Những kinh nghiệm đi xuyên Việt bằng ô tô điện
VOV.VN - Với 2 hành trình xuyên Việt trong 2 năm, ông Nguyễn Mạnh Thắng - chủ xe VF 8 cùng các bạn đồng hành của mình đã có những trải nghiệm đối với ô tô điện và rút ra được nhiều kinh nghiệm khi sử dụng các dòng xe điện.
Trở thành người đầu tiên thực hiện hành trình xuyên Việt cùng với 2 chiếc xe điện VinFast VF e34 và VF 8, ông Nguyễn Mạnh Thắng - Giám đốc Whatcarvn đã có những chia sẻ với VOV.VN về trải nghiệm sử dụng xe điện của riêng mình từ khi quyết định mua chiếc VinFast đầu tiên - VF e34 và đến VF 8 sau này. Cùng với đó, ông cũng có nhiều điều rút ra sau khi hoàn thành quãng đường Hà Nội - TP.HCM với thời gian kỷ lục.
PV: Là một chuyên gia đã có cơ hội trải nghiệm, đánh giá nhiều dòng ô tô khác nhau, điều gì khiến ông quyết định chuyển đổi từ xe xăng/dầu sang xe điện?
Ông Nguyễn Mạnh Thắng: Đến thời điểm hiện tại, tôi vẫn đang sở hữu cả xe xăng/dầu, những chiếc xe điện là quyết định mua thêm của tôi do bản tính thích khám phá và muốn biết dòng xe này có thực sự thông minh như lời đồn hay không. Vì vậy, ngay khi hãng xe VinFast của Việt Nam có mở bán xe điện, tôi đã ngay lập tức mua chiếc xe điện đầu tiên - VF e34.
Trước khi VinFast ra mắt xe điện, thị trường đã có một số dòng xe xanh nhập khẩu nhưng những chiếc xe đó không phù hợp với tôi vì giá quá cao, chỉ đến khi VF e34 bán thì tôi mới ngay lập tức đăng ký mua.
Khi tôi sử dụng xe, tôi cảm thấy sự khác lạ bởi các đặc điểm gồm: Thứ nhất là gia tốc rất mạnh, thứ 2 là cảm giác lái, và đặc biệt là ít phải chăm sóc. Nhưng xe cũng có một số hạn chế liên quan đến nội thất, nó chưa khiến tôi hài lòng, nên khi VinFast mở bán VF 8 thì cả tôi và vợ đều đi xem và quyết định nâng cấp lên.
PV: Ông cảm thấy có sự khác biệt như thế nào về việc sử dụng xe xăng/dầu và xe điện?
Ông Nguyễn Mạnh Thắng: Khác biệt lớn nhất về xe điện so với xe xăng/dầu là việc chúng ta phải lập kế hoạch cho quãng đường đi của mình. Đơn cử, nếu đi xe xăng, ta gần như không cần quan tâm xe còn bao nhiêu xăng trong bình vì chỉ cần khoảng 5-10 phút thì đã có thể đổ đầy bình để đi được quãng đường vài trăm đến cả nghìn km.
Nhưng với xe điện thì không thể như thế, chúng ta phải dự tính quãng đường đi của từng ngày, tính số km để có kế hoạch sạc điện đủ để đi được chừng đó. Nếu lộ trình đó vượt qua phạm vi hoạt động của xe, thì phải tìm trước điểm sạc trên đường đi và điểm sạc có công suất bao nhiêu và mất bao nhiêu thời gian sạc để không ảnh hưởng đến kế hoạch di chuyển. Sự khác biệt giữa xe xăng và xe điện nằm ở đó, còn mọi vấn đề khác về vận hành đều tương đồng.
PV: Nhiều người thường nói khi sử dụng xe điện, chúng ta sẽ bị thay đổi thói quen dùng ô tô; theo ông điều đó có đúng?
Ông Nguyễn Mạnh Thắng: Điều đó về cơ bản là đúng nhưng thói quen sử dụng đó không gây cho chúng ta ức chế hay khó khăn quá mức. Ví dụ như khi bạn đang dùng 1 chiếc điện thoại đầy pin hàng ngày, đến cuối ngày đã cạn pin rồi. Khi đó, các bạn phải cắm sạc để hôm sau lại có một chiếc điện thoại đầy pin để làm việc.
Xe điện cũng như vậy, hôm nay pin được sạc đầy trước khi ra khỏi nhà thì cuối ngày xe cũng bị cạn pin và các bạn chỉ đơn giản là sạc lại điện. Khi đó, các bạn sẽ có một chiếc xe điện đầy pin để hôm sau đi làm, đi chơi... Về cơ bản, điều này không ảnh hưởng quá nhiều đến thói quen sinh hoạt của các bạn.
PV: Trong quá trình sử dụng xe điện vừa qua, ông nhận thấy cơ sở hạ tầng của Việt Nam có đáp ứng được nhu cầu cho người dân sử dụng xe hàng ngày chưa?
Ông Nguyễn Mạnh Thắng: Để trả lời câu hỏi này, tôi sẽ phải kể với anh câu chuyện một năm trước khi tôi đi xuyên Việt với chiếc VinFast VF e34. Tôi đã phải mất 11 tiếng để sạc điện khi đi từ Hà Nội vào TP.HCM, thậm chí có những nơi không có trạm sạc, điển hình như tỉnh Bình Thuận, khiến tôi phải lựa chọn cung đường khác phù hợp hơn để hoàn thành hành trình. Ngoài ra, khi đó, các trạm sạc cũng có công suất nhỏ, cao nhất chỉ 30 kW, khiến thời gian sạc rất lâu.
Tuy nhiên, vừa rồi tôi lại tiếp tục đi xuyên Việt trên chiếc VF 8, điều làm tôi ngạc nhiên là mật độ trạm sạc cũng như công suất sạc đã được cải thiện rõ rệt. Hệ thống trạm sạc được bổ sung các trụ sạc siêu nhanh 250 kW, cùng các trạm 150 kW và 60 kW rất nhiều. Và gần như tôi không còn bất kỳ khó chịu hay phải tính toán trên lộ trình di chuyển; chỉ cần bấm vào tìm trạm sạc trên xe khi gần hết pin, tôi có thể đễ dàng tìm được nơi phù hợp.
Tôi nghĩ rằng đó là sự thay đổi hoàn toàn tích cực. Tôi cũng nói với các bạn đồng hành trên hành trình rằng, không ở đâu sử dụng xe điện sướng như Việt Nam hiện nay vì cơ sở hạ tầng quá đầy đủ.
PV: Ông thấy chi phí sử dụng xe điện so với xe xăng như thế nào?
Ông Nguyễn Mạnh Thắng: Nếu không tính chi phí thuê pin, hành trình vừa rồi tôi chỉ tốn khoảng 1,3 triệu đồng tiền sạc điện cho VinFast VF 8. So sánh với một mẫu xe xăng/dầu chẳng hạn, các bạn có thể phải tốn trung bình khoảng từ 5-6 triệu tiền xăng/dầu để đi quãng đường Hà Nội - TP.HCM.
Ngoài ra, xe điện có ít thành phần cơ khí hơn xe xăng; do đó, chi phí hay thời gian bảo dưỡng xe điện đều thấp hơn nhiều. Do đó, những người sử dụng xe điện thường xuyên di chuyển trong cung đường cố định hoặc không đi quá phạm vi hoạt động tốt đa thì loại phương tiện này rất hữu ích.
Ví dụ như với một chiếc xe xăng, cứ khoảng 5.000 km sẽ phải mang đi bảo dưỡng và thay dầu nhưng khoảng thời gian với xe điện dài hơn, lên tới 12.000 km mới phải đi bảo dưỡng. Chi phí bảo dưỡng cũng rất rẻ; trước đây, tôi bảo dưỡng lần đầu chiếc VinFast VF e34 chỉ tốn 700.000 đồng, rất thấp so với xe xăng.
PV: Vậy chi phí thuê pin hiện nay như thế nào?
Ông Nguyễn Mạnh Thắng: Tôi không theo dõi các đơn hàng sau này, nhưng đối với người mua tiên phong như tôi, phí thuê pin VinFast VF 8 là 2,18 triệu đồng/tháng không hạn chế số km. Nếu đi ít hơn 500 km mỗi tháng, bạn có thể lựa chọn gói linh hoạt với chỉ 900.000 đồng/tháng, nhiều hơn khoảng đó thì sẽ phải trả thêm phí phụ trội.
PV: Từ đâu ông có ý tưởng về 2 hành trình xuyên Việt với xe điện?
Ông Nguyễn Mạnh Thắng: Thực ra, do là một người chuyên làm về ô tô xe máy nên tôi rất tò mò và muốn biết về khả năng sử dụng xe điện tại Việt Nam. Năm ngoái, nhiều người cho rằng một mẫu xe điện đô thị chắc chỉ đi được loanh quanh gần nhà, không đi xa được; nên tôi cùng một số người bạn đã thử đem xe đi để xem có hoàn thành được hành trình, có xảy ra hỏng hóc trên đường, hệ thống sạc có đáp ứng được không... Thực sự cũng chỉ để thỏa mãn đam mê.
Nhưng mọi điều diễn ra khá thuận lợi, đoàn chúng tôi cùng hai chiếc VF e34 đã hoàn thành "thử thách" đã đề ra trong 48 tiếng (đi từ Hà Nội vào TP.HCM). Cả hành trình, chúng tôi mất 11 tiếng đồng hồ để sạc, xe vận hành không có vấn đề gì.
Năm nay, chúng tối tiếp tục thực hiện một hành trình tương tự với mục đích để xem có rút ngắn hơn được thời gian của chuyến đi lần trước không? Bởi khi lần này "đồng hành" cùng chúng tôi là chiếc VF 8 có phạm vi vận hành dài hơn và trạm sạc nhiều, nhanh hơn.
Ở lần thứ hai, chúng tôi cũng chỉ dự định rút ngắn thời gian thành 40 tiếng nhưng sau khi tính toán, chúng tôi quyết định khoảng thời gian 36 tiếng đồng hồ. Vì hiện nay, các phương tiện di chuyển từ Hà Nôi - TP.HCM thường xuyên như xe khách hay tàu hỏa cũng đang đạt thời gian là 36 tiếng, nên mọi người đã chốt khoảng thời gian như vậy để thực hiện "thử thách" lần hai.
PV: Ngoài đam mê và thử thách, còn lý do nào khác thúc đẩy ông thực hiện hành trình?
Ông Nguyễn Mạnh Thắng: Ngoài các lý do trên, tôi thực hiện chuyến đi thứ hai này cũng muốn xem chiếc xe VF 8 của mình có bị lỗi như mọi người thường nói hay không và hạ tầng sạc có thay đổi hay vẫn như trước đây. Nhưng, cuối cùng cả đoàn đã bất ngờ vì những gì mình được trải nghiệm. Các trạm sạc đã được nâng cấp nhiều giúp rút ngắn thời gian sạc, các cung đường đi cũng tốt hơn và thông thoáng, xe có phạm vi di chuyển dài hơn nên số lần sạc cũng được giảm đi đáng kể.
PV: Theo ông, còn điều gì khó khăn khi di chuyển bằng xe điện ngoài hạ tầng trạm sạc?
Ông Nguyễn Mạnh Thắng: Với hệ thống hiện nay, tôi nhận thấy việc di chuyển bằng xe điện cũng không khác biệt gì so với xe xăng. Chúng tôi thậm chí đã hoàn thành hành trình xuyên Việt với thời gian ngắn hơn dự tính rất nhiều, chỉ 28 giờ 33 phút trong đó mất 3 giờ 8 phút để sạc và hơn 25 giờ lăn bánh. Đó là con số kỷ lục, điều đó cũng khẳng định cho nhận xét của tôi vừa rồi về việc sử dụng xe điện.
PV: Ông có gặp phải các lỗi của xe điện khi phần mềm hiện tại đang có rất nhiều tính năng?
Ông Nguyễn Mạnh Thắng: Xe điện hiện được cấu thành từ phần cơ khí và phần điều khiển. Trong đó, chúng ta có thể cảm nhận được ngay phần cơ khí theo dạng "mắt thấy tai nghe" nên điều này là do cảm nhận mỗi người mỗi khác. Còn ở phần điều khiển hay phần mềm của xe thì cũng dễ dàng cập nhật và nâng cấp. Bản thân chiếc xe của tôi cũng đã cập nhật nhiều lần và qua từng lần, xe lại tốt lên.
PV: Như vậy, ông không gặp vấn đề gì khi di chuyển từ Hà Nội vào TP.HCM?
Ông Nguyễn Mạnh Thắng: Đúng vậy. Nếu có sự cố xảy ra, chắc chắn tôi không thể đạt được con số thời gian di chuyển chỉ 28 giờ 33 phút.
PV: Ông có lời khuyên nào cho những người muốn thực hiện 1 chuyến xuyên Việt, bằng ô tô nói chung và xe điện nói riêng?
Ông Nguyễn Mạnh Thắng: Đầu tiên, các bạn phải chuẩn bị cho xe tốt, phải bảo trì, bảo dưỡng trước hành trình và đảm bảo xe an toàn nhất từ động cơ, phanh... Tiếp theo, hãy rèn luyện kỹ năng lái xe để ổn định nhất trên những hành trình dài. Với những người ít lái xe, hãy tham khảo những người đã có nhiều kinh nghiệm.
Ngoài ra, cần phải có ý thức khi đi trên đường, tuân thủ luật an toàn giao thông; ví dụ như khi đi vào buổi tối, cần phải điều chỉnh đèn chiếu xa/chiếu gần hợp lý. Nếu đi đường dài với nhiều xe, cần phải có bộ đàm để liên lạc dễ dàng hơn khi xảy ra bất kỳ vấn đề nào.
Với xe điện, các bạn hãy nhớ mình cần di chuyển trong bao lâu, đi qua điểm sạc nào... Như hành trình vừa rồi, trong một phút ngẫu hứng, tôi đã "bẻ" cung đường nhưng may mắn vẫn đến trạm sạc kịp lúc khi pin báo chỉ còn 3%. Đó là một chú ý khi sử dụng xe điện, không nên quá ngẫu hứng thực hiện những hành động bất ngờ không lên kế hoạch trước trên chuyến đi dài.
PV: Ông có kỷ niệm hay ấn tượng gì trong quá trình sử dụng xe điện?
Ông Nguyễn Mạnh Thắng: Như tôi vừa chia sẻ, đó là khi thực hiện hành trình Hà Nội - TP.HCM, chúng tôi đã ngẫu hứng đi vào cung đường Túy Loan - La Sơn (Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng), chúng tôi cứ mải đi và không để ý điều gì bất ổn nên đã di chuyển khoảng 50 km nhưng sau đó đã kịp thời nhận ra và quay trở lại trạm sạc khi pin còn 3%.
Đó chính là kỷ niệm hú hồn, nếu tiếp tục di chuyển, chúng tôi có lẽ đã "toang" giữa hành trình. Và rất có thể phải kéo xe về trạm sạc. Nên khi đi xe ô tô điện đường dài thì bạn cần tính toán cung đường, lượng pin của xe còn đi được để hành trình được an toàn, tránh những rủi ro không đáng có.
PV: Xin cảm ơn ông!./.