Chỉ thực hiện cưỡng chế khi có quyết định bằng văn bản
(VOV) - Việc cưỡng chế chỉ được thực hiện khi có quyết định cưỡng chế bằng văn bản của người có thẩm quyền theo quy định.
Bộ Công an đang đưa dự thảo Nghị định Quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính lấy ý kiến nhân dân.
Theo đó, về nguyên tắc áp dụng, việc cưỡng chế chỉ được thực hiện khi có quyết định cưỡng chế bằng văn bản của người có thẩm quyền theo quy định.
Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, điều kiện thi hành quyết định cưỡng chế của đối tượng bị cưỡng chế và tình hình thực tế ở địa phương, người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế quyết định áp dụng lần lượt các biện pháp cưỡng chế theo quy của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Việc áp dụng biện pháp cưỡng chế tiếp theo được thực hiện khi không áp dụng được các biện pháp cưỡng chế trước đó hoặc đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế trước đó nhưng chưa thu đủ số tiền bị cưỡng chế theo quyết định cưỡng chế.
Bộ Công an cũng đề xuất: Ngay sau khi ra quyết định cưỡng chế, người có thẩm quyền quyết định cưỡng chế phải tổ chức gửi quyết định cưỡng chế cho cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Quyết định cưỡng chế được gửi trực tiếp cho cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế, tổ chức, cá nhân có liên quan. Trường hợp cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế cố tình không nhận thì người giao quyết định lập biên bản về việc không nhận quyết định có xác nhận của chính quyền địa phương và được coi là quyết định đã được giao.
Trường hợp không gửi trực tiếp được thì việc chuyển quyết định cưỡng chế được gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm. Nếu quyết định cưỡng chế đã được gửi qua đường bưu điện mà bị trả lại thì tiến hành niêm yết công khai quyết định cưỡng chế tại nơi cư trú của cá nhân, trụ sở của tổ chức bị cưỡng chế. Thời hạn niêm yết là 5 ngày, sau 5 ngày niêm yết quyết định cưỡng chế được coi là đã được gửi đến cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế.
Trong trường hợp không thực hiện việc niêm yết trên thì thông báo trên báo, đài phát thanh hoặc đài truyền hình của Trung ương hoặc của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nếu xác định đối tượng bị cưỡng chế đang ở tại địa phương đó.
Dự thảo cũng quy định những người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp; Trưởng đồn Công an, Trưởng Công an cấp huyện, Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Cục trưởng Cục An ninh tài chính, tiền tệ, đầu tư, Cục trưởng Cục An ninh kinh tế tổng hợp, Cục trưởng Cục An ninh nông nghiệp, nông thôn, Cục trưởng Cục An ninh thông tin, truyền thông, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát bảo vệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Cục trưởng Cục Cảnh sát đường thủy, Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư; Trưởng Đồn biên phòng, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Cửa khẩu cảng, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng cấp tỉnh, Chỉ huy trưởng Hải đoàn biên phòng trực thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Chỉ huy trưởng Vùng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục Cảnh sát biển…/.