Kiểm định khí thải xe máy: Quan trọng là thuận tiện, không gây phiền hà
VOV.VN - Xe mô tô, xe gắn máy có tuổi đời từ 5 đến 12 năm phải kiểm định hai năm một lần, xe trên 12 năm phải kiểm định hàng năm. Đó nội dung đáng chú ý trong Thông tư 47 năm 2024 của Bộ GTVT vừa được ban hành.
Dù thời điểm thực hiện chưa được ấn định song một chính sách ảnh hưởng sâu rộng tới hàng chục triệu chủ phương tiện vẫn nhận được sự quan tâm rất lớn.
7 năm nay, ông Nguyễn Văn Hiệp (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã duy trì việc bảo dưỡng định kỳ 6 tháng/lần với chiếc xe máy hiệu Honda của mình. Theo ông, nếu chăm sóc xe tốt, chủ xe sẽ không gặp nhiều lo lắng về việc xe xuống cấp hay xả ra khói đen.
Ông vừa đọc báo và nắm được nội dung thông tư mới của Bộ GTVT về việc kiểm định xe máy có thời gian sử dụng trên 5 năm.
Ông Hiệp hoàn toàn ủng hộ chủ trương này: “Tôi rất ủng hộ. Đi ra ngoài đường bây giờ rất khó chịu, nhiều xe xả khói rồi bốc mùi kinh khủng lắm. Nên làm thế. Thường thường thì tôi dùng xe rất cẩn thận. Khi về, dắt xe vào nhà bị nóng máy và có mùi khét thì tôi đưa đi bảo dưỡng ngay. Chính mình để ý và tuân thủ theo điều ấy”.
Anh Nguyễn Hữu Huy, một tài xế xe ôm ở Long Biên, Hà Nội đang sử dụng chiếc xe máy sang năm thứ sáu. Anh cũng bày tỏ sẵn sàng đi kiểm định khí thải xe máy, khi đây là loại phương tiện cơ giới đường bộ đông nhất tại Việt Nam và chưa có quy định, chế tài trong kiểm soát môi trường.
“Cái này nếu quy định ra thì cũng sẵn sàng. Nhưng không có quy định thì chúng tôi vẫn làm xử lý xe cho an toàn toàn thì mới dám đi. Không cứ phải ra trung tâm kiểm định mà chúng ta có thể linh hoạt để ra các cửa hàng, đại lý sửa chữa xe máy để làm cho thuận tiện” - anh Huy cho biết.
Ở góc độ chủ cửa hàng bảo dưỡng, sửa chữa xe, ông Nguyễn Đình Thắng (phố Phủ Doãn, quận Hoàn Kiếm) khẳng định, không có vấn đề kỹ thuật quá khó khăn nếu trao chức năng kiểm định khí thải cho các tiệm sửa xe.
Ông Thắng đồng tình với ý kiến của anh Nguyễn Hữu Huy về việc tạo điều kiện thuận lợi để hàng chục triệu phương tiện được kiểm định dễ dàng ở mọi nơi.
Theo ông Thắng: “Cái này do nhà quản lý thôi. Ví dụ một cửa hàng được cấp một máy kiểm định kết nối với bộ ngành. Khi mình kiểm định ở đây thì trên kia người ta biết rồi. Vấn đề chính là có điều kiện để làm việc, có máy chuẩn kết nối với trung tâm. Bây giờ công nghệ số rồi, bên kiểm định, đăng kiểm hoàn toàn có thể làm được. Đơn giản thôi”.
Theo ghi nhận từ cửa hàng của ông Thắng, khách hàng kỹ tính bảo dưỡng xe 1 năm/lần, còn khách bình thường là 1 năm rưỡi/lần. Cũng có trường hợp khách hàng để quá lâu, chiếc xe sẽ gặp vấn đề, như xả khói đen, khói xăng, khói dầu, lỗi máy, lỗi chế hòa khí.
“Xe ô tô chạy xăng thì không vấn đề gì. Nhiệt độ của ô tô lớn, có thể đốt hết nhiên liệu. Còn xe máy, nhiệt độ thấp hơn, nên đốt không hết các tạp chất, làm cho khí thải nhiều, gây ra hỏng cả máy luôn. Nếu làm có 5 phút thôi thì đơn giản. Quan trọng là tạo ra hạ tầng, thiết bị tốt thì nó sẽ đơn giản thôi” - ông Thắng bày tỏ.
Thống kê cho thấy, nước ta hiện có khoảng 45 triệu xe máy đang được người dân sử dụng hàng ngày. Đây là nguồn phát thải ô nhiễm lớn nhất, nhưng chưa được kiểm soát. Thông tư 47 năm 2024 của Bộ GTVT có hiệu lực từ 1/1/2025, nhưng đây chưa phải thời điểm bắt đầu thực hiện kiểm định khí thải xe máy. Lộ trình triển khai chính thức đang được Bộ GTVT và Bộ Tài nguyên môi trường nghiên cứu.
Nhiều ý kiến cho rằng, dù được định hướng chỉ mất khoảng 5 phút với chi phí thấp khoảng 35.000 - 50.000 đồng mỗi lần kiểm định, việc kiểm định khí thải xe máy có thể sẽ gây quá tải các cơ sở đăng kiểm xe cơ giới. Nên chăng mở rộng chức năng kiểm định tới các đại lý sửa chữa, bảo dưỡng các hãng xe.
Một điểm đáng chú ý khác theo Thông tư 47: Nếu đạt tiêu chuẩn, xe sẽ được Cục đăng kiểm Việt Nam cấp chứng nhận điện tử được tích hợp dữ liệu với tài khoản định danh điện tử của chủ xe. Qua đó giảm thủ tục và giấy tờ thủ công, không gây phiền hà cho người dân.