Cần quy định trang bị vũ khí cho cơ quan điều tra VKSNDTC?
VOV.VN -Các đại biểu cho rằng, cần thiết trang bị vũ khí cho cơ quan điều tra VKS Nhân dân Tối cao.
Chiều 31/10, bàn về dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, đại biểu Dương Ngọc Hải – Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân TP.HCM–Đoàn đại biểu TP.HCM cho rằng, dự thảo luật quy định, đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng, ngoài quân đội, công an còn có cơ quan điều tra của VKS Nhân dân Tối cao, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan, Hải quan cửa khẩu….
Đại biểu Dương Ngọc Hải - Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM |
Tuy nhiên, việc trang bị vũ khí cho cơ quan điều tra VKS Nhân dân Tối cao còn có ý kiến trái chiều.
Theo Viện trưởng VKS Nhân dân TP.HCM, ngoài cơ quan điều tra quân đội, công an hiện nay cơ quan điều tra của VKS Nhân dân Tối cao là một trong ba cơ quan chuyên nghiệp.
Cơ quan điều tra của VKS Nhân dân Tối cao điều tra trong chống tham nhũng, xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng trong hoạt động tư pháp. Theo quy định mới, cơ quan điều tra của VKS Nhân dân Tối cao được giao điều tra 38 tội danh.
Hiện nay, mỗi năm VKS Nhân dân Tối cao điều tra hơn 100 vụ, nếu như được giao điều tra thêm các tội danh khác thì số lượng có thể cao hơn nhiều.
Ông Hải cho hay, đối tượng của VKS Nhân dân Tối cao điều tra là công an, tòa án, VKS, sau này là Hải quan, có thể cả công an xã….
Đây là chủ thể thực hiện hành vi phạm tội. Các chủ thể này am hiểu về pháp luật.
Nếu như đối tượng này có chủ đích phạm tội thì hành vi rất tinh vi, và kèm theo đó là những thủ đoạn đối phó.
Các đối tượng này cũng được giao sử dụng vũ khí quân dụng như công an, hay các lực lượng khác.
“Trong khi đó, nếu đi bắt, khám xét những đối tượng được giao sử dụng vũ khí, lực lượng điều tra của VKS Nhân dân Tối cao không được sử dụng vũ khí thì khó thi hành công vụ”, ông Hải trình bày.
Đồng quan điểm, bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội – Đại biểu đoàn Thái Nguyên cho rằng, trang bị vũ khí cho cơ quan điều tra của VKS Nhân dân Tối cao được đề xuất trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Đây là lực lượng điều tra chuyên trách.
Theo quan điểm của bà Lê Thị Nga, là cơ quan điều tra thực hiện theo toàn bộ quy định của Luật Tố tụng hình sự thì không có lý do gì cơ quan điều tra khác được giao vũ khí, công cụ hỗ trợ mà cơ quan điều tra của Viện KSND Tối cao lại không được giao.
“Một khi đã là tội phạm, tính chất ở mỗi loại tội phạm khác nhau chút ít. Nhưng không thể nói rằng, hoạt động điều tra và đối tượng điều tra của lực lượng này chủ yếu là cán bộ, công chức Nhà nước nên không cần thiết phải giao vũ khí”, bà Nga nêu quan điểm.
Tranh luận giao vũ khí cho thanh niên xung phong
Đối với công an xã, theo quan điểm của bà Lê Thị Nga, chất lượng đầu vào không bảo đảm, trình độ THPT là tốt lắm rồi, có nơi chỉ trình độ THCS, vùng sâu, vùng xa, có thể là tiểu học.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng cần hạn chế mở rộng đối tượng sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ |
“Quan điểm của chúng tôi, đã là công an thì phải chính quy, còn lực lượng hỗ trợ cùng thì không gọi là công an. Nhưng đã giao cho công an xã thẩm quyền thì phải có công cụ cho họ thực hiện”.
“Tôi đề nghị cần phải tiếp tục giao vũ khí, công cụ hỗ trợ cho công an xã nhưng phải chính quy hóa lực lượng này”, bà Lê Thị Nga trình bày.
Đại biểu Ngô Minh Châu-PGĐ Công an TP.HCM - Đoàn đại biểu TP.HCM lại đề xuất việc trang bị công cụ hỗ trợ cho lực lượng thanh niên xung phong.
Theo PGĐ Công an TP.HCM, lực lượng này phối hợp với ngành công an xử lý tốt các hành vi như: Chống người thi hành công vụ, đua xe trái phép… Tính kỷ luật, chỉ huy của lực lượng này rất đảm bảo.
Ông Châu đề nghị bổ sung công cụ hỗ trợ cho thanh niên xung phong để đảm bảo an ninh trật tự.
Ngược quan điểm với PGĐ Công an TP.HCM, đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn đại biểu TP.HCM cho rằng, việc mở rộng đối tượng sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ là lợi bất cập hại.
“Đã là thanh niên xung phong, mặc chiếc áo xanh hòa bình mà trang bị vũ khí, họ có biết dùng không. Nhỡ họ lạm dụng thì sao. Đã nói vũ khí thì nói đến công an nhân dân, lực lượng quân đội, cảnh sát biển… những lực lượng này thiếu người sử dụng vũ khí hay sao? Đưa vũ khí và công cụ hỗ trợ cho thanh niên xung phong sẽ gây nên sự ác cảm của người dân đối với người đó. Họ không biết sử dụng, nếu sử dụng mà quá đà gây ra xung đột xã hội. Không nên cho lực lượng thanh niên xung phong trách nhiệm như vậy vì họ không được huấn luyện đầy đủ. Lực lượng nào ra lực lượng đó”, ông Nghĩa nêu quan điểm./.
Những trường hợp nào được nổ súng không cần cảnh báo?