Cô gái lái ô tô tông vào đuôi xe của người khác có thể bị xử phạt thế nào?
VOV.VN - VOV.VN - Theo luật sư, hành vi lái xe tông vào đuôi xe khác là các hành vi trái pháp luật, tùy thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội gây rối trật tự công cộng” hoặc/và “tội cố ý gây thương tích”.
Ngày 9/6/2024, Công an Thành phố Buôn Ma Thuột đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Trần Thị Vân về hành vi “Cố ý làm hư hỏng tài sản”.
Trước đó, khoảng 21h ngày 6/6, nhóm cô gái đang nhậu tại quán vỉa hè trên đường Ngô Quyền, giao đường Nguyễn Đình Chiểu, phường Tân Lợi (thành phố Buôn Ma Thuột) thì xảy ra mâu thuẫn. Ngay sau đó, một số cô gái đã lao vào đánh nhau, gây náo loạn cả khu phố. Lúc nãy, Trần Thị Vân (30 tuổi, trú tại TP.Buôn Ma Thuột) đã rời đi, rồi lên ô tô màu đỏ điều khiển với tốc độ cao đâm mạnh vào đuôi ô tô màu trắng của đối phương đang nhậu ven đường. Sau đó, Vân tiếp tục lùi xe và tông mạnh thêm nhiều lần vào xe của cô gái đang mâu thuẫn với mình rồi mới bỏ đi.
Quan sát vụ việc này, luật sư Nguyễn Đức Hùng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiện Duyên – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, việc cố ý điều khiển xe ô tô đâm mạnh vào đuôi xe ô tô của người khác, làm chiếc xe này bị hư hỏng là hành vi “cố ý làm hư hỏng tài sản” của người khác. Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm thì hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Về chế tài hành chính, theo luật sư Hùng, tại điểm a Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính Phủ quy định: Hành vi “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức, trừ trường hợp vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều 21 Nghị định này” sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, cùng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với tài sản bị hủy hoại hoặc làm hư hỏng.
Về chế tài hình sự, luật sư Hùng khẳng định, hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác sẽ cấu thành “tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” (Điều 178 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017) trong các trường hợp sau đây: Gây thiệt hại trị giá trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây: “a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm; b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; đ) Tài sản là di vật, cổ vật”. Loại và mức hình phạt quy định cho tội danh này là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến cao nhất là 20 năm tù. Đồng thời, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trong vụ án này, theo luật sư Hùng để xác định được chính xác trách nhiệm hình sự của bị can thì Cơ quan điều tra sẽ phải tiến hành trưng cầu giám định, để xác định thiệt hại của chiếc xe ô tô màu trắng, cũng như làm rõ nguyên nhân, diễn biến, các tình tiết khách quan của vụ án, các yếu tố về nhân thân, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can.
“Người phạm tội còn có trách nhiệm bồi thường đối với các thiệt hại về tài sản do hành vi phạm tội gây ra theo quy định tại các Điều 584 và Điều 589 Bộ luật dân sự năm 2015, bao gồm các thiệt hại (nếu có) sau đây : Các chi phí sửa chữa, khôi phục lại tài sản bị hư hỏng; Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại; Thiệt hại khác do luật quy định”- luật sư Hùng phân tích.
Luật sư Hùng cũng khẳng định, theo kết quả điều tra ban đầu thì nguyên nhân vụ việc là do một nhóm các cô gái đã có mâu thuẫn và đánh nhau nơi công cộng (quán vỉa hè). Những hành vi này đã gây ảnh hưởng không tốt đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Mặt khác, trong trường hợp gây thương tích cho người khác thì còn có dấu hiệu hành vi “cố ý gây thương tích”.
Đây đều là các hành vi trái pháp luật, tùy thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội gây rối trật tự công cộng” (Điều 318) hoặc/và “tội cố ý gây thương tích” (Điều 134) của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Do đó, theo luật sư Hùng, cơ quan cảnh sát điều tra cũng cần phải điều tra, làm rõ, để xác định có hay không hành vi gây rối trật tự công cộng và cố ý gây thương tích của bị can và những người có liên quan, để xử lý theo quy định của pháp luật.