Thay đổi phân hạng giấy phép lái xe, người dân có phải làm lại?
VOV.VN - Theo dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ không có GPLX các hạng A1, A4, B1, B2, E, FB2, FD, FE, FC so với quy định hiện hành trong Luật Giao thông đường bộ. Điều này khiến nhiều người băn khoắn, nếu có hiệu lực thì có bắt buộc phải làm thủ tục đổi GPLX theo phân hạng mới hay không?
Bộ Công an đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trong đó có đề xuất thay đổi phân hạng giấy phép lái xe (GPLX) so với quy định tại Luật Giao thông đường bộ 2008.
Theo đó, Điều 39 của Dự thảo nêu rõ các GPLX mới sẽ được phân hạng gồm: A2/A/A3, B, C1/C, D2/D, BE, C1E/CE, D2E/DE. Và sẽ không còn GPLX hạng A1, A4, B1, B2, E, FB2, FD, FE, FC như Luật Giao thông đường bộ 2008 hiện hành.
Cụ thể, theo Điều 39 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, GPLX được phân hạng lại như sau:
- Hạng A2 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 đến 175 cm3 hoặc có động cơ có công suất định mức tương đương.
- Hạng A cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 175 cm3 trở lên hoặc động cơ có công suất định mức tương đương và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A2.
- Hạng A3 cấp cho người lái xe mô tô ba bánh và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A2.
- Hạng B cấp cho người lái xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi (kể cả chỗ của người lái xe); xe ô tô tải (kể cả ô tô tải chuyên dùng), máy kéo có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế không vượt quá 3.500 kg; các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng B có gắn kèm rơ mooc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ mooc không vượt quá 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B2.
- Hạng C1 cấp cho người lái xe ô tô tải (kể cả ô tô tải chuyên dùng, ô tô chuyên dùng), máy kéo có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế trên 3.500 đến 7.500 kg; các loại xe ô tô tải quy định cho giấy phép lái xe hạng C1 có gắn kèm rơ mooc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ mooc không vượt quá 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B;
- Hạng C cấp cho người lái xe ô tô tải (kể cả ô tô tải chuyên dùng, ô tô chuyên dùng), máy kéo có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế trên 7.500 kg; các loại xe ô tô tải quy định cho giấy phép lái xe hạng C có gắn kèm rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc không vượt quá 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B, C1.
- Hạng D2 cấp cho người lái xe ô tô chở người (kể cả ô tô buýt) từ 10 đến 30 chỗ; các loại xe ô tô chở người quy định cho giấy phép lái xe hạng D2 có gắn kèm rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc không vượt quá 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B, C1, C.
- Hạng D cấp cho người lái xe ô tô chở người (kể cả ô tô buýt) trên 30 chỗ; xe ô tô chở người giường nằm; các loại xe ô tô chở người quy định cho giấy phép lái xe hạng D có gắn kèm rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc không vượt quá 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B, C1, C, D2.
- Hạng BE cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng B khi kéo rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc trên 750 kg.
- Hạng C1E cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng C1 khi kéo rơ-moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc trên 750 kg.
- Hạng CE cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng C khi kéo rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc trên 750 kg; xe ô tô đầu kéo kéo sơ-mi rơ-mooc.
- Hạng D2E cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng D2 khi kéo rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc trên 750 kg.
- Hạng DE cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng D khi kéo rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc trên 750 kg.
- Đối với người khuyết tật điều khiển xe mô tô ba bánh dùng cho người khuyết tật được cấp GPLX hạng A2. Người khuyết tật điều khiển xe ô tô có cơ cấu điều khiển phù hợp với tình trạng khuyết tật được cấp GPLX hạng B.
- Trường hợp xe được thiết kế, cải tạo số chỗ ít hơn xe cùng kiểu loại, kích thước giới hạn tương đương thì hạng GPLX được tính theo xe cùng kiểu loại, kích thước giới hạn tương đương.
Như vậy, so với quy định hiện tại trong Luật Giao thông đường bộ 2008, dự thảo Luật Trật tự, ATGT đường bộ không có GPLX các hạng A1, A4, B1, B2, E, FB2, FD, FE, FC.
Điều này khiến nhiều người dân băn khoăn không biết nếu dự thảo này có hiệu lực thì có bắt buộc phải làm thủ tục đổi GPLX theo phân hạng mới hay không?
Liên quan đến việc đổi, cấp lại GPLX theo phân hạng mới, Điều 62 dự thảo quy định, GPLX đã được cấp theo Luật Giao thông đường bộ 2008 được tiếp tục sử dụng. Riêng các trường hợp GPLX được cấp lại do hết hạn, bị mất; hoặc GPLX được đổi do bị hỏng hoặc sai lệch thông tin ghi trên giấy phép lái xe và các trường hợp khác quy định tại Khoản 3 Điều 43 thì được đổi, cấp lại theo phân hạng mới.
Cụ thể, giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3, B1, B2, C, D, E, FB2, FC, FD, FE được cấp theo Luật Giao thông đường bộ 2008 được đổi, cấp lại như sau:
- GPLX hạng A3, C giữ nguyên và đổi, cấp lại cùng hạng.
- GPLX hạng A2 đổi, cấp lại cho những người có giấy phép lái xe hạng A1.
- GPLX hạng A đổi, cấp lại cho những người có giấy phép lái xe hạng A2.
- GPLX hạng B đổi, cấp lại cho những người có giấy phép lái xe hạng B1, B2.
- GPLX hạng D2 đổi, cấp lại cho những người có giấy phép lái xe hạng D.
- GPLX hạng D đổi, cấp lại cho những người có giấy phép lái xe hạng E.
- GPLX hạng BE đổi, cấp lại cho những người có giấy phép lái xe hạng FB2.
- GPLX hạng CE đổi, cấp lại cho những người có giấy phép lái xe FC.
- GPLX hạng D2E đổi, cấp lại cho những người có giấy phép lái xe hạng FD.
- GPLX hạng DE đổi, cấp lại cho những người có giấy phép lái xe hạng FE.