'Cố ý làm trái' là tội danh chung chung, khó luận tội'
VOV.VN - “Vì vậy, dự thảo Bộ luật không tiếp tục duy trì tội danh cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong BLHS"
Tại Điều 165, Bộ Luật Hình sự hiện hành về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3-12 năm: Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác; có tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt; Gây thiệt hại từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ 10 - 12 năm; Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
“Điều này không đảm bảo tính minh bạch, dễ dẫn đến tình trạng lạm dụng. Do đó, cần cụ thế hóa các hành vi phạm tội trong từng lĩnh vực kinh tế để thay thế tội danh này trong Bộ luật Hình sự hiện hành nhằm đảm bảo tính minh bạch, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp 2013”- ông Dũng nói.
Ông Dũng cho biết, trên cơ sở cụ thể hóa các hành vi quy định tại 34 tội danh trong chương XVI Bộ luật hình sự hiện hành, dự thảo Bộ luật hình sự đã cập nhập, bổ sung thêm một số loại tội phạm mới mang tính chất “Cố ý làm trái” trong thời gian vừa qua, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm. Theo đó, dự thảo Bộ luật hình sự đã quy định 45 tội danh xâm phạm trật tự quản lý kinh tế thuộc 3 nhóm lĩnh vực: sản xuất, kinh doanh, thương mại; thuế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm; Lĩnh vực kinh tế khác. Bộ luật hình sự cũng có một số điều khoản mang tính chất “cố ý làm trái” trong các lĩnh vực khác như; bảo vệ môi trường, quả lý, sử dụng tiền chất, thuốc gây nghiện hoặc các chất ma túy khác; xây dựng…
“Bên cạnh đó, trong các chương tội phạm về chức vụ đã quy định một số tội danh chung liên quan đến hành vi “cố ý làm trái” của người có chức vụ, quyền hạn như tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lạm dụng quyền trong khi thi hành công vụ, tội giả mạo trong công tác… Vì vậy, dự thảo Bộ luật không tiếp tục duy trì tội danh cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong Bộ luật hình sự”- ông Trần Tiến Dũng khẳng định./.