Đề nghị truy tố 25 bị can vụ buôn lậu vàng liên quan công ty vàng bạc Phú Quý
VOV.VN - Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an vừa ra Kết luận điều tra, đề nghị truy tố 25 bị can trong vụ án buôn lậu, trốn thuế xảy ra ở công ty Vàng bạc Phú Quý và các đơn vị liên quan.
Trong đó, ông Lê Xuân Tùng (SN 1980, ở Hà Nội), Giám đốc Công ty Đầu tư Vàng Phú Quý và kế toán là Lê Thúy Quỳnh (SN 1979, ở Hà Nội) bị đề nghị truy tố về tội “Trốn thuế”.
Bị can Nguyễn Thị Hóa (SN 1972, ở Quảng Trị) và em chồng là Nguyễn Thị Gái (SN 1970, ở Quảng Trị) cùng 21 người khác phạm vào tội "Buôn lậu".
![Đề nghị truy tố 25 bị can vụ buôn lậu vàng liên quan công ty vàng bạc phú quý hình ảnh 1 De nghi truy to 25 bi can vu buon lau vang lien quan cong ty vang bac phu quy hinh anh 1](https://media.vov.vn/sites/default/files/styles/large/public/2025-02/le-xuan-tung-vang-phu-quy-17394633596462136461865.png.jpg)
Theo kết luận điều tra, Công ty CP Đầu tư Vàng Phú Quý được thành lập năm 2008, vốn điều lệ 250 tỷ đồng với trụ sở tại phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) – tuyến phố nổi tiếng với nhiều cửa hàng kinh doanh vàng bạc, đồ trang sức.
Bị can Lê Xuân Tùng là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Vàng Phú Quý. Doanh nghiệp này có ngành nghề chính là sản xuất kim loại màu và kim loại quý, gia công cơ khí, buôn bán vàng bạc, kinh doanh vàng nhưng không bao gồm nhập khẩu vàng nguyên liệu.
Về hành vi Trốn thuế, cơ quan điều tra xác định công ty Vàng Phú Quý đã sử dụng 4 phần mềm để quản lý mua bán vàng hàng ngày, hạch toán, kế toán. Trong đó bị can Lê Xuân Tùng chỉ đạo nhân viên kinh doanh ghi nhận toàn bộ hoạt động mua, bán vàng lên phần mềm ERP, Jewelry.
Bị can Lê Xuân Tùng cũng yêu cầu kế toán cập nhật số liệu phục vụ việc báo cáo, kê khai thuế, theo hướng không đưa vào một số giao dịch không có hoá đơn chứng từ; chỉ theo dõi, hạch toán các hoạt động mua bán có hoá đơn, chứng từ.
Trong đó, năm 2021, Công ty Vàng Phú Quý có doanh thu thực tế là hơn 3.951 tỷ đồng nhưng chỉ khai báo doanh thu là hơn 1.860 tỷ, chênh lệch hơn 2.090 tỷ đồng. Hành vi này dẫn đến việc kê khai không đầy đủ số thuế phải nộp, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 6 tỷ đồng.
Đối với hành vi Buôn lậu, cơ quan điều tra xác định Nguyễn Thị Hoá đã sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn để buôn lậu vàng từ Lào về Việt Nam. Cụ thể, Nguyễn Thị Hoá đã móc nối với đối tượng người Lào là Thoong Nhã. Cả hai bên thống nhất mua bán vàng và phương thức vận chuyển vàng từ Lào về Việt Nam.
Phương thức nhất, áp dụng từ đầu năm 2022 đến tháng 5/2023, Thoong Nhã thuê các đối tượng người Lào có thể nói tiếng Việt Nam, lái xe ô tô biển số Lào, vận chuyễn vàng vào Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo.
Vàng được giao cho Hóa tại khu vực bờ hồ trước cửa nhà Hóa ở thị trấn Lao Bảo, mỗi lần từ 5-10 kg vàng. Nhóm giao hàng sẽ nhận lại tiền thanh toán, mang về Lào cho Thoong Nhã. Cảnh sát chưa xác định được cụ thể số lượng vàng lậu được giao theo cách này.
Phương thức hai, từ khoảng tháng 5/2023, Thoong Nhã không tổ chức vận chuyển vàng nữa nên Hoá phải tự tổ chức nhận vàng từ Thoong Nhã tại Viêng Chăn rồi đưa về Việt Nam. Để thực hiện, Hóa sẽ gửi USD sang Lào trước, cho một đối tượng tên È, gần biên giới.
Sau đó, nhiều bị can là người trong gia đình Hóa sẽ đi xe máy sang Lào, nhận USD từ È rồi bắt xe khách đến nhà Thoong Nhã tại Viêng Chăn đề trả USD, thanh toán tiền mua vàng và mang về cho È. Mỗi người sẽ được trả công 5 triệu đồng/chuyến. Số vàng này sau đó được các đối tượng tìm cách đưa về Việt Nam.
Cơ quan điều tra xác định, với cách thức như trên, các đối tượng đã vận chuyển tử Lào về Việt Nam 310kg vàng, tổng trị giá hơn 454 tỷ đồng và sau khi tiêu thụ thành công, bị can Hóa hưởng lợi bất chính 310 triệu đồng.