Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu: Đại úy công an phá nhiều chuyên án trên mạng
VOV.VN - Đam mê công nghệ từ nhỏ, trong quá trình công tác tại Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Đại úy Lê Thế Văn có nhiều sáng kiến, cống hiến. Qua đó, phá được nhiều đường dây lừa đảo lớn.
Công tác tại Phòng 3, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, với những thành tích đặc biệt, Đại úy Lê Thế Văn (sinh năm 1989) vừa trở thành một trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023.
“Bản thân tôi cảm thấy vô cùng tự hào, vinh dự khi được là 1 trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2023. Đó là sự ghi nhận rất lớn từ các cấp lãnh đạo, các cơ quan đoàn thể đối với cá nhân tôi, cũng như đối với đoàn viên, thanh niên công an nhân dân”- Đại úy Văn nói.
Thi Đại học chỉ chọn một trường và duy nhất một ngành mình thích
Theo chia sẻ của Đại úy Văn, anh sinh ra trong một gia đình có 5 anh chị em, bố mẹ làm nông nghiệp, tại thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa. Từ nhỏ anh đã yêu thích công nghệ thông tin, nên thường sưu tầm các bài báo, đặc biệt là nghe các bài viết về vấn đề này trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.
Đến khi tốt nghiệp cấp 3, vào Đại học, Văn chỉ đăng ký đúng một trường là Đại học Bách khoa, và đăng ký đúng một ngành là Công nghệ thông tin. Năm 2012 tốt nghiệp Đại học, trong một buổi chiều đang đạp xe trên đường về nhà, anh Văn nhận được điện thoại của lớp trưởng nói về việc Bộ Công an đang tuyển dụng cán bộ ngành An ninh mạng. Phần vì tò mò, phần vì muốn cống hiến sức trẻ, anh quyết tâm nộp hồ sơ vào. Trải qua nhiều vòng thi khắc nghiệt, cựu sinh viên Bách khoa trúng tuyển và trở thành thiếu uý chuyên lĩnh vực An ninh mạng.
Nhiệm vụ của anh cũng như các chiến sĩ trong phòng đó là tập trung nắm tình hình trên không gian mạng, kịp thời báo cáo xử lý các đối tượng có hoạt động vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến An ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội
“Môi trường mạng là môi trường ẩn danh, ngoài ra công nghệ luôn cải tiến, đổi mới nhanh chóng. Do đó, để làm tốt công tấc phòng/chống tội phạm mạng đòi hỏi các cán bộ chiến sỹ phải liên tục học hỏi, trau dồi các kiến thức, nghiệp vụ công an nhân dân cũng như cập nhật các nền tảng công nghệ mới nhất”- anh Văn nói.
Với sự nỗ lực không mệt mỏi, trong hơn 12 năm làm việc tại Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Đại úy Lê Thế Văn đã tham gia phá nhiều chuyên án đấu tranh với các đối tượng có hoạt động trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia. Trong đó, nổi bật là chuyên án đấu tranh với hoạt động thu thập, mua bán, sử dụng trái phép thông tin, dữ liệu cá nhân trên không gian mạng lớn nhất từ trước đến nay.
Trong chuyên án này, với vai trò là trinh sát chủ lực, Đại úy Lê Thế Văn đã tham mưu, đề xuất, tham gia xây dựng các kế hoạch, báo cáo, tổng hợp, đánh giá tài liệu phục vụ ban chuyên án.
Theo nhận định của Đại úy Văn, các đối tượng này hoạt động rất tinh vi, xảo quyệt, sử dụng thông tin ảo, tài khoản ngân hàng ảo để đăng thông tin mua bán dữ liệu công khai trên các hội, nhóm; dùng các dịch vụ ẩn danh, xóa dấu vết để thực hiện hành vi phạm tội nên việc tìm ra thông tin thật của đối tượng là vô cùng khó khăn.
“Tôi và các đồng đội đã cố gắng lần tìm theo từng dấu vết, đầu mối liên quan, xác minh trong thời gian dài nhưng đều không có kết quả cụ thể. Tưởng chừng việc tìm ra các đối tượng đi vào bế tắc, tuy nhiên, tôi phát hiện được một tài khoản facebook có hoạt động rao bán dữ liệu cá nhân trên hội nhóm đồng thời trước đây đối tượng còn có hoạt động sử dụng facebook này rao bán, môi giới bất động sản. Từ các thông tin này, chúng tôi đã triển khai xác minh, thu thập thông tin và tìm ra được thông tin cụ thể của đối tượng, Sau đó đã sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để thuyết phục, mời đối tượng về cơ quan làm việc”- Đại úy Văn kể.
Bằng kinh nghiệm trinh sát, anh đã cùng đồng đội mưu trí, sáng tạo giải quyết các vấn đề khó của chuyên án đảm bảo linh hoạt, hiệu quả. Qua đấu tranh đã triệu tập, khám xét khẩn cấp, giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với toàn bộ 15 đối tượng chính và liên quan trong chuyên án; tạm giữ 4 tỷ 50 triệu đồng, 18 máy tính, 19 điện thoại di động, 13 ổ cứng, 9 USB, 11 sim điện thoại, 24 tài khoản trực tuyến (facebook, zalo, email). Từ đó làm rõ, hoạt động chiếm đoạt, thu thập, rao bán, sử dụng trái phép 1.237GB dữ liệu chứa hàng trăm triệu thông tin về cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ điện lực, giáo dục, ngân hàng, bảo hiểm, đăng ký kinh doanh, tài chính, viễn thông…, vô hiệu hóa hoàn toàn hoạt động thu thập, chiếm đoạt, rao bán dữ liệu, thông tin cá nhân.
“Dữ liệu các đối tượng mua bán, trao đổi chứa thông tin rất chi tiết về các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, như: họ tên, ngày sinh, số CMND, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng (bao gồm cả số dư), thân nhân, chức vụ, vị trí công tác… Nhiều đối tượng còn cam kết “bảo hành” (cam kết tính chính xác) và có khả năng cập nhật dữ liệu, trích xuất dữ liệu theo yêu cầu người mua. Điều này cho thấy, những dữ liệu “gốc” này được thu thập, trích xuất từ các hệ thống quản lý thông tin của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đặc biệt là những hệ thống chứa thông tin liên quan người dân trên toàn quốc, như điện lực, ngân hàng, y tế, giáo dục, viễn thông hoặc hệ thống hành chính công điện tử”- Đại úy Văn nói.
Ngoài ra, hai năm liên tiếp, Đại úy Lê Thế Văn đã trực tiếp tham mưu 2 báo cáo để gửi lên Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Ban Bí thư, 18 báo cáo gửi lên lãnh đạo Bộ và hơn 30 văn bản trao đổi Công an đơn vị, địa phương liên quan về tổ chức đấu tranh, ngăn chặn, bóc gỡ, vô hiệu hóa âm mưu, hoạt động sử dụng không gian mạng chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, phản động, chống đối trong và ngoài nước….
Từ sinh viên Bách khoa thành Đại úy công an xuất sắc
Không chỉ giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, Đại uý Lê Thế Văn đã gương mẫu, xung kích và năng nổ đi đầu tham gia các hoạt động, phong trào đoàn thể do chi đoàn và Đoàn Thanh niên Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phát động,….Với những đóng góp của mình trong lĩnh vực an ninh mạng, năm 2023, Đại úy Lê Thế Văn nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Trong năm 2022 và 2023, anh nhận 4 bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an về thành tích xuất sắc trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Đại úy Lê Thế Văn cũng là 1 trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023.
Với những thành tích đạt được, Đại úy Lê Thế Văn luôn tâm niệm không được “Ngủ quên trên chiến công”. Bởi, mỗi khi xử lý vụ án liên quan đến an ninh mạng, chứng kiến cảnh người dân bị các đối tượng sử dụng công nghệ cao lừa đảo, chiếm đoạt số lượng lớn tiền, Đại úy Lê Thế Văn cảm thấy bản thân phải tiếp tục nỗ lực nâng cao nghiệp vụ để điều tra, đối phó với các mánh khóe ngày càng tinh vi của các đối tượng trên không gian mạng.
Nhận xét về người đồng đội của mình, Đại úy Nguyễn Công Tuấn, cán bộ Phòng 3, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết: “Tôi nhớ khi tham gia chuyên án về đấu tranh triệt phá nhóm đối tượng mua bán dữ liệu cá nhân, đối tượng ẩn danh trên không gian mạng, việc truy tìm đấu tranh rất khó khăn, tôi thì làm công tác điều tra, Văn làm công tác truy vết truy tìm. Do vậy, chúng tôi thường xuyên phối hợp không tách rời, hiệp đồng chiến đấu rất cao. Với khả năng am hiểu của Đại úy Văn đã truy tìm tận cùng để xử lý đối tượng theo quy định của pháp luật”.
Đánh giá về cán bộ của mình, Trung tá Nguyễn Tiến Cường, Phó trưởng phòng, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nhận định,
Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm cao là một trong những đơn vị công tác chiến đấu trên lĩnh vực công nghệ cao, an ninh mạng. Do đó có hàm lượng khoa học công nghệ rất cao. Trong quá trình công tác, thực tiễn chiến đấu nảy sinh rất nhiều yêu cầu cần phải nghiên cứu khoa học, phát triển. Với yêu cầu này, với sự sáng tạo, chủ động, trách nhiệm mình, Đại úy Văn đã đề xuất rất nhiều giải pháp và tổ chức nghiên cứu, thực hiện nó. Trong đó, nhiều giải pháp được áp dụng trong thực tiễn, gỡ được những nút thắt quan trọng. Từ đấy, đã cùng với tập thể đơn vị lập được nhiều thành tích chiến công xuất sắc góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Lĩnh vực bảo vệ an ninh mạng là một vực đặc thù, cam go, phức tạp đòi hỏi bản lĩnh và sự hy sinh thầm lặng nhưng người chiến sỹ công an Lê Thế Văn vẫn tiếp tục kiên trì, bền bỉ với công việc của mình, ngày đêm đấu tranh với các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng để bảo vệ an ninh quốc gia, mang lại bình yên cho nhân dân.