Bẫy "ngọt ngào" và nước mắt lao động vượt biên trái phép
VOV.VN - Huy, một nạn nhân vừa được gia đình cứu về cho biết, trước khi sang Campuchia, anh được hứa hẹn chỉ trông coi tiệm game, được trả lương cao. Nhưng khi bước chân vào, Huy mới biết mình bị lừa.
Thời gian gần đây, tình trạng môi giới, đưa người vượt biên trái phép sang Campuchia lao động "chui" diễn biến phức tạp. Hành vi vi phạm pháp luật này không chỉ gây nhiều hệ lụy như lừa đảo, tống tiền, người lao động bị xâm hại sức khỏe…, mà còn gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác quản lí lao động xuất nhập cảnh, đảm bảo an ninh biên giới Tây Nam.
Nghe lời đường mật, nhận đắng cay…
"Lúc qua đất Campuchia chưa biết bị bán. Khi chở vào đến công ty, lúc ngồi tôi xin bảo vệ đi ra thì không ra được. Sau đó, hỏi ra thì mới biết mình đã bị bán".
"Em có lướt Facebook thì thấy các bài đăng tuyển dụng qua Campuchia làm việc trên máy tính nên đăng ký. Họ hứa hẹn đủ điều và mỗi tháng trả 900 USD nhưng thực tế 2 tháng em chỉ nhận được 200 USD, họ trừ các kiểu".
"Một tuần phải lừa được 2 người với 10 triệu đồng tiền mặt, nếu không làm được họ sẽ phạt tăng ca. Trung bình mỗi ngày chúng em làm tầm 15-16 tiếng, chỉ làm thôi. Mình đi vệ sinh rồi quay lại chứ không được nghỉ ngơi, cứ làm miết".
Đó là chia sẻ của 3 nạn nhân người Việt Nam trong số rất nhiều nạn nhân trở về từ Campuchia sau khi bị dụ sập bẫy “việc nhẹ, lương cao” nơi xứ người.
Đã hai tháng trôi qua kể từ ngày được gia đình chuộc về nhưng Lê Anh Huy (sinh năm 2000, ở xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) vẫn bị ám ảnh khi nhớ về những ngày lao động “chui” ở Campuchia. Từ đầu tháng 6/2022, Huy được 2 người bạn cùng ở huyện Lộc Ninh gọi điện rủ qua Campuchia làm với mức lương từ 700 đến 1.000 USD/tháng. Nghe lời bạn, Huy bắt xe đò lên Bến xe miền Đông TP. HCM, sau đó cùng 4 người khác đi taxi lên cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) rồi xuất cảnh trái phép sang Campuchia theo sự dẫn dắt của người khác.
Trước khi đi, Huy được hứa hẹn làm nhân viên trông coi tiệm game nhưng thực tế khi tới Campuchia, Huy bị ép trở thành người chuyên lập các tài khoản Zalo, Facebook để dụ dỗ người khác nạp tiền vào các trang điện tử nhằm mục đích lừa đảo, hoặc không muốn làm thì phải dụ được người khác qua thế chỗ. Sống trong sợ hãi, Huy đã lén dùng tài khoản Facebook ảo cầu cứu tới chị gái ở quê nhà. Nghe tin, gia đình chạy vạy khắp nơi để có số tiền 65 triệu đồng nộp cho một đầu mối gọi là Công ty Quốc tế Sao Đỏ (nơi Huy làm việc tại Campuchia) để chuộc Huy về lại Việt Nam.
Giờ đã được về với gia đình, nhưng nhớ lại những ngày lao động "chui" tại Campuchia, Huy vẫn thấy sợ. Những tưởng đi làm có tiền giúp ba mẹ già nhưng nay lại mang thêm gánh nợ cho gia đình, Huy hy vọng các bạn khác cảnh giác hơn khi tìm việc, tránh những lời đường mật dụ làm việc lương cao ở xứ người.
“Các đối tượng hay đăng tải tìm việc trên mạng Facebook, do đó thấy cần tuyển mọi người đừng vào vì toàn là Facebook ảo, vô là bị lừa. Em mong các bạn đừng giống như em", Huy tâm sự.
Cũng từ sự rủ rê của bạn bè, hai đứa cháu nội (một người 20 tuổi và một người 26 tuổi) của bà Lê Thị A ở tỉnh Bình Phước cũng sang Campuchia làm việc gần 5 tháng nay. Qua những lần hai cháu lén lút nhắn tin về cho người thân, gia đình bà mới biết, khi sang Campuchia, cả hai không phải làm công nhân với mức lương cao như đã được hứa hẹn, mà hàng ngày phải lên mạng Internet để dụ dỗ người Việt chơi và nạp tiền vào game online. Mỗi ngày, các đối tượng quy định phải dụ được 5 người nạp tiền, nếu không sẽ phải tăng ca đến khi đủ số lượng. Vì vậy, có những ngày cả hai cháu của bà A phải làm việc thâu đêm, không được chợp mắt.
Bà Lê Thị A nghẹn ngào nói: "Nghe cháu nhắn muốn được chuộc về quê với gia đình mà đau lòng. Để chuộc người phải có 250 triệu đồng, trong khi ba mẹ của hai cháu đã bỏ nhau từ lâu, người mẹ đang làm công nhân, còn bà nội đã già, lấy đâu ra tiền chuộc".
“Sợ bên đó đánh đập cháu mình, tội nghiệp. Lo dữ lắm, khóc ngày đêm và chỉ biết cầu Trời khấn Phật cho cháu mạnh giỏi rồi từ từ tính tiếp chứ bây giờ không biết làm sao. Nếu người ta cho về thì sẽ bàn tính với chú nó để chạy thêm tiền chuộc các cháu", bà A tâm sự.
Ngoài bị chính người quen lừa đưa đi lao động lương cao ở Campuchia, gần đây có không ít người ở nhiều tỉnh, thành nước ta khi tìm việc làm trên Internet đã “sập bẫy”. Khi phát hiện mình bị lừa, họ cũng trở thành kẻ đặt bẫy bất đắc dĩ để đi lừa người khác theo chỉ đạo của những “ông chủ” trên đất Campuchia. Những việc mà họ phải làm là tham gia vào các ứng dụng hẹn hò để tán tỉnh rồi lừa đảo tài sản; hoặc trở thành các “chuyên gia” tư vấn lừa đảo người khác đầu tư chứng khoán, kiếm tiền ảo… Nếu không đạt "chỉ tiêu", họ sẽ bị đánh đập, thậm chí bị mua đi bán lại như một món hàng. Không thể tự giải thoát mình ở Campuchia, họ buộc phải cầu cứu gia đình ở Việt Nam trợ giúp hoặc liều mạng tìm cách trở về. Rất nhiều lao động người Việt đã nhận cái kết đắng như thế, nhưng dường như danh sách nạn nhân vẫn chưa dừng lại.
Lao động trái phép qua biên giới vẫn phức tạp
Thực tế gần đây, tình hình vượt biên lao động trái phép qua biên giới Tây Nam diễn biến phức tạp. Từ đầu năm 2022 đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước đã phát hiện 87 vụ xuất cảnh trái phép với 219 đối tượng; 68 vụ nhập cảnh không có giấy tờ hợp lệ với 192 đối tượng; Biên phòng tỉnh Tây Ninh cũng tiếp nhận, giúp đỡ 23 người bị lừa sang Campuchia lao động và trốn thoát về Việt Nam, hoặc gia đình nộp tiền chuộc trở về trình báo. Biên phòng tỉnh Long An đã bắt giữ hàng chục vụ vi phạm với trên 70 đối tượng xuất nhập cảnh trái phép.
Thượng tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Phòng phòng chống ma túy và tội phạm, thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Phước cho biết, Bình Phước hiện có đường biên giới dài 260,4 km, trong đó, có 232,6 km đường biên giới trên sông và 27,8 km đường biên giới trên đất liền tiếp giáp với 3 tỉnh của Vương quốc Campuchia. Do đường biên giới khá dài nên bộ đội biên phòng phải tăng cường trực gác.
“Sau khi dịch bệnh COVID-19 giảm, đã giảm bớt các chốt và hiện còn giữ 44 tổ chốt dọc tuyến biên giới của Bình Phước. Chúng tôi đang tăng cường các lực lượng và quản lý chặt chẽ đoạn biên giới mà Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Phước được giao", Thượng tá Nguyễn Tuấn Anh cho biết thêm.
Theo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, thời gian gần đây, số người tìm cách vượt biên có chiều hướng gia tăng, gây khó khăn cho công tác quản lí. Trong đó xuất hiện nhiều đối tượng thanh thiếu niên người Trung Quốc và một số quốc gia, thông qua cửa khẩu Việt Nam vượt biên trái phép sang Campuchia để đánh bạc. Các chủ sòng bạc đã chiêu dụ một số người Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc sang làm việc trong những đường dây đánh bạc trực tuyến xuyên biên giới. Nhiều trường hợp xuất cảnh bằng hộ chiếu, nhưng nhập cảnh trái phép vì bị sòng bạc giữ hết giấy tờ. Bên cạnh đó, cũng có trường hợp xuất nhập cảnh trái phép thông qua nhóm người môi giới việc làm, đường dây đưa rước.
Qua công tác nắm tình hình, trung bình mỗi ngày phát hiện vài chục người xuất nhập cảnh trái phép, có thời điểm lên đến 200 người, chủ yếu ở các tỉnh: Bình Phước, Tây Ninh, Long An, An Giang... Thực tế này đang đặt ra nhiều vấn đề đối với công tác bảo vệ biên giới, phòng chống mua bán người, ngăn ngừa xuất nhập cảnh trái phép, nhất là đang bước vào cao điểm mùa mưa và nước lũ về ở thượng nguồn khu vực biên giới Tây Nam.
Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, thời điểm này trên đường biên giới thời tiết rất phức tạp, lúc mưa, lúc nắng và nước nổi đã đổ về. Có những nơi không thể đi tuần bình thường được và cũng có những nơi không thể giám sát 24/24h được, bởi vì đồng nước đã ngập, nơi người dân sinh sống sát biên giới, chỉ cần 2 đến 3 lần đẩy xuồng là đã qua biên giới.
Hoạt động lôi kéo, buôn bán người qua biên giới được cơ quan chức năng nhận định ngày càng diễn biến phức tạp, với nhiều chân rết trên khắp các tỉnh thành, hoạt động tinh vi với nhiều thủ đoạn trên không gian mạng Internet khiến nhiều người sập bẫy. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và các đơn vị có liên quan đang tổng lực kiểm tra, rà soát khu vực đường biên. Bên cạnh việc tăng cường đấu tranh, truy bắt quyết liệt, nhà chức trách Việt Nam cũng khuyến cáo người dân đặc biệt cảnh giác trước những lời mời chào việc nhẹ, lương cao từ bên kia biên giới. Nhưng về lâu dài, cần giải pháp để ngăn chặn vấn nạn vượt biên lao động trái phép và những hệ lụy./.