Báo động nạn hành xử kiểu “xã hội đen”

Các băng nhóm có tổ chức được thành lập với mục đích ban đầu không phải để phạm tội mà nhằm điều hành các hoạt động phi... Khi tranh chấp không được giải quyết sẽ dẫn đến những hành động phạm tội.

Liên tiếp mấy ngày gần đây, ở hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh xảy ra những vụ côn đồ có tổ chức, sử dụng vũ khí nóng thanh toán nhau, gây mất trật tự trị an. Theo thông tin điều tra ban đầu của cơ quan công an, tất cả những vụ việc này đều xuất phát từ mâu thuẫn trong việc nợ tiền thanh toán theo kiểu “tín dụng ngầm”. Điều đáng báo động ở đây là sự xuất hiện của những băng nhóm được tổ chức để tiến hành các hoạt động phi pháp và sẵn sàng phạm tội khi có mâu thuẫn xảy ra.

Trước đây, những băng nhóm tội phạm có tổ chức như Năm Cam, Khánh “trắng”, Dung Hà... được thành lập với mục đích phạm tội rõ ràng, thường hoạt động theo hình thức bảo kê, dùng vũ lực trấn áp các chủ doanh nghiệp để buộc họ phải chi tiền hàng tháng, hoặc nhận tiền để thực hiện các hành vi phạm tội. Đó là những tổ chức tội phạm ở mức cao, song do sự đấu tranh quyết liệt của các cơ quan chức năng nên đã lần lượt bị triệt phá.

Cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường thì mặt trái của nó cũng xuất hiện với nhiều hình thức, trong đó điển hình là các hoạt động “tín dụng ngầm”. Ở đó, các quan hệ hợp đồng chủ yếu là cho vay, có hoặc không có thế chấp, cầm cố hay hoạt động cá cược. Và dĩ nhiên, do hoạt động ngầm nên các quan hệ này không chịu sự điều chỉnh của các chế tài pháp luật. Khi có tranh chấp xảy ra thường được giải quyết thông qua thỏa thuận miệng, nếu không thể thỏa thuận bằng miệng thì dùng vũ lực. Từ đó xuất hiện các băng nhóm có tổ chức được thành lập với mục đích ban đầu không phải để phạm tội mà nhằm điều hành các hoạt động phi pháp như cho vay, cầm cố, cá độ... Khi tranh chấp không được giải quyết sẽ dẫn đến những hành động phạm tội.

Như vậy, đấu tranh chống lại các băng nhóm hoạt động phi pháp là yêu cầu quan trọng để phòng ngừa tội phạm có tổ chức. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hiện nay, Bộ Luật Hình sự nước ta mới chỉ quy định tội phạm có tổ chức gồm 2 loại. Thứ nhất là tội phạm có tổ chức có dấu hiệu định tội là hành vi khách quan của tội phạm, hoặc hành vi tổ chức việc thực hiện hành vi phạm tội của người khác như các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội tổ chức đánh bạc, tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý... Loại tội phạm thứ hai, phần lớn hành vi có tổ chức được coi là tình tiết tăng nặng khung hình phạt hoặc tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với các loại tội phạm khác.

Do đó, các quy định của Bộ Luật Hình sự mới chỉ cho phép đấu tranh chống các tổ chức tội phạm thông qua việc đấu tranh chống các hành vi phạm tội do các tổ chức đó thực hiện. Bộ luật hình sự hiện hành chưa tạo cơ sở pháp lí để đấu tranh trực tiếp và ngăn chặn kịp thời sự hình thành và tồn tại của các tổ chức tội phạm.

Trở lại với hai vụ án gần đây nhất là vụ thanh toán nhau do mẫu thuẫn trong việc cho vay cầm cố xảy ra trên đường Láng - Hòa Lạc (Hà Nội) và vụ bắn nhau để đòi nợ tiền cá độ xảy ra ở thành phố Hồ Chí Minh. Điều đáng nói là những vụ việc này xảy ra đều có tổ chức, có chuẩn bị kỹ càng, do những băng nhóm được hình thành để điều hành các hoạt động phi pháp như cá độ, cho vay, cầm cố không tuân thủ các quy định của pháp luật. Rõ ràng, các băng nhóm này đã được thành lập để nhằm mục đích hoạt động trái pháp luật, sẵn sàng tiến hành các hành vi phạm tội khác như giết người, cố ý gây thương tích... để giải quyết mâu thuẫn.

Vì vậy, vấn đề đặt ra ở đây là cần có biện pháp ngăn chặn việc hình thành các băng nhóm này ngay từ khi mới manh nha, chứ không thể chờ đến lúc các băng nhóm này gây ra trọng án mới xử lý theo pháp luật. Ở đây, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền địa phương là rất lớn, bởi những băng nhóm này không chỉ mới được tổ chức mà đã có thời gian hoạt động. Có những sự việc xảy ra do mâu thuẫn giữa các nhóm này, nhưng chính quyền chưa giải quyết thỏa đáng nên các nhóm đã tự giải quyết bằng súng đạn như vụ bắn nhau trên ngã ba Bạch Hạc, Việt Trì (Phú Thọ) vừa qua.

Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự nên có thêm quy định coi những hành vi thành lập, tham gia hoặc hỗ trợ tổ chức có mục đích thực hiện các hoạt động trái pháp luật là phạm tội, chứ không nên chỉ dừng lại ở việc quy định hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức tội phạm đặc biệt như các tội xâm phạm an ninh quốc gia mới là tội phạm có tổ chức.

Hậu quả của việc hình thành, tồn tại và phát triển các tổ chức tội phạm nêu trên không chỉ thể hiện ở các loại tội phạm do các tổ chức tội phạm đó gây ra mà còn thể hiện ở việc gây nguy hại nghiêm trọng cho trật tự, an toàn công cộng. Ngay sự thành lập những tập hợp người có cùng mục đích hoạt động phi pháp mà chưa cần có hoạt động phạm tội cụ thể đã đe doạ gây nguy hại cho trật tự, an toàn công cộng. Việc đấu tranh chống các tổ chức tội phạm này cần phải được bắt đầu ngay khi các tổ chức đó mới được hình thành. Có như vậy, mới có thể hạn chế được sự hình thành và gia tăng của các tổ chức tội phạm cũng như ngăn chặn các loại tội phạm có tổ chức do các tổ chức tội phạm thực hiện./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên