Đào mộ, lấy trộm hài cốt đòi tiền chuộc: Xử lý thế nào?
VOV.VN - Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng, Nguyễn Công Nho đã xâm phạm đến 2 khách thể Bộ luật hình sự điều chỉnh đó là quyền sở hữu tài sản và xâm phạm đến phong tục, tập quán, truyền thống của dân tộc Việt Nam
Ngày 24/10, một lãnh đạo UBND xã Thụy Văn (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) cho biết, trên địa bàn xã vừa xảy ra một vụ án đào trộm mộ, đánh cắp hài cốt nhằm tống tiền, gây rúng động dư luận.
Trước đó, bà Q. (trú thôn 3 An Định, xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy) bất ngờ nhận được tin nhắn từ số máy lạ, thông báo rằng, hài cốt bố chồng bà này nằm trong ngôi mộ an táng tại nghĩa trang nhân dân thôn 3 An Định (xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy) đã bị đào trộm.
Kẻ gian ra điều kiện rằng, nếu muốn "chuộc" lại hài cốt người thân thì gia đình bà Q. phải thu xếp, chuyển cho đối tượng số tiền 300 triệu đồng, nếu không hài cốt người quá cố sẽ bị tiêu hủy.
Do quá hoảng sợ, gia đình bà Q. đã nhanh chóng ra phần mộ của bố chồng an táng tại khu vực nghĩa trang như đã nêu ở trên để kiểm tra thì bàng hoàng phát hiện, đúng là ngôi mộ đã bị kẻ gian đào bới, trộm lấy tiểu quách chứa hài cốt mang đi.
Ngay sau đó, gia đình đã khẩn cấp cầu cứu, trình báo sự việc đến Công an xã Thụy Văn và Công an huyện Thái Thụy.
Tiếp nhận tin báo, Công an huyện Thái Thụy lập tức báo cáo sự việc lên Công an tỉnh Thái Bình, xin ý kiến chỉ đạo.
Xét thấy vụ việc có dấu hiệu phạm tội hình sự nghiêm trọng, gây hoang mang, bức xúc cho dư luận và quần chúng nhân dân, chưa từng có tiền lệ tại tỉnh Thái Bình, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã lập tức tổ chức cuộc họp khẩn, lên chuyên án tổ chức vào cuộc phá án, truy tìm thủ phạm
Sau khoảng hơn 24 giờ tích cực phá án, đến tối muộn ngày 23/10, ban chuyên án đã đấu tranh làm rõ, xác định được Nguyễn Công Nho (sinh năm 1972, trú cùng thôn 3 An Định, xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy, Thái Bình) chính là đối tượng đã gây ra vụ việc nói trên.
Đấu tranh khai thác tại chỗ, đối tượng bước đầu thừa nhận, do nợ nần, túng quẫn, biết gia đình khổ chủ có điều kiện kinh tế khá giả nên đã nảy sinh ra ý định phạm tội nhằm gây sức ép để tống tiền.
Ngay sau khi hoàn tất các thủ tục theo quy định, Công an tỉnh Thái Bình đã tiến hành bàn giao hài cốt bị lấy trộm lại cho gia đình mai táng; đồng thời ra lệnh bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Công Nho để tiếp tục điều tra, làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật.
Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết hành vi của đối tượng là rất táo tợn, vô nhân đạo không những xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ mà còn xâm phạm đến phong tục, tập quán, truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Chỉ vì do nợ nần, túng quẫn mà đối tượng đã lên kế hoạch nhắm đến gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, có người nhà chồng an táng tại khu vực nghĩa trang thực hiện hành vi đào trộm mồ mả lấy hài cốt nhằm gây sức ép để tống tiền. Đối tượng đã uy hiếp tinh thần gia đình nếu không đưa 300 triệu thì sẽ hài cốt người quá cố sẽ bị tiêu hủy.
Xét hành vi phạm tội của đối tượng, luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng, Nguyễn Công Nho đã xâm phạm đến 2 khách thể Bộ luật hình sự điều chỉnh đó là quyền sở hữu tài sản và xâm phạm đến phong tục, tập quán, truyền thống của dân tộc Việt Nam đã cấu thành tội Cưỡng đoạt tài sản và tội Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt.
Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 170 và Điều 319 Bộ luật hình sự. Với hành vi uy hiếp tinh thần gia đình đòi 300 triệu đồng thì đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm a, Khoản 3 Điều 170 Bộ luật hình sự với khung hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
Hành vi của đối tượng đã gây nên sự phẫn nộ không chỉ cho gia đình bị hại mà còn gây bất bình trong dư luận xã hội nên cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật./.
Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản
1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 319. Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt
1. Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
b) Chiếm đoạt hoặc hủy hoại vật có giá trị lịch sử, văn hóa;
c) Vì động cơ đê hèn;
d) Chiếm đoạt bộ phận thi thể, hài cốt.