Bắt cóc bé sơ sinh trong bệnh viện: Bài học đắt giá cho hành động mù quáng
VOV.VN - Theo luật sư, vụ án xảy ra cũng là bài học đắt giá cho người phụ nữ bắt cóc, vì mù quáng, khát khao làm mẹ mà họ đã không còn sự tỉnh táo và chắc chắn họ sẽ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật.
Ngày (5/11), Công an TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đang củng cố hồ sơ xử lí người phụ nữ bắt cóc trẻ sơ sinh trong Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương.
Theo nguồn tin của phóng viên, người phụ nữ bắt cóc bé gái sơ sinh ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương tên T.T.N.T (18 tuổi, quê Bến Tre), tạm trú tại xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Bước đầu công an xác định, người phụ nữ này bị bệnh u nang buồng trứng, đã sảy thai 1 lần, khả năng có con rất thấp. Với áp lực của gia đình và mong muốn có con, T., giả vờ mang bầu, sau đó thực hiện hành vi bắt cóc cháu bé về nuôi.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, trưởng văn phòng Luật Kết nối cho rằng, người phụ nữ bắt cóc vì hoàn cảnh, gia đình hiếm muộn con cái, ước mơ, khao khát làm mẹ, áp lực gia đình quá lớn nên đã tìm cách lừa dối gia đình, giả việc mang thai. Để rồi hợp thức hóa việc sinh đẻ đã thực hiện bằng cách bắt cóc chiếm đoạt con người khác.
Hành vi của đối tượng vừa đáng thương, vừa đáng giận và đương nhiên sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về sai lầm của mình. Theo luật sư Hùng, hành vi bắt cóc trẻ sơ sinh là trái pháp luật hình sự, tính chất, mức độ hành vi là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền nhân thân của công dân, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của trẻ em, gây mất an ninh, an toàn trật tự xã hội. Hành vi này trái pháp luật, ảnh hưởng đến tâm lý của những người làm mẹ, cũng như bệnh viện nơi cháu bé bị bắt cóc.
Dù hành vi đã được ngăn chặn kịp thời, không để xảy ra bất cứ hậu quả đáng tiếc nào xảy ra, nhưng hành vi đã hoàn thành.
Mục đích hành vi phạm tội chỉ là chiếm đoạt trẻ em một cách bất hợp pháp để về nuôi dưỡng, chăm sóc, chứ không có bất cứ mục đích nào khác về tài sản, hay buôn bán người. Đối tượng cũng không có bất cứ yêu cầu gì về vật chất.
“Hành vi bồng bột, riêng lẻ, không có sự bàn bạc, tổ chức, không có tính chất chuyên nghiệp. Thủ đoạn hành vi là gian dối, giả mạo mẹ cháu bé, làm cho các bác sĩ, y tá tin tưởng để bế cháu bé đi. Đối tượng của hành vi phạm tội chính là trẻ sơ sinh, cũng là người đưới 16 tuổi”- luật sư Hùng phân tích.
Trong vụ việc này, luật sư Hùng khẳng định, nghi phạm T., thế thỏa mãn dấu hiệu tội phạm về tội danh “Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi” theo điều 153 Bộ luật hình sự với khung hình phạt cao nhất có thể lên đến 15 năm tù.
Tuy nhiên, có thể xét từ góc độ các hành vi, tính chất mức độ, cháu bé cũng không bị tổn hại sức khỏe, tinh thần thế nên hành vi này có thể xem xét ở Khoản 1 điều 153 Bộ luật hình sự.
Vụ án này xảy ra cũng là bài học đắt giá cho người phụ nữ bắt cóc, vì mù quáng, khát khao làm mẹ mà họ đã không còn sự tỉnh táo và chắc chắn họ sẽ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật.
Vị luật sư này nêu quan điểm, qua vụ án này cũng cảnh tỉnh cho nhiều gia đình có hoàn cảnh tương tự. Chúng ta nên đồng hành, động viên, ủng hộ, giúp đỡ họ chứ không nên tìm cách gây áp lực cho những người phụ nữ hiếm muộn con cái. Việc sinh con, có con cũng là chữ duyên, có nhiều giải pháp y tế tiến bộ có thể can thiệp được.
Mong rằng khi xử lý hình sự với người phụ nữ trên cũng có thể cảm thông, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho họ, tạo điều kiện để cho họ có cơ hội làm lại cuộc đời.
Qua vụ việc này, theo luật sư Hùng, cũng cho thấy trách nhiệm của bệnh viện, không kiểm soát chặt chẽ, không tra thông tin, có quy trình đầy đủ để lọt người lạ mặt vào thăm nom, bế trẻ đi. Vụ án dù có đi theo hướng nào đi nữa, các bên cũng cần rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc cho mình và các bệnh viện cũng cần nâng cao cảnh giác hơn nữa trong việc giám sát và không cho phép những người lạ mặt được quyền tiếp cận đến các cháu bé sơ sinh, để hạn chế tối đa những hành vi tương tự có thể xảy ra trong tương lai.