tô. Ngày 19/12, lễ tổng kết dự án hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ năm 2024 đã diễn ra thành công. Sau 6 tháng triển khai, 5 doanh nghiệp trong nước đã đạt những kết quả tích cực về cải tiến 5S, an toàn lao động, giảm tồn kho và diện tích nhà xưởng, tối ưu hóa chi phí và tăng năng suất lao động.
Chưa dừng lại ở đó, ngày 20/12, Toyota Việt Nam và UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa ký kết Biên bản ghi nhớ Hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tại Vĩnh Phúc trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô, hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp và thúc đẩy kinh tế địa phương. Như lời khẳng định của ông Nakano Keita – Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam: “Chúng tôi luôn đặt mục tiêu hàng đầu là sự đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam”. Hãng xe Nhật Bản sẽ tiếp tục nỗ lực đóng góp cho ngành công nghiệp Việt Nam trên nhiều phương diện, từ giáo dục đào tạo nguồn nhân lực đến tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm và linh kiện, mở rộng cơ hội cho các nhà cung cấp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng.