Chiều nay, tuyên án đối với bị cáo Dương Tự Trọng
VOV.VN- Bị cáo Dương Tự Trọng: "Cá nhân tôi sẵn sàng chấp nhận mức án dành cho mình..."
9h30: Bị cáo Dương Tự Trọng nói lời sau cùng: "Thời gian qua, tôi luôn sống với kỷ niệm của hai anh em. Tôi luôn cầu mong được khoan hồng của pháp luật, lòng từ bi, khoan dung, vị tha của người đời cho anh tôi. Còn các bị cáo khác trong vụ án này, mong HĐXX xét xử khách quan, đúng người đúng tội. Cá nhân tôi sẵn sàng chấp nhận mức án dành cho mình".
Bị cáo Dương Tự Trọng nói lời sau cùng |
Trong lời sau cùng, bị cáo Vũ Tiến Sơn nói: “Trước vành móng ngựa và trong suốt quá trình điều tra tôi luôn thành khẩn khai báo, trước sau như một. Thế nhưng rất nhiều kiến nghị của tôi để được xem xét hưởng khoan hồng lại bị bỏ qua. Tôi thành khẩn mong HĐXX xem xét một cách thấu đáo".
Bị cáo Hoàng Văn Thắng: "Bị cáo đã nhận thức được hành vi phạm tội của mình. Kính mong HĐXX xem xét cho bị cáo được hưởng mức án thấp nhất. Sai lầm của bị cáo đã để lại một lí lịch đen tối cho một gia đình có truyền thống cách mạng. Bị cáo mong được hưởng mức án thấp nhất để làm lại cuộc đời. Bị cáo mong sớm về với gia đình để cống hiến, phụng dưỡng công lao bố mẹ".
Nói lời cuối cùng, bị cáo Nguyễn Trọng Ánh nói: “Bị cáo mong HĐXX xem xét giảm nhẹ tội cho tất cả mọi bị cáo có mặt tại phiên tòa. Phiên tòa diễn ra cũng là những ngày cuối năm, bị cáo gửi lời chúc mừng năm mới đến với HĐXX, những người trong phiên tòa và toàn bộ chiến sỹ trong ngành công an nhân dân. Các bị cáo còn lai mong được HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt".
9h15: Theo đại diện Viện Kiểm sát, biện luận của của các luật sư nói việc Dương Chí Dũng sang Campuchia hợp pháp là không có cơ sở. Chí Dũng không qua cửa khẩu xuất cảnh của Việt Nam, không nhập cảnh qua Công an Campuchia. Dũng nhờ đóng dấu mật vào hộ chiếu. Đến Mỹ bị cảnh sát Mỹ từ chối nhập cảnh. Đã làm giả hộ chiếu Malaysia-điều này chứng tỏ cáo buộc là có cơ sở.
Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, đối với cáo buộc gây hậu quả nghiêm trọng không cần phải đối đáp lại. Một mình Dương Tự Trọng chống lại cả Bộ Công an, Trọng nói lại với các bị cáo khác không được khai báo Dương Chí Dũng bỏ trốn. Trọng cầm đầu, cần nghiêm trị, giáo dục răn đe.
9h15: Theo đại diện Viện Kiểm sát, các vụ án kinh tế xảy ra ở Vinalines là vụ án đặc biệt quan trọng, được dư luận quan tâm. Tuy nhiên, khi cơ quan điều tra ra lệnh khởi tố bị can thì Dương Chí Dũng bỏ trốn, gây ảnh hưởng đối với việc điều tra, gây hậu quả với xã hội, làm cho dư luận có sự nghi ngờ không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Không có Dương Chí Dũng thì vụ án không được xử lý kịp thời nghiêm minh. Lỗi chủ quan là có hậu quả và hậu quả đến đâu thì phải chịu đến đó.
Việc đưa Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài là có tổ chức, có kẻ chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, thực hành để Dũng trốn sang Campuchia. Đáng lẽ 7 bị cáo trong vụ án phải được truy tố theo Khoản 3, Điều 275 của Bộ Luật hình sự. Viện Kiểm sát quyết định truy tố Trọng, Sơn theo Khoản 3 là có căn cứ pháp luật. 5 bị cáo còn lại do khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải thì truy tố ở khoản 1 là có căn cứ.
Theo quan điểm luật sư của bị cáo Sơn, bị cáo này chỉ nên bị truy tố theo khoản 2. Đối với Sơn, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, kết quả điều tra và thẩm vấn xác định Sơn là đứng vị trí thứ 2, là người gần gũi trực tiếp với Trọng là kẻ cầm đầu chủ mưu. Sơn đã thực hiện điều phối 5 bị cáo còn lại, chuẩn bị công cụ phương tiện, xe cộ, chuyển tiền từ Trọng. Sơn là người liên lạc Phong, Dũng tổ chức cho Dũng trốn.
Đối với tình tiết mới mà các bị cáo và nhân chứng khai tại tòa, Viện Kiểm sát có quan điểm đề nghị HĐXX xử lý tình tiết phát sinh theo căn cứ pháp luật. Kết quả thẩm vấn chứng minh toàn bộ hành vi phạm tội của 7 bị cáo.
9h: Theo đại diện Viện Kiểm sát, cáo trạng truy tố Dương Tự Trọng và Vũ Tiến Sơn theo khoản 3, điều 275 là có căn cứ. Điều luật quy định tội tổ chức trốn quy định người tổ chức Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài nhằm trốn tránh kiểm tra hoạt động xuất nhập cảnh của Nhà nước.
Trốn bằng đường tiểu ngạch, không sử dụng hộ chiếu vì ngay chiều 17/5/2012 đã bị khởi tố bị can và có lệnh bắt tạm giam. Nếu cơ quan điều tra không bắt được thì sẽ phát lệnh truy nã. Các bị cáo trong vụ án này đã tổ chức cho Dũng trốn.
8h45: Trước khi đại diện Viện kiểm sát thực hiện quyền công tố tại tòa thực hiện phần đối đáp, các bị cáo Đồng Xuân Phong, Hoàng Văn Thắng, Trần Văn Dũng, Nguyễn Trọng Ánh được nêu quan điểm.
Đại diện viện kiểm sát thực hiện đối đáp tại phiên tòa
|
Bị cáo Đồng Xuân Phong nói: "Lời tố cáo anh Trọng che giấu cho bị cáo là không có, không đúng, áp đặt, đề nghị HĐXX xem lại".
Còn bị cáo Hoàng Văn Thắng thừa nhận hành vi, tuy nhiên đề nghị xem xét lại những tình tiết tăng nặng. Bị cáo Đề nghị HĐXX xét cho bị cáo các tình tiết giảm nhẹ, hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Bị cáo Trần Văn Dũng nhận khuyết điểm vi phạm của bản thân, đã khai báo và mong được giảm nhẹ hình phạt. Nói về bản luận tội của Viện Kiểm sát, Trần Văn Dũng cho rằng, mức án quá cao. “Mong HĐXX xem xét lại”.
Trong phần tự bào chữa cho mình,theo bị cáo Nguyễn Trọng Ánh, cá nhân ý thức hành vi vô tình giúp sức dẫn tới việc cấu thành tội Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài. “Bị cáo đã thành khẩn khai báo. Kính mong HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ để bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật”.
8h30: Theo quan điểm của luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Minh Tuấn, lời khai tại phiên tòa cho thấy, vụ án có thêm tình tiết mới nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án. Tuy nhiên vai trò, vị trí của mỗi bị cáo có sự thay đổi.
Luật sư biện luận: bị cáo Tuấn không phạm tội. Không biết việc chạy trốn của Dương Chí Dũng. Sau này xem ti vi mới biết, Dương Chí Dũng bị truy nã.
8h: phiên tòa xét xử bị cáo Dương Tự Trọng và đồng phạm trong vụ án Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài tiếp tục với phần tranh luận.
Mở đầu phiên tòa sáng, luật sư của bị cáo Phạm Minh Tuấn (SN 1961) – nguyên Giám đốc Xí nghiệp Bạch Đằng (Hải Phòng) bắt đầu phần bào chữa.
Các bị cáo tại phiên tòa |
Tại phiên tòa, bị cáo Phạm Minh Tuấn cho biết là bạn thân của Dương Tự Trọng từ thời còn học đại học. Bố mẹ bị cáo Dương Tự Trọng coi Minh Tuấn như con cái trong gia đình.
Theo lời khai của bị cáo Minh Tuấn tại phiên tòa, bị cáo không hề hay biết việc Dương Chí Dũng bị khởi tố, truy nã. Đến một lần xem trên truyền hình, bị cáo mới giật mình.
Bị cáo Phạm Minh Tuấn bị truy tố theo khoản 1, điều 275, Bộ luật hình sự. Tại tòa, đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố cũng đề nghị mức án 5-6 năm tù đối với Phạm Minh Tuấn./.
1. Dương Tự Trọng (SN 1961), nguyên Phó giám đốc Công an TP Hải Phòng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) 18-20 năm tù.
2. Vũ Tiến Sơn (SN 1966), nguyên Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an TP Hải Phòng) 17-18 năm tù.
3. Hoàng Văn Thắng (SN 1970), nguyên Cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra các tội phạm về môi trường (Công an TP Hải Phòng) 6-7 năm tù.
4. Đồng Xuân Phong (SN 1974), nguyên cán bộ Hải quan TP Hải Phòng, đang bỏ trốn, bị truy nã: 6-7 năm tù.
5. Trần Văn Dũng (tên thường gọi là Dũng Bắc Kạn, SN 1968), từng bị TAND tỉnh Bắc Thái kết án về tội buôn lậu và tàng trữ trái phép chất ma túy: 6-7 năm tù.
6. Nguyễn Trọng Ánh (SN 1985), nguyên cán bộ Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an TP. Hải Phòng): 6-7 năm tù.
7. Phạm Minh Tuấn (SN 1961), nguyên Giám đốc Xí nghiệp Bạch Đằng (Hải Phòng) (bạn thân của Dương Tự Trọng): 5-6 năm tù.