Đề nghị truy tố nguyên Phó Chủ tịch tỉnh trong vụ "rút ruột" tượng đài
Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ và đề nghị cơ quan công tố truy tố 10 đối tượng trong đó có ông Phạm Hoàng Be, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu (cũ).
Sau hơn 16 tháng điều tra, ngày 13/10, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có đề nghị gửi Viện KSND tối cao truy tố 10 đối tượng gồm: Lương Phượng Các, nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Lai Châu (cũ); Lê Văn Viễn, nguyên Phó Giám đốc Ban Quản lý (BQL) dự án di tích Điện Biên Phủ; Trần Quốc Hưng, nguyên kế toán BQL Dự án; Nguyễn Văn Chính, nguyên cán bộ giám sát BQL Dự án; Võ Thị Hồng, nguyên Giám đốc Công ty Mỹ thuật Trung ương (MTTW); Nguyễn Trọng Hạnh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đoàn Kết; Lê Huyên, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội; Nguyễn Đức Sứng, nguyên Chủ nhiệm Khoa Tạo dáng - Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội; Nguyễn Trung Kiên, nguyên cán bộ giám sát BQL Dự án chuyên ngành xây dựng; và Phạm Hoàng Be, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu (cũ).
Các đối tượng trên bị đề nghị truy tố về các tội danh: cố ý làm trái, tham ô tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn, đưa - nhận hối lộ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngày 26/2/2003, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt tổng thể dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ. Dự án được chia làm hai giai đoạn và phần lớn do ngân sách Trung ương cấp.
Ngay sau khi Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ hoàn thành tháng 5/2004, đến năm 2007, toàn bộ nhóm tượng đài đúc bằng đồng đã hoen ố, gỉ sét, nứt rỗ không thể khắc phục được, sân hành lễ bị sụt lún, kè đá bị đổ vỡ phải làm lại.
Trong nhiều hành vi gây ra, đáng chú ý là hành vi tham ô trong suốt quá trình thi công phần mỹ thuật đúc đồng Tượng đài Điện Biên Phủ, BQL Dự án đã cố ý làm trái quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng, không thuê đơn vị tư vấn giám sát.
Sau khi tượng đài được xây xong, Lương Phượng Các đã chỉ đạo Lê Văn Viễn và Trần Quốc Hưng tìm đơn vị có tư cách pháp nhân để lập và ký khống hồ sơ tư vấn giám sát thi công phần mỹ thuật. Trần Quốc Hưng đã tìm gặp ông Bùi Quang Hải, giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội và được ông Hải giới thiệu đến gặp các ông Sứng, Huyên để bàn và thỏa thuận việc ký khống.
CQĐT xác định hành vi tham ô tài sản là 242 triệu đồng; cố ý làm trái là hơn 10,9 tỷ đồng; đưa và nhân hối lộ là 500 triệu đồng; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây thiệt hại 9,1 tỷ đồng.
Ngoài ra, CQĐT Bộ Công an đã đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý hành chính đối với hơn 20 cán bộ có liên quan; trong đó có ông Vi Trọng Toán, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTT; ông Quàng Văn Binh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu (cũ); ông Bùi Viết Bính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên…/.