Bắt 23 người nước ngoài lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Theo kết quả điều tra ban đầu, các đối tượng này nằm trong nhóm tội phạm có tổ chức, hoạt động xuyên quốc gia do một số người Đài Loan (Trung quốc) cầm đầu.
Chiều 15/10, Công an tỉnh Bình Dương họp báo thông tin việc lực lượng này phát hiện và tạm giữ 23 người nước ngoài sử dụng phương tiện công nghệ thông tin trái phép để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Qua công tác quản lý hành chính, quản lý cư trú người nước ngoài, vào lúc 0h15’ ngày 13/1/2010, lực lượng công an Bình Dương đã đồng loạt kiểm tra tạm trú ở nhà số C186 đường D33 - Làng chuyên gia The Oasis, xã An Phú, huyện Thuận An và nhà số 126 đường D1 khu dân cư Phú Hòa, phường Phú Hòa Thị xã Thủ Dầu Một.
Qua kiểm tra, lực lượng đã phát hiện 23 người gồm 10 người Đài Loan -Trung quốc- (đều là nam) và 13 người Trung Quốc (11 nữ và 2 nam) đang tạm trú, trong đó có 2 đối tượng không xuất trình hộ chiếu, 8 trường hợp không khai báo tạm trú.
Tại 2 điểm, lực lượng công an đã niêm phong tạm giữ 17 bộ đàm, 26 điện thoại bàn, 9 máy xách tay, 3 máy phát điện, 2 ti vi, 3 đường truyền băng thông rộng của FPT và VNPT, một số kịch bản dùng để lừa đảo (một số bị đối tượng phi tang) và một số thiết bị đấu nối.
Theo kết quả điều tra, các nhóm tội phạm này từng hoạt động tại Trung Quốc, Đài Loan và Thái Lan... bị cơ quan chức năng phát hiện, truy quét nên tìm cách xâm nhập vào Việt Nam lẩn trốn và tiếp tục họat động.
Cũng như các vụ trước đây, cơ quan công an đã triệt phá tại TP HCM và Cần Thơ thì nhóm tội phạm này cũng sử dụng phương tiện kỹ thuật liên lạc qua mạng internet, giả danh nhân viên các công ty điện thoại, cán bộ cơ quan công an, tòa án... của Trung Quốc.
Trong mỗi kịch bản (tịch thu được), chúng đều phân ra quy trình nhiều bước đưa thông tin làm nạn nhân tin tưởng, từ đó cung cấp thông tin tài khoản cá nhân và chấp nhận chuyển tiền vào tài khoản do chúng đưa ra.
Để tăng độ tin cậy khi liên lạc với người bị hại, các đối tượng này còn sử dụng một nhóm người và phương tiện tạo ra âm thanh giả (tiếng gõ bàn phím máy tính, tín hiệu và cuộc nói chuyện qua bộ đàm hoặc trực tiếp trao đổi) giống như đang ở trụ sở làm việc khiến cho người nghe lầm tưởng đang được đàm thoại với cán bộ cơ quan bảo vệ pháp luật có trách nhiệm giải quyết vụ việc của mình nên chấp nhận chuyển tiền sang các tài khoản của chúng để được đảm bảo an toàn hơn.
Tsou Yung Cheng (32 tuổi) và Hsu Yung Shun (45 tuổi), người Đài Loan cầm đầu 2 nhóm ở địa điểm nêu trên đã thừa nhận hành vi phạm tội trước cơ quan công an.
Với các tài liệu chứng cứ thu thập được, có thể khẳng định đây là loại tội phạm mới, sử dụng công nghệ cao, thủ đoạn tinh vi và xuyên quốc gia.
Các đối tượng sử dụng địa bàn Việt Nam (visa du lịch) làm nơi đứng chân thực hiện tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người nước ngoài gây ảnh hưởng lớn tới an ninh xã hội của nước ta.
Đối tượng cầm đầu băng nhóm tội phạm là người Đài Loan thuê mướn, lôi kéo số đối tượng người Trung Quốc nhằm phục vụ cho kịch bản lừa đảo nhắm vào chủ thẻ tín dụng là người Trung Quốc.
Tuy chưa phát hiện có tội phạm hoặc bị phạm là người Việt Nam nhưng không thể loại trừ có thể xảy ra nếu không được phát hiện ngăn chặn kịp thời.
Hiện vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra làm rõ và sẽ xử lý theo quy định của pháp luật./.