"Bom hàng" giữa dịch bệnh, hành vi khó chấp nhận

VOV.VN - Cần có quy định, hướng dẫn rõ ràng, thống nhất hơn về quá trình tiếp nhận đơn hàng, giao hàng, thanh toán để kiểm soát tốt hơn.

Bắt đầu từ 0h ngày 23/8, TP.HCM tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội, việc đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm cho người dân trong thời gian này được đặt lên hàng đầu, chính vì vậy các phường, xã tại TP đã tổ chức thực hiện việc đi chợ giúp người dân. Tuy nhiên, nhiều địa phương phản ánh tình trạng cán bộ đi chợ giúp nhưng đến lúc giao lại không có người nhận, một số trường hợp người dân cho biết, "chỉ là đặt thử".

 “Đặt thử” để kiểm tra xem thông tin về việc đi chợ hộ đó thật không?

Theo UBND phường An Phú, TP Thủ Đức, TPHCM, trong đợt giao hàng cho người dân vào ngày 27/8 vừa qua, phường phát hiện gần 100 đơn hàng mà người dân đã đặt nhưng không nhận.

Không chỉ ở phường An Phú mà ở nhiều địa bàn khác tại TPHCM cũng xảy ra tình trạng này. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến ngày 28/8/2021, 8/11 phường trên toàn quận có hiện tượng người dân đặt hàng rồi nhưng không nhận. Có phường bị “bom” đến 30 đơn trong một ngày, một số phường khác cũng trên chục đơn. Trong các trường hợp từ chối nhận hàng, nhiều người khi được gọi điện để nhận hàng đã đặt thì cho biết, chỉ “đặt thử” xem có ai nhận đơn và mua hàng không…

Liên quan đến việc “đặt thử” mua hàng, có ý kiến cho rằng, vì lâu nay chính quyền địa phương chưa làm người dân tin tưởng nên người dân phải “kiểm tra” xem thông tin về việc đi chợ hộ đó thật không? Đây là ý kiến lệch lạc, thể hiện thái độ thiếu trách nhiệm của một số người khi đặt nghi vấn về các chủ trương, giải pháp phòng chống dịch trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay. Trong quá trình thực hiện giãn cách xã hội, có lúc, có nơi còn xảy ra những thiếu sót, chậm trễ, chưa đồng bộ… Nhưng trên thực tế, Chính phủ và hệ thống chính trị thành phố đã nỗ lực cao độ để kiểm soát dịch bệnh và mỗi người dù ở bất cứ vị trí nào cũng đều đồng hành trong nhiệm vụ cấp bách này.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đặng Xuân Trọng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Kiểm định và Huấn luyện an toàn vệ sinh lao động TP.Hồ Chí Minh cho rằng, trước hết phải khẳng định, việc huy động bộ đội vào TP.HCM và các tỉnh để chống dịch, để giúp dân là đúng, vì niềm tin son sắt và truyền thống quân với dân như cá với nước, vì nước quên thân, vì dân phục vụ, trong đó bộ đội làm công tác hậu cần y tế, kiểm soát di chuyển địa bàn, vận tải, cứu trợ, an táng hậu sự là rất đúng, kịp thời và thực tế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đó là những hình ảnh đẹp trong lòng đồng bào miền Nam và cả nước.

Việc đi chợ hộ với mục đích hạn chế người dân tiếp xúc, tập trung đông người, tập trung mua sắm là tốt; cũng làm cho bộ đội hiểu hơn thực trạng đời sống nhân dân và hình ảnh bộ đội Cụ Hồ trong sáng, thuỷ chung, đẹp hơn trong ánh mắt người dân.

Tuy nhiên, việc "bom" hàng, chỉ là số ít và ở một số cá nhân ý thức kém, cố tình làm ảnh hưởng đến hình ảnh và chủ trương chung. Theo ông Trọng, việc này cần phải được lên án và xử lý nghiêm về mặt hành chính. Bởi, về đạo đức xã hội, nó là những hành vi xấu không chỉ trong thời kỳ dịch bệnh mà trong trạng thái bình thường cũng đã xảy ra. Hành động này gây thiệt hại cả vật chất và tinh thần cho người đi chợ hộ. Để xử lý, tại 1 số nơi, bà con các địa phương đã chung tay chia sẻ đơn hàng bị "bom hàng". Qua đó, thể hiện nét đẹp và tương ái đồng hành cùng chính quyền nỗ lực chống dịch!.

Về vấn đề này, luật sư Võ Đan Mạch, Công ty Luật TNHH MTV Ta Pha, đoàn luật sư TPHCM không phủ nhận ý nghĩa mà mô hình này mang lại, song do triển khai trong tình trạng khẩn cấp, chưa có nhiều thời gian để quy định rõ ràng về quy trình, phương thức thực hiện, cũng như chưa có cơ chế phối hợp khoa học, chặt chẽ giữa các chủ thể có liên quan, cho nên quá trình triển khai thực hiện trong thực tế còn gặp một số khó khăn.

Từ vụ việc này, theo luật sư Võ Đan Mạch, vấn đề pháp lý được đặt ra đó là hành vi đặt mua hàng nhưng không nhận (hay còn được gọi là “bom hàng”) có vi phạm pháp luật và có bị xử lý hay không?

Xử lý thế nào với việc đặt mua hàng rồi không nhận?

Theo đó, căn cứ quy định tại Điều 116, 119, Điều 398 Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp này, giao dịch giao đặt hàng được xem là việc các bên đã xác lập hợp đồng mua bán hàng hóa. Theo đó, khi hợp đồng được xác lập, mỗi bên có quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc giao đặt hàng, cụ thể với bên mua là phải thực hiện nghĩa vụ nhận hàng và thanh toán tiền mua hàng. Nếu không thực hiện thì vi phạm thỏa thuận của hai bên và quy định của pháp luật dân sự. Trách nhiệm pháp lý phải chịu là trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ theo quy định tại Điều 360, Điều 419 Bộ luật Dân sự 2015. Tuy nhiên, việc này chỉ xảy ra trong trường hợp người bị “bom hàng” tiến hành khởi kiện, yêu cầu Tòa án giải quyết. Nói cách khác, nếu người bị "bom hàng" không yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người “bom hàng” đối với người bị “bom hàng” không được đặt ra.

Cùng với đó, căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn xử lý, truy cứu trách nhiệm pháp lý do vi phạm các quy định liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19, có thể thấy rằng, hiện nay chưa có bất cứ chế tài nào xử lý hành chính nào đối với người "bom hàng". Mặt khác, vì đây chỉ là giao dịch dân sự nên không có căn cứ để quy kết trách nhiệm hình sự.

Luật sư Võ Đan Mạch cho rằng, khi pháp luật chưa có chế tài hành chính hay hình sự, thì việc giải quyết những vấn đề như trên chỉ dừng lại ở góc độ pháp luật dân sự, và chỉ được thực hiện theo nguyện vọng của chủ thể bị "bom hàng". Do vậy, theo quan điểm của Luật sư, cần thiết phải có một số điều chỉnh, biện pháp tăng cường. Trong đó, giải pháp tối ưu nhất cần làm là chính quyền từng địa phương cần tăng cường động viên, vận động người dân tuân thủ, đồng lòng phối hợp, thực hiện đúng các quy định, chỉ đạo của cơ quan ban ngành, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “chỉ đặt hàng thử”, “đặt cho vui”.

Bên cạnh đó, cần có quy định, hướng dẫn rõ ràng, thống nhất hơn về quá trình tiếp nhận đơn hàng, giao hàng, thanh toán để kiểm soát tốt hơn.

“Trường hợp không nhận hàng phải có lý do chính đáng; Việc thanh toán cần khuyến khích thanh toán trước, sau khi đơn hàng đã được tiếp nhận và xác nhận lại từ chủ thể tiếp nhận yêu cầu; ngoài ra hình thức thanh toán trực tuyến cần được khuyến khích để vừa đảm bảo sự thuận tiện trong quá trình mua bán hàng, vừa đảm bảo an toàn cho các chủ thể giao nhận, nhận hàng”- luật sư Võ Đan Mạch nói.

Theo luật sư Mạch, tại một số cuộc họp gần đây, chính quyền các địa phương ở TP. HCM cũng đề nghị xử lý nghiêm tình trạng “bom hàng”, tuy nhiên, trong tình trạng dịch bệnh còn kéo dài, cho nên ngoài việc có ý kiến, chỉ đạo cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể để cơ quan có thẩm quyền có cơ sở áp dụng xử lý triệt để vấn nạn “bom hàng”, không để tình trạng này trở thành hệ luỵ, làm ảnh hưởng đến chính sách phòng chống dịch bệnh Covid-19 của địa phương.

Trong khi cả hệ thống chính quyền thành phố đang căng mình chống dịch, để đảm bảo an toàn cho người dân "ai ở đâu thì ở yên ở đó", nhiều cán bộ đã phải gác việc riêng, lo cho gia đình để cùng lực lượng quân đội giúp dân cung ứng thực phẩm. Bởi vậy, tình trạng "bom hàng" như thời gian vừa qua là hành vi không thể chấp nhận./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Phụ nữ Đà Nẵng phát động đi chợ giúp dân 3 ngày một lần
Phụ nữ Đà Nẵng phát động đi chợ giúp dân 3 ngày một lần

VOV.VN - Mỗi Chi hội Phụ nữ tại Đà Nẵng vận động 2 tình nguyện viên trong Tổ dân phố tham gia mô hình “Đi chợ giúp dân”, hỗ trợ người dân mua lương thực, thực phẩm.

Phụ nữ Đà Nẵng phát động đi chợ giúp dân 3 ngày một lần

Phụ nữ Đà Nẵng phát động đi chợ giúp dân 3 ngày một lần

VOV.VN - Mỗi Chi hội Phụ nữ tại Đà Nẵng vận động 2 tình nguyện viên trong Tổ dân phố tham gia mô hình “Đi chợ giúp dân”, hỗ trợ người dân mua lương thực, thực phẩm.

Có người "đi chợ giúp", người dân TP. HCM yên tâm hơn
Có người "đi chợ giúp", người dân TP. HCM yên tâm hơn

VOV.VN - Theo ghi nhận, đa số các phường, xã đã có lên phương án và lập kế hoạch cho việc đi chợ giúp dân từ tuần trước, ngay khi TP.HCM có thông tin tăng cường giãn cách.

Có người "đi chợ giúp", người dân TP. HCM yên tâm hơn

Có người "đi chợ giúp", người dân TP. HCM yên tâm hơn

VOV.VN - Theo ghi nhận, đa số các phường, xã đã có lên phương án và lập kế hoạch cho việc đi chợ giúp dân từ tuần trước, ngay khi TP.HCM có thông tin tăng cường giãn cách.

Dân Đà Nẵng đồng thuận “ở yên” khi có Tổ Quy tắc đô thị đi chợ giúp
Dân Đà Nẵng đồng thuận “ở yên” khi có Tổ Quy tắc đô thị đi chợ giúp

VOV.VN - Ở các phường của quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng không hiếm gặp hình ảnh các thành viên Tổ Quy tắc đô thị tay xách nách mang chuyển hàng đến từng hộ gia đình.

Dân Đà Nẵng đồng thuận “ở yên” khi có Tổ Quy tắc đô thị đi chợ giúp

Dân Đà Nẵng đồng thuận “ở yên” khi có Tổ Quy tắc đô thị đi chợ giúp

VOV.VN - Ở các phường của quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng không hiếm gặp hình ảnh các thành viên Tổ Quy tắc đô thị tay xách nách mang chuyển hàng đến từng hộ gia đình.