Đừng để tín dụng đen hoành hành dịp cuối năm
VOV.VN - Những tháng cuối năm, nhu cầu vay tiền để giải quyết công việc, mua sắm của người dân tăng cao, nắm bắt được xu hướng này, các đối tượng hoạt động "tín dụng đen" sử dụng nhiều chiêu trò như "hỗ trợ tài chính", "cho vay tiêu dùng không cần thế chấp” được dán quảng cáo khắp ngõ phố và trên mạng xã hội.
Chỉ tính từ tháng 8 - 11/2023, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM đã lập hàng chục chuyên án, bắt xử lý hình sự vài chục đối tượng thuộc nhiều băng nhóm dán tờ rơi, hoạt động cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Vậy trong những tháng cuối năm phía lực lượng chức năng có những giải pháp nào trước thực trạng này?
Tín dụng đen là cụm từ không còn quá xa lạ với chúng ta khi mà các phương tiện truyền thông cũng như Kênh VOV giao thông nhiều lần đề cập đến trong các bài viết trước. Thế nhưng vào thời điểm cuối năm và tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn thì nhu cầu vay vốn của người dân ngày càng tăng cao. Đây cũng chính là thời điểm thích hợp để hoạt động "tín dụng đen" rầm rộ trở lại.
Khi di chuyển trên các tuyến phố, chằng chịt những tời rơi quảng cáo vay tín dụng được dán với lời mời gọi hấp dẫn như giải ngân trong ngày; cho vay trả góp chỉ cần chứng minh nhân dân photo và hộ khẩu; cho vay trả góp hàng ngày... kèm theo số điện thoại liên hệ "chỉ cần alo là có tiền"… Với chiêu dụ dỗ này đánh trúng vào tâm lý của những người có nhu cầu vay vốn.
Lần theo thông tin từ tờ rơi quảng cáo, phóng viên đã tiếp cận được một người tự xưng là nhân viên cho vay tín dụng tiêu dùng và được họ mời chào với lãi suất 10% cho khoảng vay 10 triệu đồng với thủ tục nhanh gọn: "Nói chung bên anh bây giờ những khoản vay mà từ 10 triệu trở lại thì chỉ cần chứng minh, hộ khẩu hoặc sổ tạm trú của em. Nếu em đồng ý với lãi suất 10% tháng thì ok, nói thẳng ra với những khoản vay nhỏ nhỏ giờ em đi đâu nó cũng thế à. Giờ anh nói với em là giờ em ra ngoài đường ai cũng thế thôi, người ta biết được chỗ vay thì tụi em đã vay lâu rồi chứ cần chi nhờ tới anh. Nếu em thấy được thì anh em mình hợp tác cho em vay".
Hiện nay còn xuất hiện một dạng cho vay lãi nặng dưới hình thức hỗ trợ tài chính gọi là cho vay trực tuyến qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. Mạng xã hội như Facebook, Zalo… cũng là một công cụ để các đối tượng có thể tiếp cận dễ dàng với những người có nhu cầu vay vốn. Chỉ bằng những thao tác đơn giản, vài cú "click" hợp đồng giao kèo, người vay sẽ biến thành "con nợ" và rơi vào mê trận tính lãi suất và phí vì thiếu hiểu biết.
Là một trong những nạn nhân hình thức vay trực tuyến, anh Nguyễn Văn Ơn cho biết, mình đã vay trả góp 30 triệu đồng để mua xe máy với lãi suất 6%/tháng, trễ 1 ngày phạt 500.000 đồng.
Tuy nhiên, sau vài tháng kẹt tiền, trễ hạn số tiền nợ của anh Ơn đã được cộng dồn lên vượt quá số tiền vay ban đầu: "Vay 30 triệu mà đóng lãi là 22,7 triệu/tháng mà tới bây giờ là đóng lãi hơn 30 triệu rồi. Nó cũng có gọi điện nhắc nhở 2 3 lần, nếu mình không có tiền là vài bữa nó kéo xuống".
Để ngăn chặn hoạt động "tín dụng đen" nhất là trong thời cuối năm, Thượng tá Lê Vinh Tùng - Phó phòng Chánh án Cục Cảnh sát hình sự, Bộ công an cho biết sẽ chủ động nắm tình hình để có những biện pháp phù hợp với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan "tín dụng đen"; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân khi có nhu cầu vay tiền, nên tiếp cận nguồn vốn hợp pháp: "Chủ động nắm chắt tình hình những hoạt động liên quan đến tín dụng đen kể cả hình thức mới để tham mưu cho các lãnh đạo từ trung ương đến địa phương để có thể triển khai các biện pháp phù hợp. Phổ biến tuyên truyền để phòng ngừa chung, tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ để chuyển đổi trạng thái phòng chống các loại tội phạm từ truyền thống sang ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong công tác phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm liên quan đến tín dụng đen nói riêng".
Ngoài sự vào cuộc của lực lượng công an nhằm trấn áp tội phạm liên quan đến hình thức cho vay nặng lãi thì theo luật sư Lê Quang Vũ - Đoàn luật sư TpHCM cho rằng, chính quyền nên tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính có liên kết với ngân hàng để hỗ trợ những nguồn vốn ‘sạch’ đến cho người lao động: "Với nhu cầu vay vốn hiện nay nên chính quyền phải tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính có liên kết với ngân hàng đang hoạt động đúng pháp luật cung cấp những nguồn vốn nhằm giải quyết các vấn đề cấp thiết của đời sống và cơ quan nhà nước cũng không phải mất nhiều thời gian để đi giải quyết những vấn đề hệ lụy liên quan đến tín dụng đen lâu nay".
Ngoài sự thiếu hiểu biết thì vấn đề thủ tục vay vốn cũng là rào cản lớn khiến cho người lao động khó tiếp cận với nguồn vay từ các tổ chức tài chính, ngân hàng hoạt động theo đúng pháp luật.
Để giải quyết căn cơ nạn tín dụng đen, theo ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho rằng, người lao động nên được tiếp cận nhiều hơn với các khoản vay để họ có thể mưu sinh, ổn định cuộc sống: "Các cơ chế chính sách của chính phủ hỗ trợ tạo điều kiện nâng cao cuộc sống của người dân đặc biệt khi được kết hợp với các chương trình tín dụng chính sách như cho vay nhà ở xã hội các chương trình cho vay chính sách xã hội của ngân hàng chính sách xã hội thì có thể nói hiệu ứng lan tỏa của nó sẽ rất tốt là một giải pháp bền vững để phòng chống tín dụng đen bởi vì khi các đối tượng yếu thế, người nghèo được tiếp cận các khoản vay để họ mưu sinh hay giải quyết việc làm thì nó sẽ tạo công ăn việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, qua đó sẽ góp phận hạn chế việc cho vay tín dụng đen".
Coi chừng "sập bẫy"
Để hạn chế tình trạng người dân mắc bẫy "tín dụng đen", bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng triệt tiêu loại hình tội phạm này thì các tổ chức tín dụng hợp pháp cần thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để giúp người dân có điều kiện tiếp cận nguồn vốn "sạch".
Trong thời gian qua, mặc dù lực lượng công an đã liên tục tổ chức các đợt tấn công, truy bắt các đối tượng cho vay nặng lãi, tín dụng đen nhưng tình hình vẫn không có dấu hiệu suy giảm. Các đối tượng cho vay nặng lãi, tín dụng đen ngày càng hoạt động tinh vi và biến tướng hơn. Với danh nghĩa là công ty tài chính hoặc tổ chức phi ngân hàng, nhiều đối tượng đã lập ra các app, các ứng dụng để lôi kéo người vay.
Trắng trợn hơn, có nơi còn tổ chức phát tờ rơi; công khai tiếp xúc trực tiếp với khách hàng với đủ chiêu thức để dụ dỗ. Các ứng dụng, hội nhóm hoạt động trên các nhóm kín zalo, facebook nên cũng khó phát hiện. Bên cạnh đó, các nhóm dụ dỗ chơi tiền ảo, mua vàng ảo cũng thường xuyên xuất hiện kết bạn với nhiều người trên mạng xã hội.
Hầu hết các vụ vay với các hình thức tín dụng đen này, người vay đều phải trả với lãi "cắt cổ" lên đến vài chục phần trăm một tháng. Khi người vay chưa kịp thanh toán không chỉ bản thân bị nhắn tin khủng bố, thóa mạ trên mạng xã hội; rồi người nhà, người quen cũng bị tấn công tương tự. Táo tợn hơn có nhóm đối tượng còn tổ chức tạt sơn, bôi chất bẩn lên tường nhà; bắt cóc người vay, hành hung đe dọa.
Người vay tín dụng đen đa số là người có thu nhập thấp, đời sống khó khăn. Không có khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thống. Bản thân cũng có phần dễ dãi trong ăn tiêu nên dễ bị lợi dụng. Đó là chưa kể, nhiều người cũng tiếp tay cho hành vi vi phạm như tham gia, cổ vũ và làm theo các hội nhóm như giựt nợ, "bùng nợ" - một xu hướng xấu đang lan rộng ở nhiều nơi. Khiến các tổ chức tín dụng càng ngần ngại duyệt hồ sơ cho vay.
Về mặt xử lý, tội cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen dù đã có quy định trong Luật hình sự nhưng chế tài xử lý theo nhiều chuyên gia là còn nhẹ so với tội trạng. Đó là chưa kể tình trạng tố giác, đấu tranh với loại tội phạm này nhiều lúc chưa triệt để. Trong khi nguồn tài chính lành mạnh chính thống từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng ở nhiều nơi còn rườm rà về thủ tục, người có nhu cầu khó tiếp cận. Nhiều người vì bức bách buộc phải vay nóng, vay với lãi suất cao từ bên ngoài.
Dịp cuối năm này, nạn cho vay nặng lãi, tín dụng đen có dấu hiệu nở rộ. Tình trạng đòi nợ thuê, đời nợ theo kiểu khủng bố lại có cớ ăn theo.
Do vậy bên cạnh việc ra quân trấn áp của lực lượng chức năng, các cấp, các ngành, nhất là các tổ chức đoàn thể và tổ chức tín dụng, ngân hàng cần quan tâm hỗ trợ để người lao động có cơ hội được vay các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi với các thủ tục, nhanh gọn, dễ làm.
Tổ chức các hội, nhóm tiết kiệm cho vay xoay vòng chặt chẽ, tín nhiệm theo kiểu người có giúp người khó. Cơ quan quản lý tạo lập thị trường cho vay lành mạnh qua hệ thống quản lý từ cấp cơ sở gần dân nhất để khi cần là người vay dễ tiếp cận. Truyền thông để người dân hiểu biết xung quanh các loại hình vay nợ.
Cẩn thận với các món vay có nhiều ưu đãi, hấp dẫn, mời chào dễ dàng nhưng rất có thể chính là cái bẫy do đối tượng xấu giăng ra. Một yêu cầu nữa là xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh; xử lý thích đáng các hành vi cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen; đòi nợ thuê, đòi nợ theo kiểu khủng bố.
Với mỗi người vay, khi bắt buộc phải vay nợ bên ngoài cần tìm hiểu rõ về tổ chức và cá nhân cho vay; có giao kết rõ ràng; đồng thời thực hiện nghĩa vụ trả nợ đầy đủ. Khi bị đòi nợ theo kiểu tấn công, đe dọa cần báo ngay cho cơ quan chức năng.
Và căn bản, lâu dài trong đời sống của mỗi người vẫn là cần "liệu cơm gắp mắm", "không vung tay quá trán"; thận trọng, tiết kiệm trong chi tiêu, sinh hoạt; tránh rơi vào tình trạng lâm vào cảnh nợ nần chồng chất,mất khả năng chi trả; dễ bị kẻ xấu lợi dụng.