Phanh gấp và những điều cần lưu ý

VOV.VN - Những điều nên làm và nên tránh sau đây sẽ khiến bạn an toàn tối đa trong những trường hợp phanh khẩn cấp.


Nên: Bóp từ từ tay phanh


Bóp nhẹ khi bắt đầu phanh và sau đó mạnh dần đến khi tay phanh gập hết sẽ giúp dồn trọng lượng lên bánh trước và nén lốp xuống, tăng diện tích bám đường.

Không nên: Bóp thật nhanh và mạnh

Đây là một lỗi sơ đẳng của những người mới lái xe phanh đĩa. Ngay cả khi xe được trang bị ABS, bóp tay phanh trước thật nhanh và mạnh sẽ khiến lốp trước bắt đầu mất độ bám và bị trượt. Nếu không có ABS, gần như chắc chắn bạn sẽ bị ngã trong trường hợp này.

Nên: Dùng cả hai phanh


Khi trọng lượng bị dồn lên phía trước trong quá trình phanh gấp, lốp sau vẫn còn tiếp xúc với mặt đường và có độ bám. Chính vì vậy việc dùng cả phanh sau sẽ khiến xe dừng nhanh hơn.

Không nên: Phụ thuộc hoàn toàn vào một trong hai phanh

Nếu chỉ sử dụng phanh sau, trọng lượng bị dồn lên phía trước khi giảm tốc sẽ khiến bánh sau mất đi độ bám. Ngoài ra, phanh sau còn có lực ép kém hơn phanh trước.

Nếu chỉ sử dụng phanh trước, hậu quả cũng chẳng khác gì khi bạn bóp thật gấp phanh trước vậy.


Nên: Chú ý tới khoảng cách giữa các phương tiện giao thông xung quanh bạn

Việc phanh gấp sẽ chẳng giúp bạn tránh được tai nạn nếu như các phương tiện đằng sau ở quá gần với xe bạn. Hãy luôn đề cao cảnh giác và giữ một khoảng cách nhất định giữa bạn và các phương tiện tham gia giao thông khác xung quanh. Điều này sẽ khiến bạn có thêm không gian xử lý trong các trường hợp phải phanh gấp.

Không nên: Để các xe khác quyết định sự an toàn của bạn

Việc lái xe có thể được coi là một hình thức kiểm soát mối liên quan giữa bạn với giao thông. Đừng để bản thân phải rơi vào những trường hợp bất khả kháng như bị xe bus chắn tầm nhìn hay bị đâm khi phanh gấp. Hãy di chuyển giữa dòng phương tiện với sự tự do và tự chủ cao.


Nên: Biết dự đoán trước

Khi lái xe, đương nhiên bạn phải chú ý tới các phương tiện xung quanh nhưng hãy đặc biệt chú ý phóng tầm mắt ra phía trước xa nhất có thể. Với mỗi một sự thay đổi ở phía trước - chẳng hạn như các xe ô tô đang tiến vào giao lộ - hãy tính toán nhanh những sự cố có thể xảy ra để có thể đối phó kịp thời.

Không nên: Bị bất ngờ

Những tình huống bất ngờ trên đường dẫn đến sự hoảng hốt, hoảng hốt dẫn đến tai nạn. Chính vì vậy, hãy sử dụng tầm nhìn của bạn và tôi luyện một "giác quan thứ sáu" để dự đoán trước những tình huống có thể xảy ra trên đường. Nhận biết những nguy hiểm có thể đe doạ bạn, và tránh chúng trước khi tai nạn có thể xảy ra.


Nên: Luyện tập thường xuyên

Những công nghệ mới ngày càng khiến mô-tô trở nên an toàn hơn khi phanh, nhưng chúng cũng đồng thời đòi hỏi người lái phải có những kỹ năng để có thể làm chủ hoàn toàn. Hãy tìm một khu vực trống, dành ra nửa ngày để cùng với chiếc xe luyện tập và làm quen với những khả năng của nó. Bạn hãy liên tục luyện tập, cho đến khi có thể dừng lại một cách an toàn từ tốc độ bạn hay di chuyển trên đường.

Không nên: Phụ thuộc hoàn toàn vào chiếc xe

Chiếc xe có thể dừng hoàn toàn trong bao lâu? Điều gì sẽ xảy ra nếu như bánh sau rời khỏi mặt đất? Lực phanh thế nào trước khi bánh sau bị khóa cứng? Cảm giác thế nào nếu như bánh trước bị khoá cứng? Bạn nên biết những câu trả lời cho các câu hỏi trên và ghi nhớ chúng khi lái xe./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên