Bác phản tố đòi bồi thường của Keangnam
VOV.VN - Keangnam cho rằng người mua đã vi phạm hợp đồng thanh toán nên yêu cầu bồi thường thiệt hại hơn 3,2 tỷ đồng.
Ngày 17/6, sau thời gian nghị án, Tòa án quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đưa đưa ra phán quyết về vụ kiện dân sự giữa cư dân sống ở khu Keangnam kiện chủ đầu tư.
Nguyên đơn dân sự trong vụ này là chị Tạ Vân Thanh và bị đơn là Công ty TNHH một thành viên Keangnam - Vina.
Theo đơn, chị Thanh kiện về việc Công ty TNHH một thành viên Keangnam – Vina, là vi phạm quy định ngoại hối khi thực hiện thanh toán tiền mua căn hộ bằng USD.
Đồng thời nguyên đơn cũng kiện chủ đầu tư đã “gian lận” trong cách tính diện tích đối với các căn hộ ở tòa nhà Keangnam. Do chủ đầu tư vi phạm quy định ngoại hối và cách tính diện tích, nên chị Thanh yêu cầu hủy hợp đồng mua bán căn hộ.
Tòa nhà Keangnam |
Trong vụ kiện dân sự, Công ty TNHH một thành viên Keangnam – Vina cũng đã có đơn phản tố cho rằng, nguyên đơn tự ý chấm dứt hợp đồng vì không hợp tác thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
Theo ấn định của hợp đồng, trong vòng 10 ngày nguyên đơn thực hiện các khoản phạt, chậm trả khác theo hợp đồng.
Phía nguyên đơn không đồng ý vì lý do hợp đồng vi phạm quản lý ngoại hối, tạm dừng thanh toán chờ bị đơn điều chỉnh lại giá căn hộ cho phù hợp với quy định về quản lý ngoại hối.
Công ty TNHH một thành viên Keangnam – Vina yêu cầu phạt nguyên đơn vi phạm hợp đồng yêu cầu bồi thường thiệt hại hơn 3,2 tỷ đồng.
Theo quan điểm của Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm, đối với khởi kiện Keangnam vi phạm luật ngoại hối xét thấy, việc giá trên hợp đồng mua bán tính bằng USD là vi phạm pháp lệnh ngoại hối.
Việc nguyên đơn nêu, bị đơn không có chức năng thanh toán ngoại hối nên đã đến gặp bị đơn yêu cầu điều chỉnh và dừng thanh toán, tuy nhiên, tòa cho rằng nguyên đơn không xuất trình được chứng cứ cho thấy trình bày của mình là có cơ sở, đồng thời trong công văn yêu cầu bị đơn điều chỉnh giá tiền mua bán sang VNĐ không có câu nào thể hiện việc yêu cầu điều chỉnh lại mà chỉ yếu cầu hủy hợp đồng vì vi phạm điều cấm.
Căn cứ vào Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán tối cao, căn cứ vào Bộ luật dân sự, tòa cho rằng, hợp đồng mua bán căn hộ chỉ bị vô hiệu một phần.
Đối với các tính diện tích, nguyên đơn trình bày bị đơn cung cấp thông tin không trung thực, xuất trình bản vẽ phối cảnh dự án mà bị đơn cung cấp để chứng minh.
Bị đơn thừa nhận thể hiện có công viên hồ nước bể bơi nhưng dưới bản vẽ phối cảnh cũng ghi chú các thông tin bản vẽ phối cảnh và hình ảnh trên có thể bị thay đổi mà không cần báo trước cho bên mua.
Nguyên đơn đã được xem và cảnh báo trước nhưng vẫn ký hợp đồng nên không có cơ sở để chấp nhận.
Từ nhận định, Tòa án quận Nam Từ Liêm quyết định: Do hợp đồng quy định căn hộ bằng ngoại tệ không phù hợp nên cần xác định lại giá căn hộ sang VNĐ tại thời điểm ký kết. Do vậy tòa bác đơn khởi kiện của chị Thanh về yêu cầu hủy hợp đồng mua bán. Tòa yêu cầu xác định lại giá căn hộ bằng tiền VNĐ vào thời điểm ký kết hợp đồng. Keangnam phải trả lại cho nguyên đơn dân sự số diện tích còn thiếu đối với căn hộ mà hai bên có hợp đồng mua bán.
Do hợp đồng có tranh chấp về giá căn hộ theo ngoại tệ nên dừng thanh toán không vi phạm nghĩa vụ thanh toán nên không có cơ sở chấm dứt hợp đồng, nên tòa bác phản tố của Keangnam./.