"Bầu" Kiên cho rằng không lừa đảo hay cố ý làm trái
VOV.VN -“Tôi không phạm tội như cáo trạng ghi. Tôi không làm điều gì ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ của đất nước”.
11h40: Tòa tạm nghỉ. Phiên xét xử tiếp tục diễn ra vào 14h chiều nay.
"Tôi không can thiệp cụ thể vào hoạt động của ACBS. Khi PWC kiểm toán, tôi bất ngờ vì có hàng trăm cổ phiếu để đầu tư, tại sao phải đầu tư vào cổ phiếu ACB làm gì. ACB không đáng phải chịu rủi ro khi đầu tư vào cổ phiếu này", Hải nói.
>> Bị cáo Nguyễn Đức Kiên: "Tôi làm, tôi dám chịu trách nhiệm"
Hải cũng cho biết: "Vào thời điểm 2009, tình hình huy động vốn khó khăn, sử dụng vốn trên thị trường liên ngân hàng rất khó khăn. Nhiều ngân hàng từ chối trả. Tôi chủ trương cho cá nhân đi gửi tiền vì ít rủi ro hơn và dàn trải rủi ro hơn. Kế toán trưởng được giao nhiệm vụ điều hành tất cả, chỉ báo cáo với tôi về tổng tiền gửi và khi có sự cố".
11h10: Khi xảy ra hậu quả thì quy kết trách nhiệm trên cơ sở nào?- luật sư hỏi bị cáo Nguyễn Đức Kiên.
Bị cáo Kiên: "Cá nhân không phải chịu trách nhiệm bồi hoàn vật chất nếu quyết định của HĐQT là sai".
Luật sư hỏi Nguyễn Đức Kiên để làm rõ hành vi của Lý Xuân Hải thì Kiên cho biết tất cả cả các quyết định thuộc lãnh đạo HĐQT quyết.
10h55: Luật sư chuyển sang hỏi Lý Xuân Hải- nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng ACB để xác nhận lại quá trình ra chủ trương và ký ủy thác cho các nhân viên đi gửi tiền.
Bị cáo có biết 718 tỷ đồng bị Huyền Như chiếm đoạt của ACB?- Luật sư hỏi.
“Tôi có biết và mong muốn biết hậu quả của việc chiếm đoạt này càng sớm càng tốt”, bị cáo Hải trả lời. Hải cho rằng cần được giải thích đầy đủ về hành vi của Huyền Như, vì điều này quyết định đến việc quy tội cho bị cáo.
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Hòa - Kế toán trưởng ACB cho biết đã chỉ định phân công 19 người đem tiền đi gửi trên cơ sở đã được HĐQT phê chuẩn. Việc đi gửi tiền, trình tự đi gửi, chứng từ mang về đều được báo cáo đầy đủ và đúng quy định. Nếu nhân viên của 1 ngân hàng khác gửi ở NH ACB rồi một người khác đi rút thì ACB cũng sẽ chịu trách nhiệm.
10h50: Bị cáo Nguyễn Đức Kiên tiếp tục cho rằng mình vô tội: “Tôi khẳng định tôi không phạm tội như cáo trạng ghi. Tôi không làm điều gì ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ của đất nước”.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên tại phiên xét xử sáng 26/5 |
Trả lời câu hỏi của luật sư về tội lừa đảo Hòa Phát khi thực hiện thuận với ông Trịnh Đình Long, bị cáo Kiên khẳng định: “Cho đến khi bị bắt, tôi đã thực hiện thỏa thuận của tôi với anh Long (chủ tịch Hòa Phát), thực tế là thỏa thuận cung ứng dịch vụ theo điều 74 Luật Thương mại, gồm các nội dung: Hợp đồng chuyển nhượng cổ phiếu của BĐS Hòa phát do ACI nắm giữ cho MTV Hòa Phát, tôi là người đem 264 tỷ này làm hợp đồng hoán đổi cổ phiếu và tôi thông qua em gái tôi mua cổ phiếu".
Kiên khẳng định, bản thân Thanh, Chị Yến không gian dối trong thực hiện hợp đồng chuyển cổ phiếu cho Tập đoàn Hòa Phát. Sai sót chỉ là nghiệp vụ chứ không phải lừa đảo.
Về hành vi cố ý làm trái, bị cáo Nguyễn Đức Kiên nói: “Sau 21 tháng bị giam, đến ngày hôm nay tôi cũng không rõ vì sao tôi bị bắt giam và bị truy tố vì tội cố ý làm trái vì vai trò của tôi ở ACB được phân biệt theo 2 thời kỳ. Sau 2008 đến khi bị bắt, tôi chỉ làm tư vấn, không có giá trị gì trong việc đưa ra quyết định của HĐQT ACB nhưng tôi sẵn sàng chia sẻ khó khăn với HĐQT trong ngày hôm nay. Tôi không chỉ đạo bất kỳ điều gì với bất kỳ thành viên nào”.
Bị cáo Kiên cũng cho rằng giám định viên đã mắc một số sai lầm cơ bản khi "quên mất Bộ tài chính có văn bản miễn giảm cho các DN Vừa và nhỏ 30% trên thuế thu nhập vào thời điểm đó. Giám định viên đã quên quy định tối thiểu của pháp luật. Đại diện Bộ Tài chính và giám định viên nói căn cứ vào 5 tài liệu để kết luận. Tôi cho rằng có 2 tài liệu quan trọng mà CQĐT không chuyển cho họ là phụ lục giữa tôi và Hương, biên bản xác nhận số lỗ của công ty B&B vào ngày 31/12 là 268 tỷ. 2 tài liệu này thể hiện đúng bản chất kinh doanh của công ty".
10h30: Tòa tiếp tục phần xét hỏi
"Bầu" Kiên: "Sau 2008 tôi chỉ làm tư vấn, không có giá trị gì trong việc đưa ra quyết định của HĐQT ACB" |
10h15: Tòa nghỉ giải lao
10h00: Tòa hỏi đại diện kiểm toán PWC về việc kiểm toán đối với ACBS trong quá trình có phát hiện sai sót của đơn vị này hay không.
Việc kiểm toán ACBS có 2 nội dung: rà soát BCTC 6 tháng và kiểm toán BCTC hợp nhất.
Đại diện PWC cho biết: “Trong cuộc rà soát 6 tháng chúng tôi có biết về hợp đồng của của ACBS với ACI. Tuy nhiên không phát hiện vấn đề gì giữa 2 công ty”.
Quá trình thực hiện hợp đồng có vi phạm không, tòa hỏi?
Đại diện PWC: “Thời điểm chúng tôi thấy hợp đồng này vào tháng 7, chúng tôi có hỏi như một hoạt động của quy trình kiểm toán. Và nhận được bản kê chi tiết về các khoản đầu tư của ACI. Bảng kê này chúng tôi thấy nhiều danh mục đầu tư của ngân hàng và đầu tư mua cổ phiếu của ACB.
Với thông tin này chúng tôi đã trao đổi với ông Hải (Lý Xuân Hải, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB) có nhận biết không. Ông Hải tỏ ra ngạc nhiên và tức giận nói sẽ tìm hiểu chi tiết vấn đề này. Sau đó ở một bảng kê chi tiết khác gửi cho chúng tôi không còn khoản đầu tư trái phiếu này nữa".
Cũng theo vị đại diện này, đối với ông Hải, đó là một thông tin mới và ông ấy muốn tìm hiểu xem thực sự những giao dịch đó là như thế nào. Đơn vị này không khuyên khách hàng loại bỏ khoản đầu tư này mà khuyên nên tìm hiểu thông tin xem giao dịch đó có xảy ra hay không. Nếu đã xảy ra, khách hàng cần đánh giá việc hợp pháp hay không của giao dịch.
Ngày 23/5, trả lời thẩm vấn HĐXX việc ACBS thông qua ACI để mua cổ phiếu ngân hàng ACB, nhưng tiền là của ACBS cấp cho ACI (nguồn tiền chính là của ngân hàng ACB), bị cáo Phạm Trung Cang cho rằng không trái với quy định của pháp luật.
HĐXX hỏi, sau khi công ty kiểm toán vào, phát hiện vụ việc, thì kiểm toán đã cảnh báo Ngân hàng ACB như thế nào? Bị cáo Cang đáp “có nghe vụ việc nhưng chỉ nghe là có cảnh báo bằng miệng không phải bằng văn bản. Bị cáo Cang lúc đó cũng đề nghị thanh lý hợp đồng để tránh phức tạp”.
Nói về chủ trương của thường trực HĐQT về việc thực hiện chủ trương mua cổ phiếu, bị cáo Cang cho biết, trong cuộc họp có bàn về mua cổ phiếu, trong đó có cổ phiếu của ngân hàng ACB. Tuy nhiên, đến khi ra quyết định cuối cùng, ủy quyền cho Kiên chỉ đạo việc đầu tư cổ phiếu, thường trực HĐQT không có chủ trương mua cổ phiếu của đơn vị nào. Do đó, bị cáo Cang cho rằng: “Ai làm, thì người đó chịu”.
9h40: Bị cáo Kiên trả lời luật sư cho biết mình chịu trách nhiệm hoàn toàn trách nhiệm cá nhân với tư cách là Chủ tịch ACB.
Liên quan câu hỏi của luật sư, bị cáo Kiên cho rằng không được chứng kiến phần thẩm vấn của Thanh nên không nhận xét về lời khai của Thanh.
"Nhưng theo tôi hiểu, anh Thanh và chị Yến (hai nhân viên dưới quyền) tin tưởng vào tôi nên đã thực hiện chỉ thị. Trước khi có lệnh khởi tố, chúng tôi đã yêu cầu cơ quan công an không hình sự hóa một hoạt động kinh tế như vụ này. Tôi đã nói tôi chịu trách nhiệm cá nhân để thép Hòa Phát không chịu bất kỳ thiệt hại nào", Kiên nói.
9h30: Luật sư hỏi bị cáo Trần Ngọc Thanh - nguyên Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội về việc chuyển nhượng cổ phiếu, việc Nguyễn Đức Kiên có thường xuyên có mặt ở ACB.
9h12: Bà Đặng Ngọc Lan (vợ bầu Kiên) xin phép trả lời xét hỏi của luật sư vào buổi chiều
>> Vợ "bầu" Kiên: "Tôi tin tưởng vào chồng nên thấy không có gì là sai"
Liên quan hành vi “trốn thuế”, ngày 22/5, Hội đồng xét xử đã tiến hành thẩm vấn bà Đặng Ngọc Lan (vợ của bị cáo Nguyễn Đức Kiên, Tổng Giám đốc Công ty B&B). Đặng Ngọc Lan cho rằng việc làm Tổng Giám đốc là do chồng bảo, mọi hoạt động kinh doanh không nắm được mà do Nguyễn Đức Kiên nắm và quyết định.
9h05: Luật sư hỏi về hành vi trốn thuế, kiểm tra thuế… Đại diện ngành Thuế về thẩm quyền của cơ quan thuế trong việc xác nhận hợp đồng ủy thác của Công B&B có bất hợp pháp hay không?
Đại diện Bộ Tài Chính cho biết: 5 hồ sơ cơ quan điều cung cấp không thể chứng minh đầy đủ thuế nếu không được kê khai đầy đủ.
Đại diện ngành Thuế cho rằng có những vấn đề ngành thuế không thể trả lời thay cơ quan điều tra.
8h45: Tham gia phần xét hỏi, Luật sư Hoàng Minh Hùng tiếp tục đặt một loạt câu hỏi về việc góp vốn cổ phần của doanh nghiệp. Luật sư hỏi đại diện Ngân hàng Nhà nước: Các công ty có phải đăng ký góp vốn cổ phần hay không…Đại diện Ngân hàng Nhà nước: "Chúng tôi yêu cầu doanh nghiệp phải nộp hồ sơ góp vốn".
8h40: HĐXX bắt đầu phiên xét xử. Tòa yêu cầu luật sư hỏi thẳng vàò câu hỏi và tích cực tranh luận.
8h35: Lúc này các bị cáo đang tranh thủ trao đổi với luật sư
8h30: Theo quan sát, các bị cáo, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đã xuất hiện tại phòng xét xử.
>> ACB truy vấn Vietinbank về 718 tỉ đồng
8h15: Hiện nay, chưa có tín hiệu trên màn hình hình ảnh nối từ phòng xét xử tới phòng phóng viên theo dõi phiên tòa.
Trong ngày xét xử trước (24/5), các luật sư đưa ra các câu hỏi với những người liên quan và các bị cáo để làm rõ các hành vi bị truy tố tại Tòa.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên |
Theo đó, luật sư Vũ Xuân Nam – bảo vệ quyền lợi cho "bầu" Kiên đã đưa ra hàng loạt câu hỏi với đại diện Ngân hàng Nhà nước như: Người dân đi gửi tiền cho Ngân hàng có phải là lĩnh vực liên quan đến ngân hàng không?; Người dân đi gửi có phải được Ngân hàng cho phép không, cấp giấy phép cho người dân đi gửi tiền không? Khi người dân đem tiền đi gửi, ngân hàng có xác định là nguồn tiền của ai không? Người dân đi gửi tiền, nộp tiền vào tài khoản, đối với người dân có phải là hoạt động của ngân hàng không?...
Đại diện NHNN liên tiếp từ chối trả lời câu hỏi của luật sư với lý do, không thuộc lĩnh vực mình quản lý, không nhớ hết, đã được trả lời rồi.
Theo cáo trạng của VKSND, Nguyễn Đức Kiên – nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) sẽ bị truy tố về 4 tội danh là “Kinh doanh trái phép”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Trốn thuế”.
Bị cáo Trần Ngọc Thanh, Nguyễn Thị Hải Yến - nguyên Giám đốc và nguyên Kế toán trưởng Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội cùng bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Các bị cáo Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Lý Xuân Hải, Phạm Trung Cang và Huỳnh Quang Tuấn (đều từng là lãnh đạo và cán bộ ACB) cùng bị đưa ra xét xử về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu nghiêm trọng”.
1./. Bị cáo Nguyễn Đức Kiên (50 tuổi, nguyên chủ tịch hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng sáng lập ACB).
2./. Bị cáo Lê Vũ Kỳ (58 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB)
3./. Bị cáo Trịnh Kim Quang (60 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB)
4./. Bị cáo Phạm Trung Cang (60 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB)
5./. Bị cáo Lý Xuân Hải (49 tuổi, nguyên tổng giám đốc Ngân hàng ACB)
6./. Bị cáo Huỳnh Quang Tuấn (56 tuổi, nguyên thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng ACB)
7./. Bị cáo Trần Ngọc Thanh (62 tuổi, nguyên giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội)
8./. Bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến (45 tuổi, nguyên kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội)
Đối với ông Trần Xuân Giá (75 tuổi, nguyên chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB) được tòa quyết định tạm đình chỉ vụ án. Khi nào lý do đình chỉ không còn sẽ khôi phục vụ án.