Chưa tuyên án vụ "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành vì xuất hiện tình tiết mới
VOV.VN - Do xuất hiện tình tiết mới, nên HĐXX cấp phúc thẩm quyết định quay trở lại phần xét hỏi trong vụ án "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành.
Chiều 3/4, TAND Cấp cao tại Hà Nội dự kiến tiến hành tuyên bản án phúc thẩm đối với các bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng. Tuy nhiên, do xuất hiện một số tình tiết mới nên HĐXX cấp phúc thẩm quyết định quay lại phần xét hỏi.
Cụ thể, bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành muốn dùng 26% cổ phần tại MHD để bồi thường, khắc phục tối đa hậu quả. Luật sư của bị cáo Hà Thành cho hay đã có một nhà đầu tư muốn mua lại cổ phần này, thay Thành trả nợ các bị hại.
HĐXX quyết định dành thời gian cho bị cáo Hà Thành và nhà đầu tư trao đổi tại chỗ. Tại tòa, doanh nghiệp này khẳng định có thể khắc phục hậu quả, mong HĐXX tạo điều kiện cho họ thực hiện các thủ tục.
Chủ tọa nhắc nhở, doanh nghiệp nếu chấp nhận mua lại cổ phần của Thành và dùng tiền đó khắc phục cho bị cáo, doanh nghiệp phải khắc phục thực chất bằng tiền vào Cục thi hành án TP Hà Nội. Ngoài ra, chủ tọa cũng thông báo có một luật sư bào chữa cho bị cáo Hà Thành có đơn xin hoãn phiên tòa.
Theo đại diện Viện kiểm sát, việc hoãn phiên tòa là cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho các bên nên đề nghị HĐXX hoãn phiên tuyên án ngày hôm nay. Sau khi lắng nghe ý kiến của các bên, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa và sẽ mở lại vào thời gian sớm nhất.
Cáo trạng và bản án sơ thẩm xác định, do kinh doanh thua lỗ, Nguyễn Thị Hà Thành nợ khoảng 80 tỉ đồng. Giai đoạn 2016 - 2018, Thành dùng chiêu vay tiền với lãi suất cao, lấy của người sau trả cho người trước để tạo lòng tin và cũng trở thành khách VIP của các ngân hàng.
Cùng với đó, Thành vay tiền của ông Đặng Nghĩa T. và một số cá nhân khác (những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan) bằng hình thức yêu cầu người này gửi tiền vào các ngân hàng Việt Á, NCB, PVcombank qua các sổ tiết kiệm và “siêu lừa” giữ các sổ gửi tiền này. Sau đó, bị cáo dùng sổ tiết kiệm và giả chữ ký, lập hồ sơ vay tiền ngân hàng, rút ra chiếm đoạt.
Bản án sơ thẩm đã quy kết các bị cáo nguyên là nhân viên ngân hàng đã tạo điều kiện cho “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành chiếm đoạt tiền; một số bị cáo là cựu nhân viên ngân hàng giúp sức, đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản với Thành. Tổng cộng, Nguyễn Thị Hà Thành đã gây ra 27 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tổng số tiền hơn 433 tỉ đồng. Trong đó, chiếm đoạt của Ngân hàng NCB 47,5 tỉ đồng, PVcomBank 49,4 tỉ đồng, ngân hàng Việt Á hơn 273 tỉ đồng và của 4 cá nhân khác 63 tỉ đồng.