Công nghiệp ô tô - Vì sao chưa xây đã đổ?
Phải nhìn nhận một thực tế chúng ta đã có những định hướng chưa trúng và cần phải nhìn lại thấu đáo hơn để có bước đi đúng hơn
- Hợp tác phát triển ngành công nghiệp ô tô
- Phát triển ngành công nghiệp ô tô: Cần sự chuyển hướng chọn lọc
- Nghịch lý tiêu thụ ô tô
- Bao giờ hết lấy công làm lãi?
- Bộ Tài chính nói không!
Quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam giai đoạn 2001 - 2015 với mong muốn xây dựng một nền công nghiệp ô tô đủ khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu. Nhưng thật đáng buồn khi nhìn lại, công nghiệp ô tô nước ta thực chất vẫn chỉ là công nghiệp lắp ráp giản đơn.
Hiện nay, mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 100.000 chiếc ô tô, tuy nhiên trong đó có một nửa là xe nhập khẩu, mặc dù Chiến lược phát triển công nghiệp ôtô đã được ban hành gần 20 năm.
Biện minh cho sự phát triển ì ạch của ngành công nghiệp ô tô sau gần 20 năm được hưởng rất nhiều ưu đãi của Chính phủ, các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước (trong đó đa phần làm công việc lắp ráp) viện dẫn lý do rằng, thị trường ô tô của nước ta quá nhỏ nên chưa thúc đẩy được ngành này phát triển, cũng như chưa có thị trường để các nhà sản xuất ô tô lớn đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ. Tuy nhiên, trên thực tế, căn nguyên sự kém phát triển của công nghiệp ô tô nước ta lại nằm ở việc thiếu một quy hoạch chi tiết bài bản và một chiến lược cụ thể, đúng tầm, dù từ năm 2001, Chính phủ đã quyết định dành khoảng 56.000 tỷ đồng cho phát triển ngành công nghiệp này.
Nguyên nhân vì sao?
Trước hết, có thể nói, chúng ta đã vội vàng trong việc lựa chọn công nghiệp ô tô trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn và quyết định đầu tư cho ngành này những sự ưu đãi lớn như: ưu đãi về thuế suất, dựng hàng rào bảo hộ ô tô sản xuất trong nước, hạn chế nhập khẩu… Những ưu đãi đó đã giúp cho các liên doanh sản xuất, lắp ráp ô tô kiếm nhiều lợi nhuận trên thị trường, nhưng chưa đóng góp được nhiều cho sự phát triển của công nghiệp ô tô Việt Nam.
Một nguyên nhân khác là do chúng ta chưa xây dựng được một nền cơ khí phục vụ cho sự phát triển của công nghiệp ô tô, tỷ lệ nội địa hóa tuy đã được quy định bằng nhiều văn bản nhưng rất ít doanh nghiệp tuân thủ. Bởi vậy, có những thời điểm, tỷ lệ nội địa hóa được báo cáo lên rất cao, nhưng tỷ lệ tham gia của các doanh nghiệp cơ khí và công nghiệp trong nước rất thấp. Đó là chưa kể, việc tính tỷ lệ nội địa hóa vẫn mang tính cơ học, đếm số lượng chứ không tính về chất lượng.
Đến thời điểm này, cả nước có khoảng 60 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng phục vụ cho ngành công nghiệp ô tô, nhưng hầu hết là quy mô nhỏ, sản phẩm là các linh kiện giản đơn, hàm lượng công nghệ cao còn ít và giá trị thấp trong cơ cấu nội địa hóa sản phẩm. Động cơ, thân vỏ, những yếu tố quan trọng nhất để làm nên một chiếc ô tô thì các doanh nghiệp trong nước hầu như không được tham gia. Nghịch lý “Sinh con rồi mới sinh cha” của công nghiệp ô tô chính là hệ quả của một quy hoạch duy ý chí, thiếu cơ sở thực tế và tầm nhìn chiến lược.
Chính sự mất cân đối giữa chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và ưu đãi dành cho các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ đã khiến quyền lợi của người tiêu dùng bị vi phạm khi phải mua xe với giá rất cao (số liệu so sánh cho thấy, giá ô tô ở nước ta cao gấp 1,5 - 2 lần giá xe cùng loại ở các nước trong khu vực), còn doanh nghiệp cơ khí trong nước lại không có điểm tựa.
Để xây dựng một ngành công nghiệp ô tô thực thụ
Đã đến lúc cần đặt câu hỏi: Chúng ta đã lựa chọn hướng đi đúng cho phát triển công nghiệp ô tô hay chưa? Cần làm gì để những chính sách ưu đãi của Chính phủ dành cho ngành này thực sự phát huy tác dụng?
Điều trước hết cần làm là có những chính sách ưu đãi trực tiếp cho các doanh nghiệp sản xuất phụ tùng ô tô, doanh nghiệp phụ trợ cho ngành công nghiệp ô tô. Cũng cần xác định được dòng xe chiến lược để ưu tiên tập trung đầu tư.
Ngoài ra, chúng ta cần có những nghiên cứu lại thị trường trong nước để đánh giá nhu cầu sử dụng thực sự, cũng như khả năng đáp ứng của hạ tầng giao thông.
Có một định hướng đúng, một nghiên cứu có tính khả thi thì việc áp thuế nhập khẩu ô tô cao mới có lý lẽ thuyết phục, mới kêu gọi được nhà đầu tư. Và hơn thế nữa, một ngành công nghiệp ô tô thực thụ, với công nghiệp phụ trợ phát triển, đạt các tiêu chuẩn quốc tế, sẽ lấy được lòng tin của người tiêu dùng về chất lượng của xe, đồng thời giúp giá xe trong nước giảm mạnh, hướng được người dân sử dụng hàng sản xuất trong nước./.