Đề nghị 2 án chung thân trong vụ lừa “giãn dân phố cổ Hà Nội”
VOV.VN -Đại diện VKS đã đưa ra đề nghị mức án cao nhất là chung thân đối với 4 bị cáo trong vụ án.
Phiên tòa xét xử vụ án “giãn dân phố cổ Hà Nội” bước sang ngày làm việc thứ 3. Tại phiên tòa ngày 11/6, tại phần tranh luận, đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đưa ra đề nghị mức án đối với các bị cáo.
Theo đó, đại diện VKS đề nghị mức án chung thân đối với hai bị cáo gồm: Nguyễn Đức Thắng (SN 1950, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội); Trần Ứng Thanh (SN 1947, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) – nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vật liệu Xây dựng & Xuất nhập khẩu Hồng Hà (Công ty Hồng Hà).
Bị cáo Nguyễn Đức Lợi (SN 1955, trú quận Ba Đình, Hà Nội) – nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Kinh tế Hà Nội (Công ty Hà Nội) bị đề nghị mức án 19-20 năm tù giam.
Bị cáo Nguyễn Quốc Xương (SN 1958, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) – nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty Hồng Hà bị đề nghị mức án 16-18 năm tù giam.
Các bị cáo nói lời sau cùng
VKS cũng cho rằng, việc các công ty thực hiện thu tiền của khách hàng là sai “Nhà thầu không có quyền thu tiền, chưa có quy định nào cho phép nhà thầu được thu tiền cả”, đại diện VKS nói.
Tại tòa, đối đáp lại quan điểm của VKS về vấn đề dân sự của vụ án, luật sư tham gia tranh tụng phản bác quan điểm của cơ quan công tố là các bị cáo Thanh, Xương và Thắng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Luật sư bảo vệ quyền lợi cho các bị hại tại phiên tòa nói: “khách hàng ký với các chủ thể chứ không ký với các cá nhân”.
Các luật sư cũng đề nghị HĐXX xem xét lại nguyên nhân và hậu quả, đồng thời đề nghị xem xét vai trò của UBND quận Hoàn Kiếm trong vụ việc.
Sau khi kết thúc phần tranh luận, các bị cáo được nói lời sau cùng. Trước tòa, bị cáo Nguyễn Quốc Xương gửi lời xin lỗi đến những bị hại tại phiên tòa. Bị cáo Xương cũng nói rằng việc cáo buộc bị cáo tội lừa đảo là không thuyết phục. “Thực sự tôi không có hành động gian dối”, bị cáo Xương nói. Bị cáo Xương mong HĐXX xem xét tội danh và hình phạt để có thể nhanh chóng trở về với xã hội.
Bị cáo Nguyễn Đức Thắng cho rằng mình chỉ thực hiện theo lệnh, không có quyền quyết định và mong HĐXX xem xét. Bị cáo Lợi thì cho rằng, mình không tham gia ký kết không thực hiện việc quảng bá giới thiệu dự án nên đề nghị tòa xem xét lại cáo buộc của VKS.
Đối với nguyên Tổng Giám đốc Công ty Hồng Hà thì chỉ nói HĐXX xem xét, một cách đầy đủ hết tình, hết lý.
Chiều 12/6, HĐXX sẽ đưa ra bản án cấp sơ thẩm đối với các bị cáo trong vụ án lừa đảo trong “giãn dân phố cổ ở Hà Nội”./.
Nội dung vụ việc:Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ tại khu đô thị mới Việt Hưng nằm trong nội dung đề xuất hình thành các dự án thuộc “Đề án giãn dân phố cổ” do UBND quận Hoàn Kiếm cùng đơn vị tư vấn soạn thảo.
Ngày 15/8/2012, Ban Thường vụ Thành ủy thông qua và giao cho UBND TP Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai cơ chế đặc thù, được chỉ định nhà thầu ứng vốn xây dựng và được thi công khu nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ. Việc này vẫn là chủ trương, chưa có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố.
Thông qua Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Đức Lợi - Tổng Giám đốc Công ty Hà Nội và Trần Ứng Thanh - Tổng Giám đốc Công ty Hồng Hà làm việc với UBND quận Hoàn Kiếm để được nhận các Quyết định của quận về thực hiện xây dựng căn hộ phục vụ giãn dân phố cổ.
Dù chỉ được quận giao nghiên cứu “Đề án giãn dân phố cổ” nhưng hai Công ty đã sử dụng các văn bản do quận ban hành để ký hợp đồng mua bán căn hộ, ký hợp đồng góp vốn, nhận đặt cọc của 143 lượt khách hàng với tổng số tiền gần 170 tỷ đồng. Hiện Công ty Hà Nội và Công ty Hồng Hà mới chỉ trả được hơn 33 tỷ đồng, số tiền còn lại các đối tượng không chịu chi trả mà còn bỏ trốn với mục đích chiếm đoạt số tiền trên 130 tỷ đồng./.