Đến khi nào người mẫu Trang Trần phải thi hành án?
VOV.VN -Khung hình phạt bị đề nghị truy tố đối với Trang Trần thấp nhất là cải tạo không giam giữ nhưng việc áp dụng cải tạo là rất hiếm gặp.
Có “cửa” án treo cho Trang Trần
Như vậy, sau một thời gian điều tra, vừa qua, cơ quan cảnh sát điều tra, Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đưa kết thúc điều tra, đề nghị truy tố Trần Thị Trang (30 tuổi, nghệ danh Trang Trần) tội Chống người thi hành công vụ.
Đây là vụ án tốn không ít bút mực của báo chí, khi một người thuộc làng giải trí bị cơ quan điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự. Trang Trần bị đề nghị truy tố theo khoản 1, điều 257 Bộ luật hình sự.
Trần Thị Trang |
Theo nội dung vụ án, rạng sáng 27/2, xe taxi chở Trần Thị Trang và bạn đi ngược chiều trên phố Tạ Hiện và bị lực lượng chức năng phát hiện và yêu cầu kiểm tra.
Dù không liên quan đến mình, nhưng Trần Thị Trang đã có hành vi ngăn cản lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, đồng thời có những lời lẽ lăng mạ, tấn công cán bộ Công an phường Hàng Buồm.
Ngay sau đó, Trang được dẫn giải về trụ sở công an. Tại đây, Trần Thị Trang tiếp tục có lời lẽ lăng mạ công an.
Phân tích vụ việc, luật sư Vũ Ngọc Chi – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, Trang Trần hoàn toàn nhận thức được hành vi của mình là cản trở người thi hành công vụ nhưng vẫn thể hiện sự chống đối. Lỗi của Trang Trần ở đây là lỗi cố ý trực tiếp.
Theo điều 9, Bộ luật hình sự, hành vi cố ý người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.
Ngoài ra, Trang Trần còn có hành vi dùng vũ lực, đấm đá, dùng lời lẽ lăng mạ, bôi nhọ lực lượng chức năng, nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ. Hành vi của Trang Trần đủ cấu thành tội Chống người thi hành công vụ.
Hành vi chống người thi hành công vụ trực tiếp xâm phạm đến hoạt động bình thường, đúng đắn của các cơ quan Nhà nước, tổ chức, làm giảm hiệu lực quản lý của các cơ quan, tổ chức đó.
Tội phạm này được quy định nhằm đấu tranh phòng và chống các hành vi chống người thi hành công vụ, giữ gìn trật tự công cộng, tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người đang thi hành công vụ.
Với mức đề nghị truy tố theo khoản 1, điều 257, Bộ Luật hình sự, Trang Trần có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Thực tiễn tham gia tranh tụng tại các phiên tòa xét xử liên quan đến tội Chống người thi hành công vụ, luật sư Chi cho biết, bị cáo thấp nhất của loại tội danh này cũng ở mức 6 tháng tù giam, ông chưa bao giờ thấy tòa án tuyên phạt bị cáo mức hình phạt cải tạo không giam giữ.
“Thực tiễn việc áp dụng cải tạo không giam giữ đối với tội Chống người thi hành công vụ là rất hiếm gặp”, luật sư Chi nói.
Tuy nhiên, theo điều 60, Bộ luật hình sự, Trang Trần sẽ được hưởng án treo nếu mức xử phạt tù đối với người này không quá 3 năm, căn cứ vào nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt thi hành hình phạt tù, thì tòa án sẽ cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 1- 5 năm.
Đối với Trang Trần, luật sư Chi cho rằng, người này có nhiều tình tiết giảm nhẹ như nhân thân tốt, phạm tội lần đầu và tham gia hoạt động từ thiện mang lại lợi ích cho xã hội.
Nếu nhận án “ngồi”, khi nào Trang Trần phải thi hành án?
Trong trường hợp Trang Trần bị tòa án tuyên phạt án tù giam, lúc đó người này phải chấp hành hình phạt tù.
Tuy nhiên, ở thời điểm này, Trang Trần đang mang thai, đối với loại hành vi ít nghiêm trọng, cựu người mẫu có thể sẽ được hoãn chấp hành hình phạt tù.
Luật sư Vũ Ngọc Chi cho biết, theo khoản 1, điều 61, Bộ luật hình sự: Đối với người phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi.
Theo quy trình của Bộ luật tố tụng hình sự, nếu không có gì thay đổi trong quy trình xem xét hồ sơ vụ án thì phiên tòa xét xử vụ án Trang Trần chống người thi hành công vụ sẽ diễn ra trong vòng khoảng 2 - 3 tháng nữa.
Nếu Trang Trần bị tuyên phạt tù giam, thì cũng phải đến năm 2018, Trang Trần mới phải thi hành án./.