9 tháng tù cho Hiệu phó giả mạo chữ ký Bộ trưởng
(VOV) -Nguyễn Đức Tâm đã cấu kết với đối tượng khác giả mạo cả chữ ký của Bộ trưởng GT&ĐT để tuyển sinh trái quy định.
Sự việc bắt đầu từ năm 2010, khi trường Trung cấp Văn Hiến có công văn đề nghị trường Đại học Y Hải Phòng đào tạo cho trường này 30 bác sỹ đa khoa.
Theo cáo trạng: Ngày 20/5/2010, ông Nguyễn Văn Lơn, Hiệu trưởng trường Trung cấp Văn Hiến (nay là trường Trung cấp Y Dược Văn Hiến) đã có công văn số 82, gửi trường Đại học Y Hải Phòng, đề nghị đào tạo cho trường Trung cấp Văn Hiến 30 bác sĩ đa khoa.
Được một tuần sau, trường Đại học Y Hải Phòng có công văn gửi Bộ GD&ĐT xin chỉ tiêu đào tạo cho trường Trung cấp Văn Hiến theo nội dung công văn số 82. Sau đó, Bộ GD&ĐT đã có công văn phúc đáp, đồng ý cho trường Đại học Y Hải Phòng đào tạo 30 bác sĩ từ trường Trung cấp Văn Hiến nhưng phải đúng quy định, quy chế tuyển sinh.
Nguyễn Đức Tâm (ngồi ghế) và Trần Thành Nhật (đứng trước vành móng ngựa) tại phiên tòa |
Đến ngày 24/11/2010, UBND tỉnh Thanh Hóa có công văn số 6476, đồng ý cho trường Trung cấp Văn Hiến tuyển sinh, hình thức đào tạo theo địa chỉ. Sau khi có các văn bản trên, ông Nguyễn Đức Tâm, nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị, Hiệu Phó trường Trung cấp Văn Hiến đã giao cho Lê Xuân Thảo, giáo viên hợp đồng của trường, cùng với ông Tâm đứng ra chiêu sinh.
Sau một thời gian chiêu sinh thì Lê Xuân Thảo chỉ tuyển được 2 trường hợp, số còn lại do ông Tâm trực tiếp kí tuyển. Sau khi tuyển xong, ông Tâm giao cho văn thư lập danh sách do ông Tâm ký, gửi trường Đại học Y Hải Phòng xét duyệt. Sau khi xem xét, trường Đại học Y Hải Phòng chỉ chấp nhận 4 thí sinh đủ yêu cầu, số còn lại trả lại hồ sơ vì không đúng quy định của Bộ GD&ĐT.
Khi biết, trường Đại học Y Hải Phòng chỉ chấp nhận 4 thí sinh, còn hơn 20 thí sinh khác bị loại, ông Tâm tìm gặp lãnh đạo trường Đại học Y Hải Phòng để “thương lượng”.
Mặc dù vậy, phía trường Đại học Y Hải Phòng vẫn không nhận số thí sinh còn lại, vì chưa có sự đồng ý của UBND tỉnh Thanh Hóa và Bộ GD&ĐT. Lúc này Tâm mới lo lắng và nghĩ mọi cách để được chấp nhận số thí sinh còn lại, vì khi ký tuyển các thí sinh, ông Nguyễn Đức Tâm đã nhận mỗi thí sinh hơn 30 triệu đồng để được vào danh sách.
Tìm lại các mối quan hệ, Nguyễn Đức Tâm đã nghĩ tới Trần Thành Nhật (giáo viên trường THCS Nam Hà, quận Kiến An, TP Hải Phòng) có quen biết với Tâm. Sau đó Nguyễn Đức Tâm đã gặp Nhật và bàn bạc kế sách giả mạo hồ sơ, con dấu để tiến hành tuyển sinh bằng mọi giá, vì đã trót nhận của mỗi thí sinh trên 30 triệu đồng.
Được Tâm “nhờ”, Nhật đã giao cho Tâm 9 phiếu báo điểm của 9 thí sinh để ông này làm thủ tục. Nhật hứa với Tâm là nếu xin được UBND tỉnh Thanh Hóa thì Nhật sẽ lo xin xác nhận của Bộ GD&ĐT.
Đến ngày 12/11/2010, Nguyễn Đức Tâm đã lập danh sách của 30 thí sinh, bên cạnh đó ông ta còn tự mình lập công văn số 203, đồng thời giả mạo chữ ký của ông Hiệu trưởng Nguyễn Văn Lơn để gửi UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị xin xác nhận vào bản dánh sách 30 thí sinh.
Công văn này được Chánh văn phòng tỉnh Thanh Hóa ký, sau đó Tâm giao cho ông Lê Xuân Thảo gửi cho Nhật. Nhưng Nhật không chấp nhận danh sách đó vì chữ ký của Chánh văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa thì không được, mà yêu cầu phải là chữ ký của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.
Một lần nữa Nguyễn Đức Tâm giả mạo chữ ký của ông Nguyễn Văn Lơn gửi cho UBND tỉnh Thanh Hóa xin chữ ký của ông Vương Văn Việt, Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa ký và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Tại phiên tòa, ông Tâm khai nhận: Sau khi xin được chữ ký của Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa, ông ta đã đưa đi công chứng tại thị trấn Quảng Xương, sau đó trực tiếp đưa cho Trần Thành Nhật để xin xác nhận của Bộ GD&ĐT.
Đến lúc này, ông Tâm đã có trong tay danh sách đã được ký và đóng dấu đỏ xác nhận của Bộ GD&ĐT và UBND tỉnh Thanh Hóa. Có trong tay đủ những giấy tờ cần thiết, Tâm đến gặp Hiệu trưởng trường Đại học Y Hải Phòng. Nhìn thấy có dấu đỏ và chữ ký của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Hiệu trưởng trường Đại học Y Hải Phòng phê vào văn bản chấp thuận nhận đào tạo.
Tuy nhiên sau khi tiếp nhận số sinh viên trên, trường Đại học Y Hải Phòng phát hiện có nhiều dấu hiệu sai phạm, nên đã làm công văn yêu cầu trường Văn Hiến cung cấp các giấy tờ gốc để đối chiếu, nhưng không thấy trường Văn Hiến trả lời nên đã báo cáo đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc.
Quá trình điều tra làm rõ, UBND tỉnh Thanh Hóa và Bộ GD&ĐT đã không ký xác nhận vào danh sách 28 thí sinh, mà chữ ký của Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa, ông Vương Văn Việt, và Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trong danh sách đều là in sao, giả mạo.
Ngày 26/4, TAND tỉnh Thanh Hóa đã xét xử vụ án và tuyên phạt Nguyễn Đức Tâm 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, phạt hành chính 10 triệu đồng. Bị cáo Trần Thành Nhật 7 tháng tù giam về cùng tội danh làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức./.