Bình Dương: Lập dự án "ma" chiếm đoạt 123 tỷ đồng
VOV.VN - Theo lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về bất động sản ở Bình Dương vẫn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua mua bán, chuyển nhượng bất động sản chiếm hơn 80% số vụ án do lực lượng cảnh sát kinh tế thụ lý, giải quyết.
Từ năm 2020 đến tháng 9/2023, Cơ quan điều tra, Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố 5 vụ án với 11 bị can liên quan đến thủ đoạn phạm tội bằng cách lập các dự án "ma" để lừa đảo, chiếm đoạt số tiền 123 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra đã tiến hành điều tra, chuyển Viện kiểm sát nhân dân đề nghị truy tố 5 vụ 11 bị can. Trong đó, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương đã xét xử 3 vụ, 8 bị cáo với mức án cao nhất là 20 năm tù, thấp nhất 7 năm tù.
Lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương dự báo, tình hình lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến lĩnh vực bất động sản, dự án "ma” , doanh nghiệp "ma" vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, tính chất, mức độ sẽ tinh vi hơn, xu hướng hoạt động sẽ kín đáo, chặt chẽ hơn.
Các đối tượng lợi dụng mạng xã hội để quảng cáo, mua bán nên lực lượng công an khó kiểm soát. Thủ đoạn phổ biến là thành lập doanh nghiệp "ma", văn phòng "ma", văn phòng "ảo" để giao dịch bất động sản; thành lập doanh nghiệp, xin dự án sau đó phân lô và thông quá các doanh nghiệp thứ cấp để chào bán dưới dạng hợp đồng góp vốn, hợp tác kinh doanh.
Ngoài các thành phố lớn của tỉnh, các đối tượng sẽ mở rộng ra các địa bàn có đầu tư mới về cơ sở hạ tầng, phát triển khu công nghiệp như huyện Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, Bàu Bàng.
Để phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, Công an tỉnh sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp; đồng thời tuyên truyền, khuyên cáo người dân khi có nhu cầu đầu tư, kinh doanh bất động sản phải tìm hiểu kỹ thông tin, tính pháp lí, quy hoạch sử dụng thông qua chính quyền địa phương để tránh bị các đối tượng lợi dụng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.