Cấp dưới tố cáo cựu Tư lệnh Cảnh sát biển Nguyễn Văn Sơn trong vụ tham ô 50 tỷ đồng
VOV.VN - Cáo trạng của Viện kiểm sát Quân sự Trung ương xác định, cựu Tư lệnh Cảnh sát biển Nguyễn Văn Sơn cùng 6 đồng phạm có hành vi tham ô, "thụt quỹ" 50 tỷ đồng. Người đưa bằng chứng tố cáo ông Sơn chính là cấp dưới Phạm Kim Hậu, người cũng đóng vai trò bị can trong vụ án này.
Kế hoạch "rút ruột" 50 tỷ từ ngân sách
Viện kiểm sát Quân sự Trung ương vừa ra cáo trạng truy tố 7 bị can trong vụ án Tham ô tài sản xảy ra tại Bộ tư lệnh Cảnh sát biển thuộc Bộ Quốc phòng.
Cụ thể, các bị can gồm: Nguyễn Văn Sơn (59 tuổi), cựu Trung tướng, cựu Tư lệnh cảnh sát biển; Hoàng Văn Đồng (63 tuổi, cựu Trung tướng, cựu Chính ủy); Doãn Bảo Quyết (61 tuổi, cựu Thiếu tướng, cựu Phó Chính ủy); Phạm Kim Hậu (59 tuổi, cựu Thiếu tướng, cựu Phó Tư lệnh, cựu Tham mưu trưởng); Bùi Trung Dũng (63 tuổi, cựu Thiếu tướng, cựu Phó Tư lệnh); Nguyễn Văn Hưng (57 tuổi, cựu Đại tá, cựu Cục trưởng Kỹ thuật) và Bùi Văn Hòe (54 tuổi, cựu Thượng tá, cựu Phó Phòng Tài chính).
Cả 7 bị can đều bị truy tố về tội Tham ô tài sản, theo khoản 4 điều Điều 353 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt cao nhất là Tử hình.
Theo cáo trạng, tháng 2/2019, Bộ Quốc phòng giao cho Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển dự toán ngân sách Nhà nước chi cho quản lý hành chính năm 2019 với tổng số tiền 450 tỷ đồng. Ngày 8/3/2019, tại phiên họp của Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển mở rộng đã quyết nghị phân bổ cho Cục Kỹ thuật hơn 150 tỷ đồng để tổ chức mua sắm tập trung vật tư, thiết bị cung cấp cho các đơn vị.
Sau đó, Nguyễn Văn Sơn đã gặp Nguyễn Văn Hưng, khi ấy là Cục trưởng Cục Kỹ thuật. Nguyễn Văn Sơn thời điểm đó là Tư lệnh Cảnh sát biển, đã yêu cầu Hưng khi thực hiện mua sắm trong gói 150 tỷ đồng thì phải rút ra 50 tỷ đồng cho Bộ Tư lệnh sử dụng.
Hưng báo cáo việc rút ra 50 tỷ đồng là rất lớn, rất khó thực hiện. Do đó, Nguyễn Văn Sơn đã chỉ đạo Bùi Văn Hòe là phụ trách trưởng phòng Tài chính cắt toàn bộ nguồn kinh phí bảo quản, sửa chữa trang bị của 4 Vùng Cảnh sát biển để phân bổ thêm 29 tỷ đồng cho Cục Kỹ thuật.
Khoảng đầu tháng 4/2019, Nguyễn Văn Sơn chủ động trao đổi với Hoàng Văn Đồng, Doãn Bảo Quyết, Phạm Kim Hậu, Bùi Trung Dũng về việc chỉ đạo Hưng rút 50 tỷ đồng. Tất cả đều đồng ý và không có ý kiến gì.
Sau đó, Nguyễn Văn Hưng về Cục Kỹ thuật chỉ đạo các phòng nghiệp vụ phải thực hiện việc rút số tiền tổng cộng 50 tỷ đồng. Các trưởng phòng đều báo cáo là rất khó làm. "Nguyễn Văn Hưng tiếp tục yêu cầu các trưởng phòng xác định việc rút lại 50 tỷ đồng là nhiệm vụ Thủ trưởng Bộ Tư lệnh giao và phải hoàn thành". - Cáo trạng nêu.
Cấp dưới tố cáo bằng chứng vi phạm của cấp trên
Dưới sự chỉ đạo của Hưng, các phòng thuộc Cục Kỹ thuật đã phân chia nguồn ngân sách được giao thành 29 gói thầu, trong đó có 9 gói thầu được chia nhỏ có giá trị dưới 10 tỷ đồng.
"Để được tham gia dự thầu và trúng thầu, các doanh nghiệp đã đồng ý theo đề nghị và cùng các trưởng phòng thống nhất nâng giá vật tư, thiết bị hoặc trích lại lợi nhuận, từ giai đoạn khảo sát giá để xây dựng giá gói thầu nhằm mục đích rút lại đủ 50 tỷ đồng nộp về Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển". - Cáo trạng nêu.
Sau khi rút được 50 tỷ đồng, Nguyễn Văn Sơn tự chia cho mình 10 tỷ đồng. Hoàng Văn Đồng, Phạm Kim Hậu, Doãn Bảo Quyết, Bùi Trung Dũng mỗi người nhận 10 tỷ đồng.
Ngày 19/6/2020, Phạm Kim Hậu (cựu Phó Tư lệnh, tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Cảnh sát biển) làm đơn gửi cơ quan chức năng kèm 2 file ghi âm, tự tố cáo sai phạm của bản thân và cấp trên liên quan đến công tác mua sắm vật tư, trang thiết bị trong năm 2019.
Quá trình làm việc với Ủy ban Kiểm tra Trung ương đến tháng 9/2021, các cá nhân đã báo cáo rõ về hành vi sai phạm và tự nguyện nộp 10 tỷ đồng mỗi người để khắc phục hậu quả.
Cáo trạng xác định: "Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hành vi phạm tội là do các bị can chấp hành kỷ luật, pháp luật không nghiêm và lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong quá trình phân bổ, sử dụng nguồn ngân sách phân cấp cho đơn vị để chiếm đoạt tiền nhằm mục đích vụ lợi cá nhân."/.