TP.Hồ Chí Minh cần cơ chế đột phá mới để phát triển mạnh mẽ
VOV.VN - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đến thời điểm này, TP.HCM cần cơ chế đặc thù mới đột phá hơn để Thành phố dám nghĩ, dám làm, phát triển năng động hơn.
Phát biểu tại buổi làm việc của Đoàn ĐBQH TP.HCM với UBND Thành phố vào chiều qua về tình hình kinh tế- xã hội và thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH 14 của Quốc hội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đến thời điểm này, TP.HCM cần cơ chế đặc thù mới đột phá hơn để Thành phố dám nghĩ, dám làm, phát triển năng động hơn. Cùng dự buổi làm việc có lãnh đạo nhiều bộ, ngành.
Thông tin từ báo của của TP.HCM tại buổi làm việc cho thấy, 9 tháng năm 2022, kinh tế thành phố đã phục hồi hoàn hoàn, tăng trưởng kinh tế đạt 9,7% so với cùng kỳ, riêng quý 3 ước tăng 30%. Thu ngân sách đạt 350.000 tỉ, bằng hơn 90% dự toán năm và tăng gần 28% so với cùng kỳ. Các dự án trọng điểm được đẩy mạnh triển khai. Những kết quả đó có nguyên nhân quan trọng từ việc thực hiện Nghị quyết 54 năm 2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Tuy nhiên, các ĐBQH và lãnh đạo các bộ ngành phát biểu tại buổi làm việc đều thống nhất việc TP.HCM cần có cơ chế đặc thù mới, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển.
Trên cơ sở những thành tựu kinh tế xã hội đạt được 9 tháng qua, đạt và vượt 15/19 chỉ tiêu đề ra, tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao TP.HCM phấn đấu hoàn thành 19/19 chỉ tiêu kinh tế xã hội của năm nay. Tuy nhiên, kinh tế Thành phố mới phục hồi bước đầu. Sau đại dịch, doanh nghiệp và người dân vẫn chưa phục hồi hoàn toàn nên trước mắt cần tạo sự ổn định và kiểm soát vĩ mô, tạo sự an tâm cho người dân và doanh nghiệp, nhất là khi gần đây có những biến động của thị trường chứng khoán, xăng dầu.
Thành phố cần đối thoại, nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp TP.HCM, một đội ngũ năng động, sáng tạo, luôn nghĩa tình khi đất nước và Thành phố cần. Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lời thăm hỏi ân cần nhất tới đội ngũ doanh nhân của Thành phố và khẳng định, Đảng, Nhà nước, pháp luật luôn luôn bảo vệ quyền lợi chính đáng của mọi doanh nhân, doanh nghiệp.
Cho biết khi tiếp xúc cử tri, nhân dân phản ánh tình trạng quy hoạch treo nhiều năm, vừa gây bức xúc trong nhân dân, làm chậm lại sự phát triển của Thành phố, Chủ tịch nước yêu cầu Thành phố giải quyết quyết liệt hơn tồn tại này. Trong đó cần thẳng thắn nhìn nhận, nền công vụ địa phương còn bất cập so với quy mô, sự phát triển của Thành phố. Bên cạnh đó là nguyên nhân chủ quan về trách nhiệm công vụ từ cấp cơ sở.
Nhấn mạnh đến sức mạnh hệ thống công vụ, Chủ tịch nước yêu cầu các cấp chính quyền từ cơ sở phải thực sự quyết liệt, nêu cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân thì mới xử lý các tồn tại kéo dài gây bức xúc trong nhân dân. Bên cạnh đó, theo Chủ tịch nước, thời điểm này là lúc Thành phố cần đẩy mạnh các sáng kiến cải thiện các dịch vụ công, thủ tục tục hành chính, đa dạng các mô hình cung cấp dịch vụ, phục vụ an sinh xã hội, hỗ trợ người yếu thế.
Nhắc đến động lực, mô hình tăng trưởng mới của Thành phố là hình thành Trung tâm tài chính quốc tế, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Thành phố cần lưu tâm thúc đẩy; thay đổi một cách chiến lược, bài bản, có hiệu quả mô hình kinh tế sáng tạo.
Về việc triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội, dù kết quả đạt được là tích cực, nhưng Chủ tịch nước cho rằng, Thành phố vẫn chưa phát huy đồng bộ các cơ chế đặc thù, đồng thời nhắc lại chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi làm việc với Thành phố mới đây là cần đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 54, từ đó đề xuất những cơ chế đặc biệt, vượt trội hơn để giúp Thành phố phát triển mạnh mẽ hơn. Những cơ chế mới chưa có tiền lệ thì có thể thí điểm.
Theo đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Thành phố phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu đề xuất thí điểm cơ chế mới như về tự chủ tài khóa, thí điểm thuế bất động sản, nghiên cứu thêm loại thuế cải thiện (thuế đánh trên lợi ích tăng thêm của các bất động sản khi nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng), nghiên cứu bán đấu giá các quyền phát triển dự án trong các khu đô thị mới; nghiên cứu đề xuất các cơ chế đặc thù về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người dân thu nhập thấp; cơ chế hỗ trợ tiếp cận giáo dục và chăm sóc y tế đối với người dân nhập cư, người thu nhập thấp; cơ chế đặc thù về chính sách chi tiêu cho khoa học công nghệ.
Đặc biệt là cần đề xuất cơ chế đột phá hơn nữa trong chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài gắn với chiến lược phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ sáng tạo giá trị gia tăng cao; cơ chế thúc đẩy liên kết vùng, hình thành quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng của vùng, trong đó TP.HCM đóng vai trò chủ đạo. Chủ tịch nước lưu ý, cần đề xuất thí điểm các cơ chế đặc thù, vượt trội hơn trong phân cấp giao quyền mạnh mẽ hơn cho Thành phố.
Nhắc lại TP.HCM có thể trở thành hòn ngọc viễn Đông tỏa sáng, Chủ tịch nước cho rằng, điều đó phải dựa trên sức mạnh của khoa học công nghệ và trí thức. Đó là một Thành phố khởi nghiệp, sáng tạo với nhiều “kỳ lân” khởi nghiệp. “Nhiệm vụ của TP.HCM và Hà Nội là đưa Việt Nam dẫn đầu ASEAN về sức cạnh tranh công nghệ, khả năng phát kiến, ứng dụng công nghệ trong tất cả các lĩnh vực và khu vực then chốt, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, các công nghệ số trong lĩnh vực tài chính, công nghiệp, nông nghiệp thông minh và các dịch vụ số”: Chủ tịch nước mong muốn.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị TP.HCM cần thực hiện mục tiêu quan trọng là đưa Thành phố trở thành nơi có môi trường sống sạch sẽ hơn, an toàn hơn bằng cách biện pháp không tốn kém ngân sách nhưng hiệu quả, dựa vào các tổ chức và nhân dân Thành phố, qua đó thu hút du khách trong và ngoài nước cũng như thu hút đầu tư. Trước mắt cần tập trung xử lý ngay những bức xúc của người dân về môi trường. Chủ tịch nước gợi ý TP.HCM chọn Thành phố Thủ Đức là thí điểm trở thành thành phố không có rác, thành phố an ninh an toàn./.