Chặn ma túy vào biên giới Việt Nam: Muôn vàn khó khăn
VOV.VN - Đấu tranh với tội phạm ma túy là cuộc chiến đầy cam go, nguy hiểm, là “một mất một còn”. Đấu tranh với các đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia, ở địa bàn biên giới xa xôi, hẻo lánh, nhiều núi cao, vực sâu hay trên biển cả mênh mông lại càng vất vả, hiểm nguy gấp bội.
Tội phạm ma túy vô cùng liều lĩnh, manh động. Đấu tranh với tội phạm ma túy là cuộc chiến vô vàn nguy hiểm, gian nan, nhất là ở địa bàn biên giới, với những đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia. Nhằm đấu tranh với loại tội phạm này một cách hiệu quả, một trong các giải pháp được Bộ đội biên phòng phối hợp lực lượng công an 2 nước Lào-Campuchia đấu tranh ngay từ khi các đối tượng chưa vận chuyển ma túy vào Việt Nam. Như vậy, sẽ hiệu quả hơn khi các đối tượng vào Việt Nam rồi mới tiến hành bắt.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này PV VOV.VN có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh, Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm , Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về công tác trấn áp tội phạm ma túy trên tuyến biên giới.
PV: Liên quan đến các chuyên án ma túy gần đây Bộ đội Biên phòng phối hợp các lực lượng triệt phá, chúng ta có ghi nhận những thủ đoạn rất mới, thậm chí có những thủ đoạn lần đầu tiên xuất hiện. Thiếu tướng có thể thông tin cụ thể hơn về các thủ đoạn này ?
Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh: Có thể nói, đấu tranh chống tội phạm ma túy là đấu tranh với loại tội phạm cực kỳ nguy hiểm, thủ đoạn vô cùng tinh vi.
Đặc biệt, trong thời gian gần đây, tình hình tội phạm trong khu vực, cũng như trên thế giới luôn luôn thay đổi phương thức hoạt động.
Đối với Việt Nam, trong 6 tháng vừa qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng, phối hợp lực lượng công an và các lực lượng chức năng khác phát hiện nhiều thủ đoạn của các đối tượng vận chuyển ma túy qua biên giới, cửa khẩu và qua các đường mòn biên giới.
Về thủ đoạn chung, các đối tượng lợi dụng việc vận chuyển hành hóa qua biên giới. Ví dụ như chuyên án năm 2021, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp lực lượng Công an bắt giữ đối tượng vận chuyển ma túy cất giấu trong các bức tượng vận chuyển từ Lào về Việt Nam.
Cũng trong năm này, Bộ đội Biên phòng chủ trì phối hợp với lực lượng công an phát hiện các đối tượng vận chuyển ma túy trong các lô đá xây dựng để vận chuyển sang nước ngoài.
Gần đây các đối tượng đã lợi dụng việc giao thương hàng hóa là nông sản từ nước ngoài vào Việt Nam để vận chuyển ma túy.
Gần đây nhất, chuyên án A568P là chuyên án điển hình hai bên cùng phối hợp. Tại chuyên án này, các đối tượng đã cất giấu ma túy trong các thiết bị điện tử như máy lọc nước, lọc khí, điều hòa.
Như vậy, có thể nói, nơi nào kín và có thể là các đối tượng sẽ cất giấu ma túy vào đó. Cùng với đó, các đối tượng còn biết lợi dụng các chính sách qua lại biên giới, ví như cất giấu ma túy trong các kiện hàng container, hoặc các lô hàng lớn để vận chuyển qua cửa khẩu bằng các luồng xanh, luồng vàng….
Tuy nhiên, tất cả các phương thức đó, Bộ đội biên phòng cũng như công an và các lực lượng khác đều có đánh giá, nhận định và có những biện pháp chủ động phòng ngừa và đạt nhiều kết quả.
PV: Chúng ta phải làm gì để đấu tranh, ngăn chặn tội phạm này đạt hiệu quả, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh: Có thể nói, tội phạm ma túy là tội phạm quốc tế và ma túy chủ yếu từ nước ngoài về. Do đó, chúng tôi xác định nguồn ma túy là từ nước ngoài và hoạt động vận chuyển ma túy có tính quốc tế.
Và các đối tượng lại tận dụng điều kiện qua lại biên giới để vận chuyển ma túy vào Việt Nam. Từ đó, chúng tôi luôn luôn điều chỉnh kế hoạch, cũng như biện pháp đấu tranh với loại tội phạm này theo hướng chuyển dịch của tội phạm. Cùng với đó, theo hướng thông tin tội phạm quốc tế, chúng tôi phối hợp với các lực lượng chức năng của bạn.
Quan trọng nhất hiện nay, là chúng tôi phối hợp với nước bạn đấu tranh ngay từ khi các đối tượng chưa vận chuyển ma túy vào Việt Nam theo quan điểm “đắp nguồn, cạn dòng”. Như vậy, sẽ hiệu quả hơn khi các đối tượng vào Việt Nam rồi mới tiến hành bắt.
PV: Thưa Thiếu tướng, gần đây, chúng ta tiếp cận khái niệm “đấu tranh tội phạm ma túy là không biên giới”, trong câu chuyện phối hợp, mình có áp dụng khái niệm này không?
Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh: Hiện nay, tội phạm ma túy được xác định có tính quốc tế. Do vậy, việc đấu tranh này có sự phối hợp của cả hệ thống chính trị trong nước, cùng các cơ quan chức năng nhưng phải hợp tác quốc tế.
Gần đây nhất là chuyên án A568P, lực lượng công an, lực lượng biên phòng chủ trì phối hợp lực lượng công an Campuchia đấu tranh rất thành công. Ngoài ra lực lượng biên phòng nhiều năm vừa qua đấu tranh với chuyên án tội phạm ma túy phối hợp lực lượng chức năng của Lào và Campuchia rất hiệu quả. Đặc biệt, bộ đội biên phòng phối hợp lực lượng công an giúp bạn Lào nâng cao năng lực đấu tranh với tội phạm ma túy và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
PV: Trở lại câu chuyện vận chuyển ma túy, theo đánh giá của Thiếu tướng, Việt Nam có thể trở thành địa bàn trung chuyển ma túy không?
Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh: Trong nhiều năm vừa qua, nước bạn Lào và Campuchia là những nước có nguy cơ lượng ma túy từ Tam giác vàng trở về khu vực đó rất lớn. Từ đó, sẽ là áp lực rất lớn đối với Việt Nam. Như tôi nói ở trên, thời gian vừa qua, lực lượng công an và lực lượng biên phòng đã trực tiếp hỗ trợ cho lực lượng chức năng của Lào và Campuchia rất nhiều, từ công tác đào tạo đến công tác đấu tranh. Do vậy, các bạn ngày càng trưởng thành. Có thể nói, có một kết quả rất đáng tôn trọng. Trong năm qua lực lượng chức năng hai nước bạn đã triệt phá những chuyên án lên đến hàng tấn, vài tấn ma túy.
Đấy là một trong những nguyên nhân hạn chế được ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam trên quan điểm “đắp nguồn, cạn dòng”, trên tinh thần cố gắng, quyết tâm không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy.
Tuy nhiên, tình hình tội phạm ma túy và các hoạt động khác có thể không tránh khỏi xâm nhập vào Việt Nam. Chúng ta cũng biết, không chỉ có nước ta mà các nước khác có điều kiện tốt hơn chúng ta cũng có tình trạng ma túy xâm nhập vào rất nhiều.
PV: Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng.