Giám đốc Công an Bình Dương: “Tích cực chuyển hóa địa bàn, kéo giảm tệ nạn xã hội"
VOV.VN - Trong tháng 5, công an tỉnh Bình Dương sẽ mở một đợt cao điểm trấn áp tội phạm đến cuối tháng 5 để đảm bảo an ninh trật tự, đặc biệt là dịp trước lễ 19/8 và 2/9.
Năm 2022, Bình Dương xảy ra 886 vụ phạm pháp hình sự, tăng 349 vụ; tội phạm về trật tự xã hội là 1.019 vụ, tăng 283 vụ so với năm 2021. Số vụ án tăng khiến Bình Dương trở thành địa bàn "nóng" về tệ nạn xã hội.
Để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, Công an tỉnh Bình Dương lên kế hoạch trấn áp tội phạm, từ đó tạo môi trường sống an toàn cho người dân. Phóng viên VOV phỏng vấn Đại tá Tạ Văn Đẹp - Tân Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương về nội dung này.
PV: Ông từng là Phó Giám đốc Công an tỉnh Tây Ninh, hiện nay trên cương vị mới là Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, vậy so với tỉnh Tây Ninh thì liệu tình hình an ninh trật tự của Bình Dương có phức tạp hơn không, thưa ông?
Đại tá Tạ Văn Đẹp: Mỗi địa bàn có tính chất phức tạp, khó khăn khác nhau. Tây Ninh phức tạp an ninh biên giới, còn Bình Dương là “thủ phủ công nghiệp” phức tạp liên quan đến an ninh kinh tế, an ninh trong công nhân.
Ở Bình Dương, tình hình an ninh trật tự so với quy mô nền kinh tế thì không phải phức tạp lắm nhưng về số vụ án so với các tỉnh Đông Nam Bộ thì phức tạp hơn. Đặc biệt, gần đây, tình hình tội phạm giết người, tội phạm đường phố, cố ý gây thương tích xảy ra rất nhiều.
Thời gian qua, Công an Bình Dương quyết liệt, quyết tâm vừa tham mưu vừa tổ chức thực hiện, đấu tranh trấn áp tội phạm. Do đó, số vụ được kéo giảm nhưng ở góc độ nào đó tính chất chưa ổn định. Thời gian tới, Công an tỉnh Bình Dương sẽ cố gắng để thực hiện cho tốt hơn.
PV: Bình Dương có rất đông lao động từ các nơi đến sinh sống, làm việc nên tình hình an ninh trật tự khá phức tạp và khó khăn trong công tác quản lý địa bàn. Sắp tới, Công an tỉnh Bình Dương sẽ tập trung vào nhiệm vụ này như thế nào, thưa ông?
Đại tá Tạ Văn Đẹp: Ban Giám đốc Công an tỉnh sẽ có cuộc họp với các cơ quan tham mưu để đánh giá lại. Qua báo cáo tổng kết năm 2022 và từ các ý kiến tham luận, hiện nay Bình Dương đang nổi lên vấn đề tội phạm ở khu dân cư. Để giải quyết vấn đề này bắt buộc phải chuyển hóa địa bàn.
Năm 2022, trong 7 địa bàn trọng điểm cấp cơ sở đã có 5 địa bàn được chuyển hóa, 2 địa bàn chưa đạt và sẽ tiếp tục được chuyển hóa. Năm 2023, Công an tỉnh đưa ra mục tiêu chuyển hóa thêm 5 địa bàn cấp cơ sở. Còn cấp huyện, mỗi nơi chọn 1 địa bàn để chuyển hóa, đồng thời xây dựng phường điển hình an ninh trật tự.
Đối với tội phạm đường phố thì chúng tôi xây dựng kế hoạch phối hợp nhiều lực lượng để tổ chức vừa tuần tra vũ trang, vừa tuần tra kiểm soát giao thông cũng như mật phục để triệt xóa. Tổ chức tuyên truyền, nếu các đối tượng này bất chấp pháp luật thực hiện thì chúng tôi sẽ có kế hoạch nghiệp vụ, xác lập các chuyên án đấu tranh.
Trong tháng 5, chúng tôi sẽ mở một đợt cao điểm trấn áp tội phạm đến cuối tháng 5 để đảm bảo an ninh trật tự, đặc biệt là dịp trước lễ 19/8 và 2/9.
PV: Hiện nay, ở Bình Dương phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc đã phát huy được một số hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn một số mô hình hoạt động mờ nhạt. Trong thời gian tới, Công an tỉnh sẽ làm gì để huy động sức mạnh toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc?
Đại tá Tạ Văn Đẹp: Về phong trào này, chúng tôi sẽ phối hợp Ủy ban MTTQ của tỉnh để đánh giá lại, lựa lại chọn mô hình đang phát huy hiệu quả để nhân rộng. Đồng thời lựa chọn những mô hình mới có hiệu quả để thí điểm thực hiện. Song song đó, rà soát lại những mô hình trùng nhau, không hiệu quả để hạn chế bớt. Bởi hiện nay, Bình Dương có nhiều mô hình nên thành viên trùng giẫm nhau, thực hiện tương đồng nhau. Từ đó sẽ tính toán lại, tránh việc làm tràn lan sẽ không hiệu quả.
PV: Xin cảm ơn ông./.