Cuối năm vay tiền trên mạng: Cần tỉnh táo, tránh mắc bẫy
VOV.VN - Lợi dụng nhu cầu cần tiền của người dân dịp cuối năm, các đối tượng cho vay nặng lãi tung các chiêu trò trong hoạt động cho vay. Điều đáng nói, loại tội phạm này có sự biến tướng trong phạm vi, phương thức hoạt động từ môi trường thực tế lên không gian mạng, khiến không ít người dân rơi vào
Theo quy luật, những tháng cuối năm, nhu cầu vay tiền để giải quyết công việc, mua sắm của người dân tăng cao. Nắm bắt được xu hướng này, các đối tượng hoạt động "tín dụng đen" sử dụng nhiều chiêu trò mời chào, dụ dỗ người dân như "hỗ trợ tài chính", "cho vay tiêu dùng không cần thế chấp” quảng cáo trên không gian mạng hoặc dán tờ rơi…
Theo đó, lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, các ứng dụng trên nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook... các đối tượng này đang chuyển dần hoạt động từ cho vay trực tiếp qua các cơ sở cầm đồ, dịch vụ hỗ trợ tài chính, thuê xe tự lái… sang cho vay trên không gian mạng thông qua các ứng dụng, phần mềm gây rất nhiều khó khăn cho công tác đấu tranh, điều tra xử lý của lực lượng Công an.
Theo Thiếu tá Đoàn Văn Linh – Phòng Trọng án, Cục CSHS, Bộ Công an, để xảy ra tình trạng này chủ yếu tập trung ở 4 nguyên nhân sau.
Thứ nhất, thời điểm cuối năm người dân có nhu cầu cao về tài chính để phục vụ các hoạt động chi tiêu. Cùng với đó, các cơ sở kinh doanh lớn, nhỏ, người dân cần tiền để đẩy mạnh hoạt động sản xuất phục vụ nhu tiêu dùng.
Thứ 2, liên quan đến tâm lý của người dân trong thời gian cuối năm, thời điểm này, người dân muốn kết thúc khoản vay, không muốn dây dưa sang đầu năm.
Thứ ba, thời gian cuối năm cũng là quy luật chung của các loại tội phạm trật tự xã hội dẫn đến hoạt động liên quan đến tín dụng đen phức tạp, gia tăng các hoạt động tội phạm phát sinh hệ lụy từ tín dụng đen như hoạt động về đòi nợ, siết nợ, gây thương tích cũng như hủy hoại tài sản.
Thứ 4, liên quan đến hoạt động trên không gian mạng trong thời điểm cuối năm, có rất nhiều hoạt động sôi nổi cũng như phức tạp. Cho nên, các đối tượng cũng lợi dụng hoạt động trên không gian mạng để tăng cường hành vi liên quan đến tín dụng đen.
Từ thực tế đấu tranh các vụ án liên quan đến tín dụng đen, Thiếu tá Đoàn Văn Linh phân tích, hiện nay, tín dụng đen theo phương thức truyền thống cơ bản đã được Bộ Công an đấu tranh quyết liệt, có sự kiềm chế và kéo giảm. Tuy nhiên, lợi dụng sự phát triển của không gian mạng, với thủ đoạn công nghệ cao, các đối tượng chuyển hướng sang hoạt động tín dụng đen qua app trên hội nhóm tín dụng đen trên mạng xã hội.
Về thủ đoạn của nhóm đối tượng này, Thiếu tá Linh cho hay, thứ nhất các đối tượng tạo lập các app, websibe để quảng cáo cho vay, với mức lãi suất cho vay có thể ghi là đúng theo quy định của Bộ Luật Dân sự. Tuy nhiên, khi cho vay, các đối tượng từng bước nâng dần hạn mức và lãi suất cho vay lên để chiếm đoạt tiền lời bất chính.
Thứ hai, các đối tượng lợi dụng các hội nhóm trên không gian mạng. Chẳng hạn như, các hội nhóm về cung cấp tài chính hay hỗ trợ tài chính, quảng cáo các dịch vụ cho vay và mời chào dụ dỗ các nạn nhân tham gia hoạt động vay vốn.
“Một thủ đoạn nữa được các đối tượng áp dụng là, để khống chế người vay khi vay tiền buộc phải trả nợ, các đối tượng yêu cầu người vay phải cho phép app hay cung cấp cho các đối tượng thông tin cá nhân. Hiện nay có thủ đoạn yêu cầu người vay phải cài tài khoản icoud trên điện thoại iphone, để các đối tượng kiểm tra xem, điện thoại iphone đó có giá trị bao nhiêu, và căn cứ giá trị đó có thể cho vay. Khi người vay không có khả năng trả nợ, hoặc trả nợ không đúng hẹn, các đối tượng có thể khóa tài khoản icoud từ xa”- Thiếu tá Linh phân tích.
Ngoài ra, theo Thiếu tá Linh, trong quá trình cho vay, các đối tượng thường yêu cầu người vay phải cung cấp các hình ảnh mang tính chất nhạy cảm. Thậm chí, có một số đối tượng yêu cầu người vay phải quay các clip nhạy cảm. Khi người vay không trả nợ, chúng đe dọa tung các clip đó lên mạng để buộc người vay trả tiền.
“Khi người vay không còn khả năng trả nợ, trước hết, các đối tượng sẽ gọi điện đe dọa dựa trên những thông tin mà người dân cung cấp. Có thể gọi điện cho người vay hằng ngày và chửi bới, lăng mạ. Hoặc gọi điện cho những số điện thoại của người thân, lãnh đạo, đồng nghiệp của người vay đó gây phiền hà. Cùng với đó, các đối tượng còn có thể gọi điện đe dọa cung cấp hình ảnh đó, hay những thông tin có tác động tiêu cực đến người vay lên mạng xã hội gây sức ép hoặc tạo dư luận xấu”- Thiếu tá Linh cung cấp thêm.
Nguy hiểm hơn, theo thiếu tá Linh, các đối tượng cho vay còn có thể sử dụng những hình ảnh, đặc biệt những hình ảnh nhạy cảm mà người vay cung cấp cho các đối tượng. Sau đó, chúng dùng các phần mềm, công cụ, thậm chí là sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo dựng lên hình ảnh, những clip mang tính chất vu khống, không có thật, đe dọa người vay.
Nặng hơn những đối tượng cho vay còn sử dụng những biện pháp mang tính chất vũ lực như thuê các đối tượng bôi chất bẩn, thải, hủy hoại tài sản. Thậm chí, bắt giữ đánh đập đe dọa người vay. Qua đó, ép người ta trả nợ, gây nên những vụ việc, vụ án có hiệu quả rất nghiêm trọng.
“Liên quan đến việc phòng ngừa, xác thực thông tin tài khoản mạng xã hội, xác thực thuê bao di động, xác thực tài khoản ngân hàng, làm sao triệt xóa được nguyên nhân, điều kiện của tội phạm. Ở đây qua theo dõi, các đối tượng thường sử dụng các sim rác, các loại tài khoản ngân hàng không chính chủ, các tài khoản mạng xã hội không được xác thực để trốn tránh sự phát hiện, xử lý của cơ quan công an”- Thiếu tá Linh cho hay.
Theo Thiếu tá Linh, hiện Bộ Công an đã phối hợp tích cực với các ngành ngân hàng, viễn thông, cũng như các cơ quan liên quan để đẩy mạnh xác thực sim rác, tài khoản ngân hàng. Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị đinh 147, yêu cầu các mạng xã hội phải xác thực thông tin người dùng trước ngày 25/12. Đây là những điều kiện rất quan trọng để Bộ Công an có thể giải quyết các nguyên nhân, điều kiện tội phạm.
Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân khi gặp những tình huống, biết được những phương thức thủ đoạn như vậy, hãy chủ động phòng tránh, cũng như chủ động tố giác tội phạm với cơ quan công an và vận động người thân phòng ngừa theo đúng quy định của pháp luật, tránh những hành vi mang tính chất bột phát dẫn đến các hậu quả của tội phạm.