Chủ động ngăn ngừa thất thoát tiền chất có nguy cơ cao

Nhiều đại biểu khẳng định giải pháp áp dụng công nghệ thông tin để kiểm soát tiền chất trong quá trình xuất nhập khẩu

Sáng nay (22/10), Văn phòng Thường trực Phòng chống ma túy, Bộ Công an tổ chức Hội thảo đánh giá, phân loại tiền chất có nguy cơ cao. Tham gia có đại diện Bộ Công Thương, Bộ Y tế, các cơ quan liên quan. Thiếu tướng Triệu Quốc Đạt, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an khai mạc và chủ trì hội thảo.

Trước xu thế hội nhập toàn cầu, vấn đề kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, trong đó có công tác kiểm soát tiền chất là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác phòng chống ma túy trong giai đoạn hiện nay. Do áp lực từ các nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề buôn bán, sử dụng và sản xuất bất hợp pháp các chất ma túy ngày càng phức tạp.

Trao đổi, xử lý thông tin trong quản lý, kiểm soát tiền chất còn chậm

Chỉ tính riêng năm 2007, toàn quốc đã điều tra bắt giữ: 10.044 vụ, 14.706 đối tượng; thu giữ 160 kg heroin; 63 kg thuốc phiện; đáng chú ý là đã thu giữ 29.679 viên và 666 gam ma túy tổng hợp; 11.000 viên, ống và 4,5 kg tân dược gây nghiện, 7.500 kg tiền chất (tinh dầu xá xị), 5.750 gam ephedrine. Đầu năm 2008 đã xuất hiện tình trạng chế biến, pha trộn, dập lại ma túy tổng hợp như vụ Công an Hải Phòng đã phá chuyên án, bắt 10 đối tượng, thu giữ gần 7 kg hóa chất dùng để pha trộn với ma túy tổng hợp- 14,37 kg (khoảng 70.000 viên) ma túy tổng hợp.

Tổ công tác liên ngành kiểm soát tiền chất được thành lập ngày 4/7/2007, gồm đại diện lãnh đạo và chuyên viên Văn phòng TT PCMT (Bộ Công an), Vụ Công nghiệp nặng, Vụ xuất nhập khẩu, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an), Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan)

Đánh giá tình hình quản lý, kiểm soát tiền chất trong thời gian qua, Đại tá Trần Trọng Lượng, Chánh Văn phòng Thường trực Phòng chống ma túy khẳng định, các đơn vị chức năng của các bộ, ngành (nòng cốt là Tổ công tác liên ngành kiểm soát tiền chất) đã có nhiều cố gắng, nỗ lực chủ động tham mưu đề xuất, tổ chức triển khai nhiểu nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, toạ được sự chuyển biến rõ nét trong quản lý, kiểm soát tiền chất. Hệ thống văn bản pháp quy về kiểm soát tiền chất từng bước được hoàn thiện. Hợp tác quốc tế về kiểm soát tiền chất ngày càng được mở rộng và hiệu quả hơn, nhất là các nước trong khu vực. Thông qua các cuộc hội thảo, hoạt động thông báo tiền xuất khẩu, các thông tin về kiểm soát tiền chất đã kịp thời được trao đổi, xử lý. Nhờ vậy, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn việc thất thoát tiền chất vào sản xuất trái phép chất ma túy, đồng thời vẫn bảo đảm được môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Ở Việt Nam hiện nay có hơn 300 công ty, đơn vị tham gia hoạt động xuất nhập khẩu tiền chất. Riêng 6 tháng đầu năm 2008, số lượng tiền chất được cấp phép là 1.963.141 tấn và 2.442.470 lít, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.

Đại tá Trần Trọng Lượng nêu 5 khó khăn, hạn chế cơ bản trong công tác quản lý, kiểm soát tiền chất ma túy thời gian qua. Trong đó nêu rõ: công tác kiểm soát tiền chất mới chỉ tập trung chú ý khâu xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, mà chưa chú trọng khâu theo dõi, kiểm tra, giám sát. Hiện nay Chính phủ quy định danh mục 42 tiền chất cần được quản lý, kiểm soát. Song, nhiều doanh nghịêp cho rằng, nếu quản lý, kiểm soát tất cả 42 tiền chất sẽ không phải là giải pháp tối ưu. Kinh nghiệm một số nước cho thấy, cần phân loại các tiền chất ra các cấp độ khác nhau để quản lý, kiểm soát. Nhất là cần trao đổi xử lý kịp thời thông tin trong các khâu trong quá trình quản lý, kiểm soát tiền chất.

Với phương châm lấy phòng ngừa là cơ bản, nhằm đạt được mục tiêu tránh thất thoát tiền chất vào sản xuất ma túy bất hợp pháp, Văn phòng TT PCMT đề xuất 4 ý kiến. Theo đó, đề nghị sớm xây dựng trung tâm dữ liệu về tiền chất, áp dụng công nghệ thông tin tiên tiến để vừa bảo đảm được mục đích quản lý tiền chất, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho mục đích sản xuất, kinh doanh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên