Lái xe đổ đèo cần cái đầu lạnh và phanh lạnh
Độc giả Nguyễn Văn Liêm chia sẻ về kinh nghiệm đổ đèo, cung đường cần sự bình tĩnh và đặc biệt hạn chế sử dụng phanh.
Có lẽ khá nhiều người đồng tình với việc tài xế chọn vách núi thay vì lao xuống vực sâu, và những bài viết trên VnExpress là minh chứng. Mình tự hỏi tại sao các bạn không chọn chỗ thứ ba khác hai chỗ trên nhỉ, sao không đi trên đường nhựa cho an toàn?
Có lẽ cái thói quen coi thường mọi việc, sự thể hiện khả năng “lái lụa” và câu cửa miệng “chuyện nhỏ” đã gây ra không biết bao hệ lụy cho người Việt hiện đại, dù người Việt cổ có răn dạy con cháu “phòng bệnh hơn chữa bệnh”!
Nếu đổ đèo đúng cách, vách núi và vực sâu không phải là nơi đâm xe vào. Ảnh: Lan Hương.
Mình không có ý định “phổ cập cách đổ đèo” ở bài này, tuy nhiên cũng cần nhắc lại là khi đổ đèo, chúng ta cần hai thứ lạnh là cái đầu lạnh và phanh lạnh, nếu có... ly cà phê lạnh nữa thì tuyệt! Trước hết, đừng thấy xe kia “dỏm” hơn mình mà sao nó chạy nhanh thế, rồi ráng “đu” theo nó, một cái đầu lạnh không bao giờ làm chuyện đó. Phanh lạnh, là đừng bao giờ dùng bừa bãi.
Một tài già đổ đèo có tổng thời gian đạp phanh chỉ bằng 10% một lính mới, và họ chỉ đạp khi sang số hoặc do xe trước chạy “củ chuối” chứ không bao giờ cần phải chủ động đạp để hãm đà xe chạy.
Họ đã làm điều đó như thế nào? Nếu bạn chưa có dịp đọc, mình xin tóm tắt gọn như sau: cứ để xe trôi kéo máy chạy chứ đừng đạp ga, chân chờ sẵn trên phanh (nhưng không rà nhé). Nếu thấy như thế mà xe kéo máy chạy nhanh quá so với tình hình đèo dốc, nhá phanh một cái và về số nhỏ hơn (vì trường hợp này lực cản của máy đang yếu hơn lực kéo của xe trôi xuống dốc), ngược lại nếu hơi chậm thì lên số lớn hơn cho nó chạy nhanh lên một tí, khỏi bị xe sau bóp còi.
Thông thường với xe con thì số 2, 3 cho đường nguy hiểm, số 4,5 cho đường đã sắp hết dốc, thoáng và thẳng, đặc biệt lắm mới về số 1. Xe số tự động dùng chế độ bán tự động tương ứng. Một lưu ý nữa là khi đổ đèo nhanh lắm cũng không nên vượt quá 60 km/h nếu bạn muốn mọi việc nằm trong tầm kiểm soát, còn chậm nhất thì không có giới hạn, vì tùy độ dốc và góc ngoặt, có khi phải “bò”.
Bên cạnh đó, n nên nhớ rằng một cái đầu nóng chắc chắn cũng sẽ làm cho phanh nóng theo. Một tài xế có cái đầu lạnh sẽ không bao giờ làm cho phanh cháy rồi phải chọn vách núi hay vực mà họ chỉ chọn ... mặt đường!
Tuy nhiên, cũng có trường hợp bất khả kháng, ví dụ bị bể ống dẫn dầu phanh chẳng hạn, lúc đó, nếu không có đường cứu nạn thì vách núi bên phải kèm theo phanh tay mới là lựa chọn chính xác.
Ép sát vách núi phải nhưng chưa xuống rãnh, nếu vận tốc xe không quá lớn thì kéo phanh tay theo kiểu rà từ từ, bạn sẽ dừng được ở trên mặt đường; nếu vận tốc xe quá lớn, buộc phải cho 2 bánh phải xuống rãnh trước rồi mới kéo phanh tay, nếu xe bạn gầm thấp, chỉ cần lọt 2 bánh phải xuống rãnh thì nó đã cạ gầm và dừng do ma sát rồi, xe thì hỏng nhưng người vẫn còn! Vì vậy, phải nhớ rằng vách núi và vực sâu không phải là chỗ để chạy xe, các bạn không nên chọn cái nào cả.
Chúc các bạn lái xe an toàn!