Cán bộ trại giam tiết lộ chuyện điều trị bệnh hiểm nghèo cho phạm nhân
VOV.VN - “Trong 9 năm công tác, có những trường hợp nhiễm HIV điều trị ARV, trong đó, có nhiều trường hợp con cái không quan tâm, nảy sinh tư tưởng, nên không phối hợp điều trị. Trong khi đó, công tác điều trị lao và HIV phải uống thuốc điều trị hằng ngày. Do đó, vừa phải động viên, vừa điều trị” - Đại úy Tám kể.
Bước chân vào bên trong khu giam giữ của Phân trại số 1, trại giam Đồng Sơn, thuộc Bộ Công an, đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, chúng tôi ấn tượng bởi không gian sạch sẽ, thoáng mát và nhiều cây xanh.
Nằm cách biệt với các khu khác, bệnh xá tại phân trại lúc nào cũng được dọn dẹp sạch sẽ. Mảnh vườn nhỏ phía trước khu phòng bệnh được các cán bộ y tế ở đây tận dụng trồng mấy luống rau phục vụ cho bữa tối ở lại trực đêm.
Thượng tá Trần Xuân Tỉnh, Phó Giám thị Trại giam Đồng Sơn cho biết, thời gian qua, số lượng phạm nhân đến chấp hành án tại Trại giam Đồng Sơn tăng so với cùng kỳ các năm trước. Trong số đối tượng đến chấp hành án, có không ít phạm nhân mắc bệnh hiểm nghèo ở ngoài xã hội như ung thư, lao, viêm gan B, đặc biệt là HIV.
Khi vào chấp hành án tại trại giam, xác định nhiệm vụ, trách nhiệm cũng như bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, lãnh đạo đơn vị đã chỉ đạo đội y tế, môi trường trực tiếp khám sức khỏe ban đầu cho phạm nhân; hằng năm trại giam đều phối hợp với cơ quan y tế của tỉnh khám sức khỏe định kỳ cho phạm nhân.
Đối với các phạm nhân mang bệnh hiểm nghèo, Trại giam Đồng Sơn phối, kết hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật của tỉnh Quảng Bình khám sàng lọc. Từ đó, có sự phân hóa và phác đồ điều trị phù hợp, giúp họ nâng cao sức khỏe, thể trạng và phòng ngừa được lây nhiễm chéo ở khu vực giam giữ.
Đối với một số trường hợp vượt quá khả năng điều trị bệnh của trại giam, đơn vị sẽ chỉ đạo đội y tế môi trường đề xuất chuyển các phạm nhân này lên bệnh viện tuyến trên điều trị theo đúng quy định.
Hơn 2 năm đi tù… là hơn 2 năm có người chăm sóc
Bị kết án 11 năm tù vì tội Mua bán trái phép chất ma túy, phạm nhân Lữ Văn Huy, SN 1992, ở Quế Phong, tỉnh Nghệ An được đưa về Trại giam Đồng Sơn từ tháng 4/2022.
Phạm nhân Huy bị khiếm thị vào năm 2009, sau vụ tai nạn giao thông. Năm 2020, Huy bị vợ bỏ, gia đình nghèo, không có nguồn thu nhập để nuôi sống bản thân, nên phạm nhân này đã mua ma túy của người dân tộc thiểu số sống gần nhà mình, bán lại kiếm lời. Bán được chừng 3 tháng thì Huy bị công an bắt vào năm 2021. Sau một năm ở trại Tạm giam công an tỉnh, phạm nhân này về thụ án tại Trại Đồng Sơn.
“Khi mắt còn sáng, tôi quen được vài người, lúc đó họ rủ tôi bán ma túy, nhưng tôi không làm. Sau này bị khiếm thị, bố mẹ thì già, không lo cho mình được, nên tôi mua ma túy kiếm lời” - phạm nhân Huy nhớ lại
Phạm nhân Huy kể lại, từ khi được phân trại số 1, Trại giam Đồng Sơn tiếp nhận quản lý, do mắt không nhìn thấy, sáng sớm hằng ngày phạm nhân này được một phạm nhân khác đưa lên khu bệnh xá của trại giam. Tại đây, Huy được cán bộ y tế thăm khám, phát thuốc, còn vệ sinh cá nhân có một phạm nhân khác hỗ trợ.
"Cán bộ y tế động viên tôi chấp hành tốt, sớm trở về với gia đình. Nhờ sự chăm sóc của cán bộ y tế, sức khỏe của tôi cũng ổn định. Tôi cảm ơn cán bộ y tế rất nhiều, nhờ có cán bộ mà sức khỏe tôi tốt hơn rất nhiều. Tôi còn 8 năm nữa mới chấp hành xong án. Trong 8 năm ở trại, tôi chỉ nằm điều trị ở khu bệnh xá này. Tôi cũng không có người thăm gặp, mọi việc đều nhờ cán bộ” - phạm nhân Huy bộc bạch.
Nằm cùng phòng bệnh với phạm nhân Huy là phạm nhân Nguyễn Văn Hiệp, SN 1988, quê ở Đắk Lắk, bị kết án 15 tháng tù vì tội tàng trữ trái phép chất ma túy.
Hoàn cảnh của phạm nhân Hiệp cũng đặc biệt không kém, gia đình có 8 người, thì 7 bố con bị tim bẩm sinh. Mọi sinh hoạt trong gia đình đều nhờ vào người mẹ bị cong vẹo cột sống.
“Năm 2016 tôi bị nhồi máu cơ tim một lần. Đầu tháng 9/2024, khi vừa nhập trại tôi lại bị nhồi máu cơ tim lần nữa. Lúc này, các cán bộ tạo điều kiện cho tôi đi điều trị hơn 10 ngày ở BV Cuba Đồng Hới. Mọi sinh hoạt, từ ăn uống, đến vệ sinh cá nhân đều do cán bộ làm giúp tôi. Các cán bộ không ngại việc gì, từ đút cơm cho tôi ăn, đến lau rửa, tắm giặt, do tôi nằm bất động một chỗ, thở oxy. Lúc đó gia đình tôi ở xa, lại khó khăn không ai ra kịp” - phạm nhân Hiệp kể lại.
Đến nay, sau gần một tháng ở Trại giam Đồng Sơn, ngày nào Hiệp cũng xuống trạm y tế từ sáng để cán bộ y tế đo huyết áp, cấp phát thuốc theo đơn của bệnh viện.
“Giờ tôi chỉ cần làm việc nặng, không khí ngột ngạt là không thở được, tim co thắt. Dịp này, tôi cảm ơn các cán bộ, nhờ cán bộ tôi khỏe mạnh và sống đến ngày hôm nay” - phạm nhân Hiệp nói.
Bệnh nhân nào cũng được coi trọng như nhau
Đại úy Phan Văn Tám, bác sỹ bệnh xá phân trại số 1 cho biết, trại giam là đơn vị đặc thù. Ở bệnh viện, mỗi bác sỹ chỉ khám 1 ngày khoảng 20 người và người đến khám đều có bệnh. Còn trong trại giam, 10 trường hợp lên khám chỉ có 3 trường hợp đau, ốm, 7 trường hợp còn lại không đau nhưng lười lao động, trốn cải tạo.
Theo bác sỹ Tám, quy mô giam giữ của phân trại số 1 khoảng 1.000 phạm nhân, có thời điểm lên đến 1.300 phạm nhân, số lượng phạm nhân đông, số lượng cán bộ y tế lại ít.
“Cả một phân trại có 4 cán bộ y tế, điều trị cho 1.000 phạm nhân. Một buổi sáng có khi chúng tôi phải khám cho khoảng 50, 60 phạm nhân. Ngoài ra, còn những trường hợp có bệnh, nhưng không được nghỉ lao động, cải tạo, chúng tôi phải đến sớm để cấp phát thuốc cho họ” - Đại úy Tám kể.
Đối với những phạm nhân giả ốm đi khám bệnh, Đại úy Tám cho hay, lúc đó cán bộ y tế phải dựa trên kinh nghiệm và nghiệp vụ để giải quyết. Trường hợp phạm nhân nào sau khám, không có dấu hiệu của bệnh, các cán bộ y tế phải gọi cán bộ nghiệp vụ vào làm việc, giải thích cho phạm nhân hiểu.
Có nhiều trường hợp phạm nhân, chủ yếu là nhiễm HIV, không cho nghỉ ốm thì ăn vạ, lao đầu vào tường, cắt ven tự tử. Với những trường hợp này, bước đầu cán bộ y tế phải giải thích cho họ. Khi tư tưởng tốt lên, mới xử trí vết thương.
“Trong 9 năm công tác, có những trường hợp nhiễm HIV điều trị ARV, trong đó, có nhiều trường hợp con cái không quan tâm, nảy sinh tư tưởng, nên không phối hợp điều trị. Trong khi đó, công tác điều trị lao và HIV phải uống thuốc điều trị hằng ngày. Do đó, vừa phải động viên, vừa điều trị” - Đại úy Tám kể.
Theo lời kể của Đại úy Tám, có những trường hợp từ khi vào trại cải tạo, đến nay đã hơn 10 năm nhưng chỉ nằm điều trị ở trạm y tế. Sáng có người cõng lên. Với những trường hợp này, sáng nào cán bộ phải kiểm tra các dấu hiệu bệnh tật, phát thuốc. Với những phạm nhân không tự chăm sóc bản thân được, trại giam bố trí cho 1 phạm nhân khác hỗ trợ
Đại úy Tám cho biết, nhiều bệnh nhân, trong đó có những bệnh nhân mắc bệnh nặng nên công việc rất căng thẳng. Hầu như cán bộ không bao giờ được nghỉ theo chế độ quy định. Thậm chí chuyện được nghỉ bù, nghỉ phép là chuyện rất hiếm hoi ở đây. Cùng với đó, cán bộ còn thường xuyên cấp cứu phạm nhân lúc nửa đêm, nhất là vào dịp thời tiết thay đổi với phạm nhân hen phế quản, HIV, lao phổi.
“Vất vả nhất có một trường hợp đã tử vong cách đây 3 năm, bị ung thư dạ dày. Trường hợp này phải điều trị theo phác đồ bệnh viện tuyến trên, thời gian đó rất vất vả trực ngày đêm, trực bất cứ giờ nào. Buổi tối phải thay nhau vào tiêm giảm đau cho phạm nhân. Có những phạm nhân liệt, cán bộ thay nhau vào lau rửa vết thương, thay bỉm” - Đại úy Tám kể.
Vừa chăm sóc sức khỏe cho phạm nhân, nhưng các cán bộ y tế ở đây cũng “dặn dò nhau” giữ sức khỏe cho bản thân mình. Đại úy Trần Văn Nhạ, y sỹ trạm y tế, phân trại số 1 chia sẻ, nhiều lúc các cán bộ cũng suy nghĩ, lỡ mình nhiễm bệnh rồi lây cho người thân, gia đình, đồng đội thì sao, cho nên trong công việc, các cán bộ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm và cảnh giác, đề cao tính an toàn để hoàn thành nhiệm vụ mà cấp trên giao phó.