Bộ Tư pháp sẽ kiểm tra việc bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn
VOV.VN - Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước Nguyễn Văn Bốn xác nhận các thủ tục chi trả tiền bồi thường 7,2 tỷ đồng cho ông Nguyễn Thanh Chấn đã hoàn tất.
Trong buổi họp báo công tác tư pháp quý 3 do Bộ Tư pháp tổ chức sáng 16/10 tại Hà Nội, một trong những vấn đề được các phóng viên quan tâm là trách nhiệm bồi thường nhà nước trong vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang.
Đại diện Bộ Tư pháp khẳng định: Theo báo cáo, Tòa cấp cao tại Hà Nội đã chi trả cho ông Nguyễn Thanh Chấn số tiền là 7,2 tỉ đồng. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp sẽ kiểm tra lại xem vì sao đến nay, số tiền này vẫn chưa đến tay ông Nguyễn Thanh Chấn.
|
Liên quan đến việc bồi thường án oan cho ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Bốn xác nhận các thủ tục chi trả tiền bồi thường 7,2 tỷ đồng cho ông Nguyễn Thanh Chấn - người bị kết án oan suốt 10 năm - đã hoàn tất. Tuy nhiên, trên thực tế, gia đình ông Chấn khẳng định, họ chưa nhận được tiền cũng như thông báo về kế hoạch chi trả bồi thường.
Giải thích về việc này, đại diện Bộ Tư pháp cho biết, Bộ Tài chính báo cáo "đã cấp tiền bồi thường". Còn việc tiền chưa đến tay ông Chấn thì Bộ Tư pháp sẽ xem lại còn vướng mắc ở khâu nào.
Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cũng xác nhận thông tin Bộ Tài chính đã cấp tiền. Theo ông Dũng, năm 2015 có gần 100 vụ việc bồi thường được thụ lý, trong số này hơn 40 vụ đã được giải quyết. Tổng số tiền nhà nước chi trả trong các quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật là hơn 16 tỷ đồng.
Ngoài ra, TAND các cấp đã thụ lý 21 vụ kiện dân sự về bồi thường nhà nước do người bị thiệt hại không đồng ý với quyết định giải quyết của cơ quan có trách nhiệm. Trong số này, ngành tòa án đã giải quyết xong 14 vụ việc với số tiền bồi thường hơn 26 tỷ đồng.
Trả lời các cơ quan báo chí về chậm giải quyết các vụ bồi thường, ông Nguyễn Văn Bốn cho biết: Nguyên nhân chủ quan là do nhận thức của một bộ phận công chức lãnh đạo cơ quan đơn vị về bồi thường nhà nước còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ làm công tác này chủ yếu là kiêm nhiệm.
Còn khách quan là do số vụ việc liên quan đến bồi thường nhà nước trong năm 2015 chủ yếu là những vụ việc phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp liên ngành. Đồng thời, trong một số trường hợp, người bị thiệt hại đưa ra yêu cầu bồi thường rất lớn, gây khó khăn khi giải quyết vụ việc.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Bốn, nguyên nhân cơ bản là do những bất cập trong quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước.
“Quy định của Luật hiện hành là quy định theo mô hình phân tán, từ cấp xã cho đến trung ương đều là cơ quan giải quyết bồi thường. Và cơ quan gây ra thiệt hại trực tiếp giải quyết bồi thường thiệt hại với người bị thiệt hại, điều này cũng ảnh hưởng đến quá trình giải quyết. Bên cạnh đó, quy định về trình tự, thủ tục giải quyết vẫn còn nhiều bất cập”, ông Bốn phân tích./.